GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi THPTQG 2019 tỉnh Tuyên Quang - xung quanh những đánh giá trong công tác phối hợp, cảm nhận, sẻ chia của các giám thị trường ĐH khi về địa phương “làm thi”.
PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi THPTQG 2019 tỉnh Tuyên Quang |
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của ngành GD địa phương với lực lượng cán bộ, giảng viên trường ĐH trong kỳ thi THPTQG 2019 tại Tuyên Quang?
- Ngay sau khi Trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỳ thi THPG năm 2019, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong trường chủ động phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch phối hợp kỳ thi (cử gần 300 cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, Ban thư ký, Hội đồng thi; Hội đồng Chấm trắc nghiệm; Hội đồng Chấm Phúc khảo trắc nghiệm, Thanh tra coi thi…).
Theo tôi sự phối hợp của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Tuyên Quang nói chung, Sở GD&ĐT nói riêng, với Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Công đoàn Hà Nội và Trường CĐ Sư phạm Hà Giang là hết sức nhịp nhàng, đảm bảo đúng quy chế và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như các đơn vị phối hợp.
Các cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên đến điểm thi tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) |
* Năm nay là năm đầu tiên áp dụng một số điểm mới về mặt kỹ thuật trong coi thi, thanh tra, giám sát… Với thực tiễn triển khai, theo ông, có cần phải điều chỉnh gì không để kỳ thi THPTQG thêm chặt chẽ, an toàn, minh bạch?
- Cho đến thời điểm này tôi thấy những điểm mới về mặt kỹ thuật cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tế, hạn chế sai sót trong việc điền các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm gây khó khăn cho công tác chấm thi, hạn chế việc đổi phiếu trả lời trắc nghiệm (nếu có thi hộ, thi kèm…).
* Sau việc tổ chức thi là phần chấm thi với sự tham gia của lực lượng cán bộ, giảng viên từ trường ĐH. Ông đã lưu ý điều gì với các cán bộ tham gia chấm thi của Trường ĐHSP Thái Nguyên?
- Chúng tôi nhấn mạnh cán bộ tham gia chấm thi cần nắm chắc quy trình chấm thi trắc nghiệm, thực hiện đúng quy chế. Các trường hợp bất thường cần lập biên bản và báo cáo lãnh đạo để xử lý hoặc báo cáo cấp trên khi cần thiết.
Niềm vui sau mỗi buổi "làm thi" của các thầy giám thị trường ĐH và trường phổ thông |
* Khác với những đoàn giám thị từ trường ĐH khác, các cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP Thái Nguyên là những người trực tiếp đào tạo các thầy cô giáo tương lai. Chuyến đi địa phương, trực tiếp làm thi cùng các GV có cho họ bài học, góc nhìn gì có ích cho công việc?
- Đây là những trải nghiệm thực tế thực sự có ý nghĩa với cán bộ, giảng viên của nhà trường. Ngoài sự chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của địa phương, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều trong công tác lãnh, chỉ đạo công tác coi thi, công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh ở trường phổ thông để có những điều chỉnh về chương trình đào tạo, phương pháp cho sát với thực tiễn hơn.
Đoàn cán bộ coi thi điểm thi Trường THPT Minh Quang tặng Trường THPT Minh Quang 4 triệu đồng, góp kinh phí sửa chữa nhà nội trú của HS bị gió lốc tốc mái cuối tháng 4/2019 |
* Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm ông nhớ nhất sau thời gian “làm thi” tại Tuyên Quang?
- Đó là sự đồng cảm của các thầy cô giáo của nhà trường với giáo viên và học sinh ở những điểm thi còn khó khăn. Kết thúc kỳ thi, các cán bộ, giáo viên của nhà trường tham gia làm nhiệm vụ ở một số điểm thi đã có những động viên, chia sẻ với giáo viên, học sinh trường phổ thông như tặng quà cho học sinh khó khăn, ủng hộ quỹ khuyến học của nhà trường, ủng hộ sửa chữa nhà nội trú của học sinh bị tốc mái…
Đây là những tình cảm ấm áp của cán bộ, giảng viên nhà trường với giáo dục miền núi nói chung và Tuyên Quang nói riêng.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!