Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, các đại học vùng được thành lập năm 1994 trên cơ sở tổ chức lại các trường đại học trong cùng một địa bàn. Qua đó, hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực. Mục tiêu xây dựng các đại học đa lĩnh vực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đại học, đảm bảo hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường.
GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, đại học vùng không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt trong hệ thống giáo dục quốc dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng. Tuy nhiên, 30 năm xây dựng và phát triển, các đại học này chưa thực sự phát triển thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực đích thực. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống, căn bản để có đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ trong định hướng phát triển thời gian tới.
“Ở một số nước có mạng lưới trường đại học chưa phong phú, họ lựa chọn phương án phát triển một trường đơn lĩnh vực thành đại học đa lĩnh vực”, GS.TS Phạm Hồng Quang cho hay. Còn ở Việt Nam, chúng ta ưu tiên lựa chọn phương án: Liên kết các trường đơn lĩnh vực thành đại học đa lĩnh vực; vừa phát triển trường đơn lĩnh vực thành trường đa lĩnh vực. Theo đó, trong 2 năm 1993, 1994 lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực được thành lập: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.
Việc thành lập các đại học này dựa trên nguyên tắc hợp nhất một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành trên cùng một địa bàn với nhau. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện mô hình đại học vùng còn khiêm tốn, bởi lẽ các trường đại học thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không có sự phối hợp, liên kết với nhau (trước hết về mặt đào tạo), nên các đại học không thể có được sức mạnh tổng hợp cần thiết.
Doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự từ sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Hoàng Vinh |
GS.TS Phạm Hồng Quang nhìn nhận, những khó khăn về tổ chức trong quá trình thành lập dẫn đến hệ quả là đại học vùng đa lĩnh vực không giữ được mô hình như thiết kế. Khi các trường thành viên hoạt động độc lập, không hợp lực với nhau thì không thể phát huy sức mạnh tổng hợp, vai trò, thế mạnh của nó. Mô hình thực tế của các đại học vùng gần như vô hiệu hoá ưu thế mô hình đại học đa lĩnh vực.
Thực tiễn, đại học vùng còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai và định hướng phát triển tương lai. Việc thực hiện các quy định hội đồng đại học vùng, hội đồng trường các trường đại học thành viên cũng như “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng của đất nước” của các đại học vùng gặp nhiều khó khăn.
Tầm nhìn của Đại học Huế đến năm 2045 trở thành “một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới”. Tuy nhiên PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế nhận thấy, một số chế độ chính sách còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tế và không tạo điều kiện, khuyến khích cho cán bộ yên tâm công tác.
Giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế). Ảnh: Website nhà trường |
Chủ trương xây dựng Đại học Huế theo mô hình đại học vùng chưa gắn liền với chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên, chương trình, dự án hỗ trợ khác, chưa tạo điều kiện để phát triển theo cơ chế mới.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật quy định về cơ chế tự chủ chưa đồng bộ; thiếu hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với đơn vị tự chủ; đầu tư công giảm mạnh do ngân sách thâm hụt, cơ sở học tập và nghiên cứu thiếu và chưa tiên tiến, trong khi đòi hỏi của xã hội là công nghệ mới, hiện đại, chất lượng đào tạo cao.
Từ thực tiễn, PGS.TS Lê Anh Phương đề xuất, cần có cơ chế, chính sách đầu tư đối với các đại học vùng để xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Cần có lộ trình để đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế, không quá nặng bằng cấp, trước hết trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và là căn cứ để định hướng phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, đầy đủ về tự chủ đại học. Cùng đó, cần có giải pháp tháo gỡ những bất cập về đầu tư công, tài sản công và ngân sách để các cơ sở giáo dục đại học có lộ trình tái cấu trúc cho phù hợp định hướng tự chủ.
Một hoạt động thể thao của sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website nhà trường |
TS Cao Xuân Tuấn - Trưởng ban Tổ chức cán bộ (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), trong đó đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp.
Trong mô hình đại học 2 cấp, đại học vùng vừa là cấp trên, được phân cấp, ủy quyền trực tiếp quản lý các trường đại học thành viên nhưng vừa là đơn vị sự nghiệp do có các đơn vị trực thuộc. Vì vậy, cần quy định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của giám đốc, hội đồng đại học, hội đồng trường trong mô hình đại học 2 cấp.
Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, về mặt thể chế Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi để các đại học phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp.
Trong chiến tranh chúng ta từng thành lập các quân đoàn, bao gồm nhiều sư đoàn, lữ đoàn trực thuộc để đánh hợp đồng binh chủng. Còn trong kinh tế, đã có tập đoàn quốc gia bao gồm nhiều công ty, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau nên trong giáo dục đại học đã quá muộn nếu chưa có đại học đa lĩnh vực đích thực. Điều này quá rõ ràng nhưng đáng buồn cho tới nay, không hiếm học giả, nhà quản lý vẫn hoài nghi trước chủ trương đó.
TS Lê Viết Khuyến đề xuất, trong các luật về giáo dục của Việt Nam đều khẳng định có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College) nhưng không định nghĩa rõ các loại hình này như ở luật giáo dục của nhiều quốc gia khác. Theo quan niệm thông thường tên gọi đại học chỉ dành cho các đại học đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, danh hiệu “đại học” mới chỉ đặt cho 5 cơ sở; trong đó có 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng, trong khi hàng loạt cơ sở giáo dục đại học khác dù mang tính chất đa lĩnh vực rõ ràng nhưng lại không mang danh hiệu này. Đây là điều vô lý và không công bằng. Vì vậy, đề nghị Nhà nước quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình “đại học” và nếu trường nào đạt được thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học” (University).
TS Lê Viết Khuyến đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới cho các đại học quốc gia, đại học vùng; trong đó quy định các đại học này phải thay đổi cơ cấu theo hướng chuyển đổi ngay từ mô hình liên hiệp các trường đại học chuyên ngành qua mô hình đại học đa lĩnh vực có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa đại học và các trường thành viên, bảo đảm phát huy tính chủ động và thế mạnh của từng trường, cùng với sức mạnh tổng hợp chung của cả đại học.
Các đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học địa phương đều có sứ mệnh, đẳng cấp riêng do Chính phủ xác lập. Do đó, không thể tùy tiện đổi tên hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục khác đẳng cấp với nhau. Ngoài ra, Nhà nước cần thận trọng trong việc nâng cấp những trường đại học riêng lẻ lên thành đại học để bảo đảm các đại học này thực sự “đa lĩnh vực” mà không phải là “đa ngành”.
Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực. Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi hoạt động, đặc biệt trong đào tạo.
Ngoài ra, ở quy chế này phải thể hiện rõ chức năng các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực: Hội đồng đại học - xây dựng chính sách; giám đốc đại học - đề xuất chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách; hiệu trưởng trường thành viên - triển khai chính sách; trưởng khoa - thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ; giảng viên - thực hiện chương trình.
Vấn đề 3 hay 4 cấp quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực thực ra không quan trọng nhưng cần được Nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào điều kiện: Chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo.
Nếu theo cơ chế khoán gọn quản lý đào tạo tới cấp khoa như mô hình đại học của Liên Xô cũ thì không cần thành lập các đơn vị quản lý theo từng lĩnh vực ngành đào tạo. Tức là không có các trường thành viên (College/ Faculty/ School). Còn nếu muốn huy động sức mạnh tổng hợp để toàn đại học tham gia hoạt động đào tạo thì phải lập ra các trường thành viên.
“Ở nước ta, các đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, dựa trên quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) về xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. Các đại học này được hình thành chủ yếu bằng cách gom và tổ chức lại cơ sở giáo dục đại học cùng một đẳng cấp, trên một địa bàn. Đây là chủ trương đúng, giúp chúng ta sớm có những cơ sở giáo dục đại học mạnh và đa năng”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc