Tuy nhiên, khi xem xét kết quả của 10 địa phương có tỷ lệ này cao nhất và thấp nhất cho thấy có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng việc lựa chọn học đại học của học sinh, không chỉ là kinh tế - xã hội.
Bộ GD&ĐT cho biết, trong hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 đã có hơn 546.000 em vào đại học (ĐH), đạt tỷ lệ 53,1%, tăng gần 2% so với năm trước. Tăng tỷ lệ học sinh đỗ ĐH sau trung học là phù hợp với xu hướng thế giới, khi quy mô nền kinh tế của các nước ngày càng mở rộng, thu nhập bình quân đầu người và nhu cầu nhân lực có trình độ ngày càng tăng.
Ở Việt Nam số học sinh vào ĐH sau THPT tăng lên theo từng năm. Năm 2022, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT có 51 em chọn học ĐH, đến năm 2023, con số này là 53 và 47 học sinh còn lại sẽ học nghề, tham gia lao động, du học, nghĩa vụ quân sự hoặc xuất khẩu lao động.
Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT cho thấy, những vùng có tỷ lệ trúng tuyển ĐH cao có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhiều việc làm đòi hỏi nhân lực có trình độ, có nhiều trường ĐH chất lượng và thu nhập bình quân đầu người cao.
Khi so sánh tỷ lệ trên với thu nhập bình quân của từng vùng kinh tế cho thấy, 2 đại lượng này tỷ lệ thuận tương đối với nhau. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nơi có thu nhập bình quân cao nhất, nhì có tỷ lệ trúng tuyển ĐH nhập học xếp thứ nhì và thứ nhất (trên 64%).
Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có thu nhập bình quân xếp thứ 3 và thứ 4, tỷ lệ trúng tuyển ĐH xếp thứ 4 và thứ 3 (trên 52%). Tây Nguyên xếp thứ 5 về thu nhập có tỷ lệ đỗ ĐH xếp thứ 5 (gần 50%), vùng núi phía Bắc thu nhập thấp nhất, xếp thứ 6, tỷ lệ đỗ ĐH cũng xếp thứ 6 (40%).
Nguồn: Niên giám Thống kê năm 2022 và số liệu của Bộ GD&ĐT. |
Năm 2023, 10 địa phương có tỷ lệ phần trăm trúng tuyển ĐH nhập học cao nhất cũng gần giống năm 2022, chỉ thay đổi thứ hạng giữa các địa phương với nhau và Hưng Yên đã thay thế Hải Phòng, bị rớt khỏi bảng này.
Bình Dương tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước, với tỷ lệ 80,61% đỗ ĐH. Đà Nẵng xếp thứ 2, tăng 1 bậc so với năm 2022, với 72,2%. TPHCM xếp thứ 3, tăng 2 bậc, với 70,87%. Hà Nội xếp thứ 4, tăng 5 bậc, với 70,81%. Thừa Thiên Huế xếp thứ 5, giảm 3 bậc, với 67,01%.
Nam Định xếp thứ 6, giữ nguyên hạng, với 65,63%. Khánh Hòa xếp thứ 7, giảm 3 bậc, với 64,7%. Bắc Ninh xếp thứ 8, tăng 2 bậc, với 64,56%. Hưng Yên xếp thứ 9, tăng 2 bậc, với 63,2%. Phú Yên xếp thứ 10, giảm 2 bậc, với 63,18%. Đáng chú ý là Hải Phòng, năm 2022 xếp thứ 7, nhưng năm 2023 rớt khỏi top 10.
Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả. |
Hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có 6 địa phương cao nhất. Đây là những địa phương có chất lượng giáo dục tốt, có nhiều trường ĐH chất lượng và thu nhập bình quân đầu người cao.
Trước hết, Bình Dương có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để học sinh lựa chọn con đường ĐH. Đây là tỉnh có chất lượng giáo dục cao, luôn đứng đầu cả nước về tổng điểm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (có tổng điểm bình quân cả tỉnh 21 điểm); thu nhập bình quân của Bình Dương cao nhất cả nước (8,07 triệu đồng/tháng); đồng thời trên địa bàn tỉnh có 5 trường ĐH lại tiếp giáp với TPHCM - một trung tâm ĐH. Tuy nhiên, với trên 80% trúng tuyển ĐH hằng năm dẫn đến tỉnh này sẽ thiếu lao động kỹ thuật và lao động thủ công.
TPHCM có kinh tế - xã hội phát triển năng động, chất lượng giáo dục cao (luôn trong top 10 của cả nước, điểm Ngoại ngữ luôn đứng thứ nhất), có nhiều trường ĐH chất lượng, có nhiều việc làm, thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 3 cả nước (6,39 triệu đồng). TPHCM có nhiều cơ hội việc làm nên với trên 70% học sinh đỗ ĐH hằng năm vẫn chưa đủ, mà cần nhập cư thêm lao động có trình độ.
Thành phố Hà Nội, nơi có chất lượng giáo dục cao, học sinh giỏi quốc gia luôn đứng đầu, tổng điểm Toán, Văn, Ngoại ngữ có thứ hạng cao, thu nhập bình quân xếp thứ 2 cả nước (6,40 triệu đồng) và là trung tâm ĐH của cả nước, nên có trên 70% học sinh học ĐH trong và ngoài nước.
Nam Định có truyền thống giáo dục có chất lượng (xếp thứ nhất và thứ nhì về thi THPT), người dân có thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 9 cả nước (5,1 triệu đồng), nơi có 4 trường ĐH và gần Hà Nội nên thuận lợi cho HS học ĐH.
Bắc Ninh có chất lượng giáo dục cao, luôn ở top 10 cả nước, có 12 cơ sở giáo dục ĐH và gần trung tâm ĐH Hà Nội, thu nhập bình quân đầu người cao, xếp thứ 10 cả nước (5,1 triệu đồng).
Hưng Yên tuy chất lượng giáo dục không cao bằng 5 địa phương trên, thứ hạng 31 về tổng điểm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và thứ hạng 33 trung bình điểm thi năm 2023, song nơi đây có 4 trường ĐH và 1 trường CĐSP, và các địa phương xung quanh như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh có nhiều trường ĐH, thu nhập bình quân đầu người của Hưng Yên khá cao, xếp thứ 16 cả nước (4,75 triệu đồng).
Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả. |
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cũng có 4 địa phương nằm trong top 10, nhưng chất lượng giáo dục của các địa phương này chưa cao. Năm 2023, Phú Yên có (thứ hạng tổng điểm Toán, Văn, Ngoại ngữ xếp thứ 49 - thứ hạng trung bình điểm thi xếp thứ 52), Khánh Hòa (30 - 43), Thừa Thiên Huế (25 - 26) và Đà Nẵng (20 - 40), ở mức trên, dưới trung bình của cả nước. Như vậy, những địa phương này trúng tuyển ĐH cao không chỉ nhờ vào chất lượng giáo dục, mà nhờ vào nhiều yếu tố khác.
Trước hết, TP Đà Nẵng, nơi có ĐH Đà Nẵng, một ĐH vùng lâu năm và đang chuẩn bị nâng lên thành ĐH quốc gia. Bên cạnh đó có nhiều trường tư thục như ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc… Sinh viên tốt nghiệp ĐH ở đây có thể tìm việc ngay tại Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung hay vào Đông Nam Bộ, có bình quân thu nhập xếp thứ 6 (5,8 triệu đồng). Vì vậy, Đà Nẵng có trên 72% học sinh đỗ ĐH.
Thừa Thiên Huế, nơi có ĐH Huế, cũng là một ĐH vùng có truyền thống, đang xây dựng trở thành ĐH quốc gia và có một số ĐH tư thục. Ngoài ra, trong những năm gần đây, học sinh các tỉnh ít về Huế học hơn. Đồng thời, Thừa Thiên Huế định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 28 (4,28 triệu đồng) nên học sinh sau THPT của tỉnh này có lựa chọn học ĐH nhiều hơn, trên 67%.
Khánh Hòa, nơi có Trường ĐH Nha Trang, đào tạo đa ngành và nhiều chi nhánh của các trường ĐH trong nước. Khánh Hòa đang trong quá trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều dự án và cơ hội việc làm nên học sinh ở đây yên tâm học ĐH.
Còn đối với Phú Yên, chỉ có 3 cơ sở giáo dục ĐH, gồm Trường ĐH Phú Yên, Trường ĐH Xây dựng miền Trung và Học viện Ngân hàng, trong đó ĐH Phú Yên đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng năm 2022.
Phú Yên gần Khánh Hòa và vùng Đông Nam Bộ, nên học sinh tỉnh này nhiều em chọn ĐH là hướng đi sau THPT. Ngoài ra, có một đặc điểm chung của những địa phương này là tinh thần hiếu học, việc đi du học nghề hay xuất khẩu lao động sau THPT chưa trở thành xu hướng như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ảnh minh họa: ITN |
Ở chiều ngược lại, Sơn La là địa phương có tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH thấp nhất, xếp thứ hạng 63, tụt 7 bậc so với năm 2022, đạt tỷ lệ 25,79%. Xếp thứ 62 là Lai Châu, tăng 1 bậc, với tỷ lệ 28,48%. Hà Giang xếp thứ 61, tăng 1 bậc, với tỷ lệ 29,21%. Lạng Sơn xếp thứ 60, giữ nguyên hạng, tỷ lệ 29,92%. Điện Biên xếp thứ 59, giảm 1 bậc, với 30,83%.
Quảng Bình xếp thứ 58, tụt 4 bậc, với tỷ lệ 31,74%. Yên Bái xếp thứ 57, giảm 2 bậc, với tỷ lệ 33,12%. Hòa Bình xếp thứ 56, tăng 1 bậc, với tỷ lệ 34,26%. Cao Bằng xếp thứ 55, tăng 2 bậc, với tỷ lệ 34,33%. Tuyên Quang xếp thứ 54, tăng 2 bậc, tỷ lệ 35,77%.
10 địa phương có tỷ lệ trúng tuyển ĐH thấp đều thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn, chất lượng giáo dục còn thấp, có ít trường ĐH và thu nhập bình quân đầu người thấp. Tuy nhiên, trong đó Quảng Bình, là một địa phương miền Trung có kinh tế - xã hội phát triển khá, nhưng tỷ lệ đỗ ĐH thấp.
Phú Yên là tỉnh có chất lượng giáo dục chưa cao, thứ hạng thi THPT trên 50, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 chỉ đạt gần 3,5 triệu đồng/tháng, xếp thứ 46. Quy mô nền kinh tế của tỉnh dựa trên GRDP của Phú Yên khoảng 2,18 tỷ USD, xếp thứ 49, trong khi tỷ lệ trúng tuyển ĐH tỉnh này trên 63% là chưa phù hợp với quy mô nền kinh tế. Vì vậy, tỉnh Phú Yên cần phân tích nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp để có tỷ lệ phân luồng hợp lý hơn.
Quảng Bình là tỉnh Bắc Trung Bộ, học sinh có tinh thần hiếu học, nhiều em đoạt giải quốc gia và quốc tế. Năm 2023, chất lượng thi THPT của tỉnh này dưới mức trung bình, nhưng cao hơn rất nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Về kinh tế - xã hội, nơi đây có du lịch và nghề biển phát triển, GRDP của Quảng Bình năm 2022 khoảng 2,16 tỷ USD, xếp thứ 50. Tuy vậy, điều kiện về giáo dục ĐH và CĐ ở đây còn khó khăn.
Tỉnh chỉ có Trường ĐH Quảng Bình, nhưng hằng năm cũng chỉ tuyển được vài trăm sinh viên, nên quy mô giảm từ 10.000 sinh viên đến nay chỉ còn khoảng 1.000 sinh viên. Quảng Bình chưa có công nghiệp, thương mại phát triển và những năm gần đây các cơ quan hành chính sự nghiệp lại giảm biên chế nên nhiều sinh viên ĐH khó tìm việc làm.
Ngoài ra, Quảng Bình là địa phương đẩy mạnh xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… nên nhiều học sinh chọn hướng này, đi học nghề hoặc trực tiếp lao động.
Phân luồng học sinh sau THCS, THPT nước ta những năm gần đây có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0 và kinh tế thị trường hiện đại, cần nhiều nhân lực trình độ CĐ, ĐH trở lên, những địa phương có tỷ lệ trúng tuyển ĐH nhập học thấp sẽ ảnh hưởng nguồn nhân lực.
Vì vậy, các địa phương này cần đánh giá thực trạng và có giải pháp phân luồng hiệu quả, hài hòa giữa các trình độ đào tạo. Cần đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong vùng; Nhà nước, doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm.
Ngành Giáo dục tăng cường giáo dục hướng nghiệp, để học sinh có hướng lập thân, lập nghiệp lâu dài. Chứ không chạy theo cái lợi trước mắt, như xuất khẩu lao động thu nhập cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và sau khi về nước không có nghề nghiệp, khó khăn cho sự phát triển bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội lâu dài.
Tác giả bài viết: Hồ Sỹ Anh
Ý kiến bạn đọc