Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 70 thành viên do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà làm Trưởng ban. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có khoảng 112 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 10 nghìn em so với năm ngoái. Một trong các tiêu chí được lãnh đạo TP nhấn mạnh để tổ chức thành công kỳ thi là chọn đúng người, phân công đúng việc.
Nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) được BCĐ thi thành phố giao chuẩn bị từ 23 – 25 phòng thi. Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 92 cán bộ, giáo viên đã tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Đồng thời, nhà trường tiến hành rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân sự cho kỳ thi. Những thầy cô có con em dự thi thì không tham gia các khâu của kỳ thi.
Thầy Trần Nguyễn Khái Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh, An Giang. Ảnh: TG |
“Những thầy cô tham gia các khâu của kỳ thi phải thực sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Theo tinh thần chỉ đạo của TP, chúng tôi thực hiện tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi từ cấp tổ chuyên môn cho đến hội đồng sư phạm. Mục tiêu nhằm đảm bảo mọi thành viên nắm vững quy chế thi, kỹ năng phát hiện hành vi gian lận của thí sinh. Các chế độ chính sách với đội ngũ này thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội”, cô Nhâm Huyền trao đổi.
Nhấn mạnh yếu tố kỷ luật, thầy Nguyễn Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (huyện Hoài Đức) cho hay, dự kiến năm nay trường sẽ chọn cử khoảng 80 thầy cô giáo tham dự kỳ thi. Nhân sự tham gia được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo đầy đủ sức khỏe, không có con em năm nay dự thi và được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết cả về in sao đề thi, coi thi, thanh tra thi và chấm thi theo đúng quy chế.
Đội ngũ nhân sự tham gia kỳ thi phải thực hiện phương châm “4 đúng” và “3 không” được Bộ GD&ĐT quán triệt. Thầy Nam cho rằng, mỗi thầy cô phải thuần thục về nghiệp vụ, nhất là kỹ năng phát hiện, phối hợp để xử lý những hành vi thiếu trung thực, gian lận của thí sinh trong khi thi.
Cán bộ giám thị hướng dẫn thí sinh kiểm tra thông tin cá nhân trên thẻ dự thi tại Nam Định. Ảnh: TG |
Tại Nam Định, các nhà trường cũng chú trọng khâu tuyển lựa đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi. Thầy Đào Văn Duẩn – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực (huyện Nam Trực) cho hay, mọi năm tại điểm thi được bố trí khoảng 80 cán bộ giám thị, chưa kể lực lượng bảo vệ, an ninh, phục vụ. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nhân sự, nhà trường thường xuyên hướng dẫn cán bộ, giáo viên trong các đợt thi do trường tổ chức để thầy cô làm quen hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10.
“Trừ các thầy cô có con dự thi, năm nay nhà trường giới thiệu 80/87 cán bộ, giáo viên để Sở GD&ĐT Nam Định phân công tham gia kỳ thi. Nhà trường cũng huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm để phục vụ kỳ thi như ăn uống, đi lại.
Thầy cô luôn nhắc nhở thí sinh về vật dụng được phép mang vào phòng thi không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử, không có các tính năng lưu trữ, thu phát, truyền, nhận thông tin dưới mọi hình thức. Trường hợp vi phạm dù vô tình hay cố ý đều bị xử lý theo quy định”, thầy Duẩn thông tin.
Còn theo thông tin của thầy Trần Nguyễn Khái Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh (An Giang), sau khi nhà trường lập danh sách cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, sở GD&ĐT sẽ chọn lọc để phân công đúng người, đúng việc. Hiệu trưởng được phân công làm trưởng điểm thi ở một nơi khác; phó hiệu trưởng thường được phân làm phó trưởng điểm phụ trách cơ sở vật chất tại trường, hoặc làm trưởng điểm ở nơi khác; tổ trưởng chuyên môn có thể làm thư ký cho điểm thi...
Thi học kỳ I do Sở GD&ĐT An Giang tổ chức cho toàn tỉnh hoặc các kỳ thi thử, nhà trường áp dụng quy chế giống với thi tốt nghiệp THPT. Qua đó, học sinh khối 12 được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, giáo viên cũng nắm chắc nghiệp vụ coi thi. Trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, sở GD&ĐT tổ chức tập huấn và nhà trường tiếp tục quán triệt tới thầy cô, nhất là kỹ năng xử lý tình huống để đảm bảo quyền lợi thí sinh cũng như đúng quy chế thi.
“Từ kinh nghiệm nhiều năm làm trưởng điểm thi, tôi đã phổ biến và trao đổi lại để thầy cô nắm được những câu chuyện phát sinh cũng như cách xử lý phù hợp. Việc nhắc đi nhắc lại để đội ngũ thấy yên tâm, không nên quá hoang mang dễ dẫn đến sai sót.
Thực tế ở mỗi điểm thi có thể xuất hiện những tình huống khác nhau như giám thị ký nhầm ô giám khảo, đề thi bị mờ/lỗi… Quan trọng là thầy cô giám thị phải nhận biết và ứng xử nhanh nhạy, báo cáo lãnh đạo điểm thi nếu cần thiết để đảm bảo quyền lợi thí sinh”, thầy Hưng chia sẻ thêm.
Theo TS Đỗ Mạnh Phương - Trưởng phòng Thanh tra và Pháp chế, Học viện Ngân hàng, hằng năm đơn vị cử khoảng 30 cán bộ, giảng viên tham gia giám sát công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại một tỉnh/thành theo phân công của Bộ GD&ĐT.
Những thầy cô này đều có chuyên môn vững vàng và được tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ thanh tra, giám sát thi. Trong đó, công tác phối hợp với lực lượng an ninh để có thể phát hiện dấu hiệu gian lận của thí sinh được chú trọng.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc