Ngọt từ trách nhiệm
Cô học trò Huỳnh Ngân Giang (học sinh lớp 12B4 Trường THPT Nguyễn Huệ) bị mắc bệnh bồ đào – đôi mắt em không thể đọc chữ trong sách giáo khoa hay chữ in trên giấy A4.
Tham gia kỳ thi năm nay, Giang đã được nhận một bộ đề thi đặc biệt: in trên khổ giấy A3 với cỡ chữ to để em đọc được và vẫn thực hiện bài thi trên giấy thông thường như các thí sinh khác.
Nhưng, để cô học trò được “vượt vũ môn” như bao bạn bè trang lứa và ước mơ của em không bị lỡ dở thì phải nhắc đến sự trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như sự sát sao, tạo điều kiện tốt nhất có thể của Bộ GD&ĐT.
Được biết, trước kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của Huỳnh Ngân Giang ra Bộ GD&ĐT để xin ý kiến làm riêng cho em một bộ đề thi đặc biệt và được chấp thuận.
Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã tổ chức một phòng thi đặc biệt dành cho một mình thí sinh Đặng Nguyễn Phú Thịnh trong buổi thi môn Ngữ văn.
Thí sinh Huỳnh Ngân Giang với đề thi môn Ngữ văn được in trên giấy A3. Ảnh: Nhật Linh |
Phòng thi này vẫn có đủ 3 giám thị (2 giám thị trong phòng, 1 giám thị hành lang) trông cậu học trò Thịnh bị gãy tay phải đứt gân (do đá bóng 12 ngày trước) cùng một người viết bài thi hộ.
Được biết, phòng thi đặc biệt này được tổ chức sau khi gia đình em Thịnh có đơn gửi hội đồng thi xin người viết hộ môn ngữ văn và nhanh chóng được giải quyết. Thịnh cũng đã hoàn thành bài thi với sự trợ giúp đặc biệt này.
Có thể thấy, những câu chuyện của Giang hay của Thịnh khi được truyền thông trên báo chí đã đem lại biết bao xúc động cho xã hội.
Không xúc động sao được trước một cô học trò đầy nghị lực vượt qua bệnh tật, xuất sắc là học sinh giỏi suốt 3 năm THPT, giành giải nhì học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh năm 2018 và giờ đây tiếp tục bước tới ước mơ khi mong muốn được trở thành sinh viên khoa du lịch (Đại học Huế).
Càng xúc động hơn khi ngành giáo dục nước nhà đã luôn kịp thời tạo điều kiện hết sức có thể để Giang và Thịnh hay nhiều thí sinh khác có cùng hoàn cảnh được thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi. Và, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ước mơ nơi các em luôn được chắp cánh, không hề phải ngậm ngùi luyến tiếc.
Chẳng thế mà đã có rất nhiều người bày tỏ trước những sự việc như của Giang, như Thịnh: “Chí tình”; “Rất hoan hộ Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế, một việc làm rất nhân văn cho một tâm hồn và một ý chí hơn người!”; “Một hành động ý nghĩa đáng được noi theo thể hiện sự quan tâm, tiếp sức cho các học sinh trong mùa thi căng thẳng này, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.”;
“Cảm động quá, một câu chuyện đẹp, từng số phận con người đều được xã hội quan tâm.”; “Tuyệt vời. Ngành giáo dục dần thay đổi rất tích cực, để những bạn trẻ không may mắn,vẫn hoàn thành ước mơ của mình”…
Y tá Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn dìu thí sinh Nguyễn Lê Anh Trung vào phòng thi. |
Ngọt đến trái tim
Bao năm qua, trước – trong – sau mỗi Kỳ thi THPT quốc gia đều có biết bao câu chuyện xúc động và ấm áp từ cộng đồng dành cho sĩ tử. Kỳ thi năm nay cũng vậy.
Những đội sinh viên, học sinh tình nguyện vẫn luôn thắm sắc xanh trên mọi nẻo đường, mọi cổng trường. Vẫn như bao năm, các bạn trẻ này lại tham gia phân làn giao thông; hướng dẫn chỉ đường hay trao những chai nước uống, chiếc quạt ba tiêu nho nhỏ, suất cơm từ thiện thậm chí quyên góp tiền mặt từ quà sáng, tiêu vặt; vẽ chibi cổ động tinh thần… gửi đến các sĩ tử và phụ huynh.
Hay, sinh viên tình nguyện đã chẳng nề hà đẩy xe lăn, cõng những sĩ tử từ cổng vào phòng thi vì không may bị tai nạn, bị bệnh ngay trước ngày thi… Riêng đội tình nguyện viên của Trường THPT Đakrông lại có một cuộc trợ giúp hy hữu: “giải cứu” thành công cho thí sinh Hồ Văn Lích người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chân Rò, xã Đakrông đang đi tìm… bò lạc mà quên mất giờ thi.
Không chỉ thế, cộng đồng xã hội cũng luôn đồng hành cùng các sĩ tử. Biết thí sinh Trần Trọng Nghi lớp 12A3 Trường THPT Bạc Liêu (cư trú tại phường 7, TP. Bạc Liêu) bị bệnh về xương không thể tự đi đến điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển (phường 5, TP. Bạc Liêu), chiến sĩ công an Lữ Minh Trung (Công an TP. Bạc Liêu) cùng cán bộ giám sát Quách Thế Vân đã cõng thí sinh đến tận phòng thi.
Nhận tin điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong sắp đến giờ thi vẫn vắng mặt môt thí sinh, Công an tỉnh Hà Giang giúp sức tìm kiếm và đưa thí sinh đó đang… ngủ quên vừa kịp đến phòng thi.
Nữ sinh Nguyễn Lê Anh Trúc vừa mổ ruột thừa hôm trước thì hôm sau vẫn quyết tâm đến tham dự kỳ thi khi được một đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tháp tùng đến tận phòng thi (điểm thi Trường THPT Marie Curie – TP. Hồ Chí Minh).
Thêm mỗi kỳ thi là thêm rất nhiều câu chuyện ngọt ngào gieo nơi trái tim đầy yêu thương và trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. Thế nên, biết bao người đã rưng rưng: “Tôi đã khóc khi đọc...”; “Cay cay nơi khóe mắt trước hành động cao đẹp của Công an Nhân dân”; “Cảm động quá. Cám ơn các em tình nguyện viên.”; “Đáng yêu quá! Những trái tim ấm áp!”; “Xung quanh ta vẫn còn rất nhiều người tốt.”; “Vì thế giới còn yêu thương nhau”…