Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học (gọi tắt là dự thảo thông tư). Theo nhận định của giáo viên, các quy định được dự thảo đề xuất phù hợp với thực tiễn.
Theo thầy Đỗ Hồng Duy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định), dự thảo thông tư quy định khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có tiêu chí xếp loại viên chức trong các năm liền kề hoàn toàn phù hợp. Chẳng hạn, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II quy định: Giáo viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề với năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Hay như tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I quy định: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và tương đương, có 5 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Thực tiễn cho thấy, để đạt tiêu chí này không quá khó với giáo viên khi xét thăng hạng II, hạng I”, thầy Đỗ Hồng Duy nhận định.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông, đề xuất quy định về xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương trong dự thảo thông tư rõ ràng, tường minh và cụ thể. Đề xuất khắc phục được những bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chuẩn trình độ giáo viên được quy định tại Luật Giáo dục 2019, không gây thiệt thòi cho các thầy, cô giáo.
Tâm đắc với các quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được đề cập trong dự thảo thông tư, cô Phạm Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) bày tỏ, quy định này phù hợp với Nghị định 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định này có hiệu lực từ 7/12/2023 đã chính thức bỏ việc thi thăng hạng viên chức).
Trước ngày 7/12/2023, việc yêu cầu “cứng” hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên vô hình trung dẫn đến thiệt thòi cho những giáo viên cống hiến lâu năm, lớn tuổi dù họ đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để được thăng hạng. “Dự thảo thông tư đề xuất các tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ tháo gỡ được băn khoăn, vướng mắc của giáo viên cả nước; trên hết là chạm đến tâm can của giáo giới” - cô Phạm Thị Hiền ghi nhận.
Một lớp học củaTrường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NVCC |
Cơ bản đồng tình các quy định được đề xuất trong dự thảo thông tư nhưng cô Lưu Thị Thanh Nga – Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) băn khoăn về tiêu chí năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin của giáo viên hạng II, hạng I được đề cập trong dự thảo. Theo đó, quy định chưa cụ thể và khó vận dụng trong cơ sở giáo dục.
Cụ thể, dự thảo thông tư đề xuất: Trường hợp giáo viên có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng. “Thực tế, tiêu chí này khó đánh giá”, thầy Đỗ Hồng Duy nhìn nhận.
Băn khoăn về quy định danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với giáo viên hạng I được đề xuất trong dự thảo thông tư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông trao đổi, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và hạng tương đương. Thực tiễn cho thấy, nhiều giáo viên dự thi đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, hoặc qua 2 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện có cơ hội tham gia và được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh ngay sau khi ra trường từ 5 đến 7 năm.
Ngoài ra, theo Luật Thi đua, khen thưởng, nếu giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì có thể đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh (theo điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và Điều 22 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022). Nếu quy định như dự thảo thông tư thì các danh hiệu, hình thức thi đua trước đó không được tính sẽ thiệt thòi cho nhà giáo khi xét thăng hạng I.
Do đó, thầy Đỗ Hồng Duy đề nghị bỏ “phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), dự thảo thông tư bỏ các quy định về thi thăng hạng, bỏ quy định về nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng tại Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Dự thảo thông tư quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ GD&ĐT quy định thêm tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng liên quan đến tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian giữ hạng II đối với người đăng ký dự xét lên hạng I; danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I phải đạt được trong thời gian giữ hạng II và do cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng quy định cụ thể; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo Đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự thảo thông tư bổ sung quy định về việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương.
“Theo lộ trình thì từ 1/7/2024, thực hiện xếp lương theo vị trí việc làm. Việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư kết thúc vào ngày 5/5/2024, sau đó Bộ GD&ĐT mới ban hành chính thức. Điều này có thiệt thòi cho nhà giáo trước và khi thực hiện chế độ tiền lương mới không?”, thầy Đỗ Hồng Duy đặt vấn đề.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc