Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội gồm TS. Kim Mạnh Tuấn, TS. Trần Thị Thanh Hà, TS. Nguyễn Đức Huy thực hiện nghiên cứu về định tính khám phá bản sắc người Thầy trong xu thế toàn cầu hóa và kỳ vọng xã hội. Nghiên cứu này được công bố trong kỷ yếu hội thảo khoa học: Chính sách, pháp luật về nhà giáo - lý luận và thực tiễn do Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức.
Nghiên cứu áp dụng phương pháp định tính dựa trên dữ liệu phỏng vấn sâu với 18 cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia nghiên cứu và giáo viên.
Theo nhóm tác giả, trong lĩnh vực giáo dục, định danh nhà giáo chính là việc xác định những nhân tố tạo nên vị thế, hình ảnh, vai trò và giá trị của người thầy giáo.
Định danh này được quy định bởi chuẩn mực văn hóa - giáo dục và định hướng chính sách phát triển nền giáo dục của mỗi quốc gia.
Quá trình định danh nhà giáo chịu ảnh hưởng của các yếu tố: vai trò xã hội của nhà giáo; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người thầy; năng lực chuyên môn; mối quan hệ giữa thầy và trò; cũng như vị thế và uy tín của nhà giáo.
Như vậy, định danh giáo viên quy định các giá trị và chuẩn mực cho ngành giáo dục. Định danh tạo nên sức thu hút đội ngũ nhà giáo ưu tú trong xã hội; đồng thời, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và hiệu quả đào tạo.
Định danh nhà giáo không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển giáo dục trong một quốc gia. Việc xác định rõ ràng đặc trưng, vai trò, và giá trị cốt lõi của nhà giáo trong bối cảnh văn hóa - xã hội cụ thể là cần thiết để xây dựng chính sách giáo dục có hiệu quả và thu hút những người xuất sắc vào ngành Giáo dục.
Nhìn chung, những kết quả trong nghiên cứu đã tạo nên một bức tranh về định danh nhà giáo Việt Nam. Kết quả nổi bật đầu tiên của nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản sắc người thầy Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng tích cực và đa chiều để thích ứng với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi từ truyền thống. Đây có thể coi là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững của đội ngũ nhà giáo Việt Nam trong tương lai.
Một số bản sắc mà nhà giáo Việt Nam hướng tới đó là người kết nối tri thức cho học trò, giúp học sinh kết nối với nguồn tri thức trong và ngoài lớp học, có khả năng sử dụng công nghệ để mở rộng không gian học tập cho người học.
Giáo viên cũng phải là những người truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê, sáng tạo ở học trò, thay vì áp đặt thì người giáo viên phải có khả năng dẫn dắt, khơi gợi sự sáng tạo, tư duy phản biện cho học sinh.
Giáo viên đồng thời là người hướng đạo, có vai trò định hướng, tư vấn và hỗ trợ học trò phát triển toàn diện cả về học thuật lẫn nhân cách.
Giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) nghiên cứu sách giáo khoa mới. |
Tiếp theo, bản sắc giáo viên còn thể hiện là người thích ứng, linh hoạt với các phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm, sẵn sàng đón nhận công nghệ và xu hướng giáo dục tiên tiến.
Cuối cùng, người giáo viên phải là người có trách nhiệm xã hội, chia sẻ gánh nặng với xã hội, tham gia hoạt động cộng đồng, nâng cao dân trí và đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Kết quả này của nghiên cứu có sự tương đồng với các nghiên cứu gần đây khi cho thấy bản sắc nhà giáo đang dịch chuyển từ vai trò truyền thụ tri thức sang vai trò định hướng, hướng dẫn và đồng hành cùng học trò; từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ và phương pháp dạy học mới.
Tuy nhiên, điểm khác biệt có lẽ nằm ở chỗ những người tham gia nghiên cứu đều nhấn mạnh tới bản sắc nhà giáo Việt Nam trong sự gắn kết với giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm của nhà giáo đối với xã hội.
Đây có thể xem là đặc thù riêng của định danh nhà giáo Việt Nam, rất chú trọng đến giá trị đạo đức và vai trò nhân văn hóa - xã hội.
Tiếp theo, những dữ liệu từ phỏng vấn trong nghiên cứu này chỉ ra rằng định danh nhà giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố văn hóa - xã hội như: Chính sách quốc gia, giá trị văn hóa, vai trò gia đình, phản hồi từ các bên liên quan, định kiến giới tính, hay sự tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.
Kết quả cuối cùng đó là trong các tiêu chí định danh nhà giáo Việt Nam, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh được những người tham gia nghiên cứu đánh giá cao.
Mối quan hệ sâu sắc giữa thầy và trò không chỉ tạo ra một môi trường học tập tích cực mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của học trò.
Mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh thể hiện sự chuyển đổi từ truyền thống đến mối quan hệ tương tác, tích cực và hỗ trợ, là sự kết hợp chặt chẽ giữa giá trị truyền thống và sự đổi mới.
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, định danh nhà giáo Việt Nam cần linh hoạt và sáng tạo để đảm bảo rằng những bản sắc đó vừa phản ánh đúng giá trị, vai trò nhà giáo, vừa thích ứng với bối cảnh toàn cầu. Sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và yêu cầu của thế giới hiện đại là chìa khóa để duy trì và phát triển định danh nhà giáo Việt Nam.
Dựa vào kết quả nghiên cứu về định danh nhà giáo Việt Nam, nhóm tác giả gợi ý một số đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật góp phần nâng cao vai trò, vị thế, bản sắc của đội ngũ nhà giáo Việt Nam.
Thứ nhất, quy định cụ thể về định danh, vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của nhà giáo Việt Nam trong xu thế mới cần được đưa vào Luật Nhà giáo.
Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ bản sắc đa chiều, vừa hiện đại vừa giữ gìn giá trị truyền thống của nhà giáo.
Thứ hai, Đảng và Chính phủ cần quan tâm xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù, cả về vật chất và tinh thần cho nhà giáo, và có cơ chế khen thưởng xứng đáng với những đóng góp của họ cho xã hội.
Đồng thời, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa các nhà giáo, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia giáo dục để lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn của nhà giáo, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan.
Tác giả bài viết: Hải Bình
Ý kiến bạn đọc