Tự chủ của trường tư: Cần cách nhìn thông thoáng

Thứ sáu - 27/04/2018 23:38 744 0
GD&TĐ - Các cơ sở GD - ĐT tư nhân là một tiền đề tài chính tốt cho Việt Nam đổi mới GD-ĐT, trong đó Nhà nước sẽ không phải chi trả nhiều ngân sách cho GD - ĐT (Chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB sau khi nghiên cứu thực tiễn GD - ĐT tại Việt Nam, đã nêu những vấn đề ở góc độ đầu tư tài chính và hiệu quả đầu tư cho GD - ĐT).
Tự chủ của trường tư: Cần cách nhìn thông thoáng

 Sau cuộc họp báo của ADB trong tháng 4 vừa qua , PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội), để hình dung rõ hơn bức tranh GD ngoài công lập của Việt Nam.

Thành quả của GD là phải đạt đến sự “hài lòng” của người dân

- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: Trong khi cơ sở GD - ĐT công lập “khó thay đổi” hơn (từ mô hình hoạt động, chương trình GD... đến vấn đề tự chủ tài chính), thì trường ngoài công lập năng động có những điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp, cách tiếp cận, nhằm nâng cao chất lượng GD - ĐT. Nằm trong sự vận động của GD ngoài công lập nhiều năm qua, thầy có chia sẻ gì về nhận định của Ngân hàng ADB?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Các ngân hàng như WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) đầu tư vào đâu thì họ nghiên cứu rất kỹ quốc gia, khu vực, lĩnh vực họ đầu tư. Tôi cũng đã tham dự một số hội thảo của các ngân hàng này tại Việt Nam.

Điều tôi thấy là họ có những đánh giá rất đúng, rất trúng và đề ra những giải pháp thiết thực. WB từng chỉ ra rằng: Ngân sách đầu tư cho GD - ĐT phân bổ như hiện tại ở Việt Nam là kém hiệu quả.

Vì theo họ, ngân sách dành cho GD - ĐT Việt Nam nên tập trung cho việc GD dân trí, đó là bậc phổ thông, đặc biệt là bậc Tiểu học, mà trong Luật GD là phổ cập tiểu học, còn sang tới GD - ĐT nghề nghiệp (ví dụ: ĐH, CĐ, TCCN) trong điều kiện ngân sách cho GD - ĐT hạn hẹp thì không nhất thiết phải đầu tư ngân sách nhiều cho bậc học đó.

Vì theo nghiên cứu của các tổ chức này, để có được nghề nghiệp thì người dân phải bỏ tiền ra để “mua” lấy nghề nghiệp đó, “mua” chương trình đào tạo để trang bị cho mình một nghề nghiệp để vào đời.

Các nước phát triển trên thế giới có ngân sách dành cho GD - ĐT lớn thì họ có thể cung cấp chương trình đào tạo nghề cho người dân, còn Việt Nam mình vẫn nghèo, mình có một “cục” ngân sách bé thì mình phải phân bổ thế nào cho hợp lý, phải ưu tiên dành ngân sách cho GD phổ thông và đặt biệt là phần phổ cập GD.

Nếu ngân sách có ít mà cứ tràn đều, rải đều ra thì chỗ nào cũng thiếu, do đó bậc học nào cũng yếu.

Trong hành lang pháp lý đã có sự đổi mới kể từ sau năm 1986, các cơ sở GD ngoài công lập mới được hình thành, thay vì trước đây chỉ độc hành một hệ thống GD công lập.

Có đến hơn 30 năm xuất hiện cơ sở GD - ĐT ngoài công lập rồi. Mặc dù sau 30 năm xuất hiện, hệ thống GD - ĐT ngoài công lập vẫn còn yếu, còn thiếu, nhưng hệ thống GD - ĐT ngoài công lập đã bộc lộ ra những nét rất năng động.

Chính chúng ta đã thấy rằng bức tranh GD ngoài công lập rất đa dạng. Bên cạnh hệ thống những trường quốc tế, còn có hệ thống các trường tư thuần Việt, những trường ngoài công lập này đang tạo ra sự sinh động không chỉ trong hoạt động GD - ĐT, mà còn mang lại cho người dân nhiều sự lựa chọn hơn trong việc đầu tư học tập cho con em.

-Thầy có cho rằng tới nay các cơ sở GD ngoài công lập đã thực hiện được vai trò của mình là xã hội hóa GD - ĐT, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước ở lĩnh vực GD - ĐT?

Các phương pháp GD của các nước phát triển mà chúng ta đang đề cập đến trong đổi mới GD sắp tới, thực ra đã hình thành ở các trường ngoài công lập khá rõ. Ví dụ, về quy mô lớp học.

Nhiều trường ngoài công lập giữ đước quy mô lớp học từ 20 HS đến 30 HS/lớp. Điều này ở trường công khó thực hiện, trường công phải chịu sức ép rất lớn về sĩ số học sinh, dù biết rằng sĩ số HS/lớp học ảnh hưởng không ít đến chất lượng GD.

Trường tư thì chủ đầu tư có thể mạnh dạn làm những điều trong khả năng tài chính cho phép, nhằm đảm bảo chất lượng GD. Trường tư thấy rõ rằng chất lượng liên quan đến quy mô lớp học, hay nói khác thì quy mô lớp học ảnh hưởng đến chất lượng GD rất nhiều.

Lớp học càng đông thì chất lượng lại càng giảm, ngược lại số lượng HS trong một lớp càng ít thì cơ hội để nhà trường, GV dạy dỗ, chăm sóc HS sẽ tập trung hơn và thuận lợi hơn.

Chúng ta cũng cần nói đến khía cạnh mà ngành GD muốn mà khó lòng thực hiện, đó là người lao động trong ngành mà cụ thể là đội ngũ GV ký hợp đồng lao động, chứ không phải biên chế như từ trước tới nay.

Nếu thực hiện ký hợp đồng lao động với GV như ở các trường tư đang làm thì GV làm được việc nhà trường duy trì hợp đồng, còn GV không làm được việc chắc chắn sẽ mất việc. Sự sàng lọc rất cụ thể trong trường tư.

Chứ không phải như trong hệ thống trường công, cứ vào được biên chế là GV “ung dung”, phải phạm lỗi hết sức nghiêm trọng thì mới sợ bị mất việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới ngỏ ra một ý là chuyển biên chế “cứng” cho GV như từ trước tới nay ở hệ thống trường công sang hợp đồng với GV, tôi cho rằng điều đó mới có động lực tích cực tác động đến GV, để GV phải có ý thức luôn phấn đấu và hoàn thiện mình để bảo vệ vị trí công việc của mình.

Ngược lại GV nào chây lười, vi phạm chuẩn mực của GV, hay chất lượng giảng dạy, sự chu đáo trong công việc không đến nơi đến chốn thì GV sẽ bị đào thải. Đó là động lực tích cực của hợp đồng với GV thay vì biên chế “cứng”.

Ý tưởng cấp tiến của Bộ trưởng vừa mới được ngỏ ra thì dư luận GV đã rộn lên. Tôi cho rằng GV nào mà lo lắng đến sự chuyển đổi hình thức biên chế sang hợp đồng là những GV yếu kém, những GV lười... Bởi nếu GV giỏi giang và có ý thức tích cực hoàn thiện mình thì người ta sẵn sàng đồng tình với bỏ biên chế “cứng”. Vì đây cũng là cơ hội được nâng lương.

Lương không theo biên chế, lương theo hợp đồng lao động hoàn toàn liên quan đến hiệu quả công việc. Hiệu quả của hợp đồng lao động (không biên chế) là động lực thúc đẩy người lao động trong ngành GD, nhất là GV làm việc tốt hơn.

Thực tế sử dụng lao động như thế đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở trường tư thục. Trường tư không có cái chuyện GV thi vào biên chế như trường công, để được vào biên chế rồi thì cứ việc “ngồi” đấy đến ngày về hưu nhận chế độ...

Tuy nhiên, ở trường tư, GV phải làm được điều mà GD cần làm, đó là phải khiến HS hài lòng, phụ huynh hài lòng, XH hài lòng, chủ trường hài lòng… Thực chất GD cần đạt đến sự “hài lòng”… Và GD ngoài công lập đang làm được điều này. Theo tôi, thành quả của GD là phải đạt đến sự “hài lòng” của người dân.

Thực thi chính sách GD của địa phương còn bó chân, bó tay trường ngoài công lập

- Vậy đứng ở góc nhìn thực tiễn, sau 30 năm hệ thống trường ngoài công lập xuất hiện và phát triển đến nay, theo thầy hệ thống chính sách pháp luật và cơ chế quy định hoạt động của trường ngoài công lập đã thật sự thông thoáng chưa, thưa thầy?

Phải nói là về hệ thống luật, để cho sự hoạt động của trường ngoài công lập, về cơ bản là được, mặc dù chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật, ví dụ: Nghị quyết, thông tư, thậm chí chỉ thị, quy chế của ngành GD ở địa phương... thực tế vẫn đang có vấn đề.

Cụ thể thế này, tôi lấy một chi tiết trong quy định để hình dung rõ hơn: Nhà đầu tư bỏ vốn ra xây một trường tư, trong Nghị định có quy định về quy mô: Diện tích đất/1 học sinh = 6m2. Nếu trường có 6.000m2 thì chỉ được tuyển 1.000 HS, 12.000m2 thì chỉ tuyển 2.000 HS. Điều này gặp một trở ngại, mặc dù gần đây đã điều chỉnh lại là 6m2 diện tích sàn/1 học sinh (khác trước quy định 6m2 đất/1 học sinh).

Nghị định quy định về việc địa phương giao đất cho các trường tư thục để xây dựng trường. Ở Hà Nội trước đây cũng thực hiện được việc này, nhưng gần đây không còn miễn thuế đất cho trường tư mà chỉ giảm thuế đất.

Như vậy, thực tế chính sách của Nhà nước khi xuống tới địa phương thì ưu tiên dành cho GD tư đã giảm đi, riêng tiền thuế đất của trường tư ở nội thành thành phố lớn như Hà Nội cao lắm, nếu thuế đất mà trường tư phải đóng ngang ngửa với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì làm sao đầu tư GD tư chịu nổi. Rất khó khuyến khích nhà đầu tư mở trường mới.

Luật, Nghị định đề ra việc giao đất cho trường tư. Nhưng sự vận dụng không đến nơi đến chốn luật, khiến các văn bản dưới luật, nhất là văn bản dưới luật ở cấp địa phương đang có những vấn đề cần xem xét.

-Theo thầy, tại sao lại có hiện tượng các cơ chế, chính sách cho GD nói chung và GD ngoài công lập nói riêng chưa được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới?

Thực ra theo tôi những nhà làm luật, những người đưa ra các chính sách vĩ mô đều nhìn ra được những vấn đề lợi ích quốc gia. Nhưng xuống đến địa phương thì tầm nhìn lợi ích quốc gia bị hạn chế.

Ở cấp địa phương đôi khi chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt, hạn hẹp mang tính địa phương, không nhìn rộng ra được lợi ích quốc gia.

Ví dụ, vấn đề chính sách ưu đãi cho sự phát triển của hệ thống các trường ngoài công lập có nhiều vấn đề đã được quy định ở các văn bản luật, nghị định là giao đất, ưu đãi thuế đất.

Quay trở lại vấn đề tôi đã nêu ở trên, chỉ vài con số như 6m2 đất/1 học sinh hay 6m2 mặt sàn xây dựng/1 học sinh, nếu như “anh” tư thục nào không thực hiện được thì “anh” không được hưởng cái gọi là chính sách xã hội hóa và thuế thu nhập doanh nghiệp “anh” phải nộp không phải 10% nữa mà bị áp tới 23 - 25% như là các doanh nghiệp kinh doanh không được hưởng chính sách xã hội hóa, mặc dù rõ ràng “anh” đầu tư cho GD và “anh” là trường học.

Rõ ràng, có thể tăng thêm được ít tiền thu thuế, có thêm được ít tiền cho thuê đất, song lại có thể mất đi lợi ích quốc gia, lợi ích của việc người dân đầu tư cho GD để gánh đỡ gánh nặng ngân sách của Nhà nước cho GD.

- Chính sách và thực thi chính sách đối với GD ngoài công lập thì như vậy, còn việc quản lý hệ thống GD ngoài công lập đang có những tiến bộ gì? Đổi mới trong quản lý GD địa phương làm sao để phù hợp với thực tiễn phát triển của GD, trong đó có sự phát triển của GD ngoài công lập, thưa thầy?

Về câu hỏi này tôi xin đề cập đến một vấn đề trong chính sách và thực thi chính sách đối với GD ngoài công lập. Đó là việc quản lý trường ngoài công lập mà như quản lý trường công lập ở một số địa phương đang làm hiện nay là không đúng.

Xã hội đang quan tâm đến sự tự chủ trong quản lý nhà trường từ bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT… đến ĐH. Bây giờ nói đến sự tự chủ của nhà trường thì các trường ngoài công lập phải tự chủ về cơ sở vật chất, tự chủ về đội ngũ giáo viên, phải tự chủ về nguồn tài chính để hoạt động thường xuyên… Đó là những vấn đề rất cơ bản của một cơ sở GD.

Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, mức độ tự chủ của các trường ngoài công lập có những hạn chế đi rất nhiều, cơ chế quản lý nhà trường từ địa phương lại có những quy định bó tay, bó chân nhà trường. Ví dụ, một số địa phương yêu cầu trường công và trường tư phải tuyển sinh cùng một ngày, cùng một thời điểm, trường tư không được tuyển sinh sớm hơn trường công.

Thậm chí, kể cả cho HS làm bài kiểm tra trong từng học kỳ, có “anh” quản lý GD địa phương cũng yêu cầu tất cả các trường công trường tư trong một địa bàn quận thực hiện y chang như nhau: “Anh” lên lịch kiểm tra trong quận, “anh” yêu cầu trường tư và trường công cùng kiểm tra theo lịch kiểm tra đó.

Học thì theo lịch của trường, nhưng kiểm tra học kỳ theo lịch của quận, như vậy việc quản lý GD tưởng là nề nếp, chỉn chu, nhưng bản chất lại gây lộn xộn cho việc quản lý thực học, thực dạy ở nhà trường, nhất là các trường tư vốn chương trình GD “mở” hơn trường công.

“Anh” quản lý GD địa phương nơi này nơi khác đang làm một cái việc thừa là “cầm tay chỉ việc” cho các trường như thế, chẳng khác nào “ôm rơm nặng bụng” mà chẳng được lợi ích gì, giải quyết gì cho vấn đề nâng cao chất lượng GD. Và vô hình chung các quản lý như thế gây khó khăn cho các trường.

Riêng về vấn đề tự chủ trong tuyển sinh, để nhà trường tự chủ chất lượng đầu vào và đảm bảo chất lượng đầu ra thì theo tôi hoàn toàn nên có cách nhìn tiến bộ và thông thoáng.

Cần hết sức tránh việc phía trên Bộ có chủ trương thông thoáng, tiến bộ, phù hợp với quan điểm của Đảng, của Nhà nước, nhưng các cấp quản lý GD bên dưới lại nặng về quản lý trường tư theo hình thức, áp đặt, cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn hoạt động của trường ngoài công lập, cũng như không phù hợp với mục đích xã hội hóa GD, đưa GD tư nhân vào hoạt động GD chung, nhằm giải quyết những vẫn đề mà GD công không thể làm hết, hay giải quyết bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước dành cho GD.

Tóm lại cần phải có một cách nhìn cấp tiến, hiện đại, phù hợp với thực tiễn thì mới có thể phát triển hệ thống trường ngoài công lập đáp ứng đòi hỏi nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

-Xin cảm ơn những trao đổi của thầy!

“Lẽ ra quản lý GD nếu theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một “Nhà nước kiến tạo” thì các cơ quan quản lý GD các cấp phải hỗ trợ cho các nhà trường, kể cả trường công và trường tư có những điều kiện thuận lợi để có thể đổi mới sáng tạo, để các trường có được sự chủ động trong giới hạn cho phép, giúp cho nhà trường tự chủ hơn, ít ra là chủ động về thời gian kiểm tra học kỳ, thời gian tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh… để làm sao nhà trường có thể chủ động được hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng GD”.

Tác giả bài viết: An nhiên (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại290,893
  • Tổng lượt truy cập51,646,852
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944