Các chuyên gia cho rằng, nếu ngành Giáo dục được giao quyền tuyển dụng giáo viên thay vì phải qua ngành Nội vụ sẽ giúp giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề cập đến thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm. Việc tuyển giáo viên phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm; chuẩn nhà giáo; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy, giáo dục.
Đánh giá về động thái này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, đây là đề xuất thiết thực, phù hợp thực tế.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT từng nhiều lần phát biểu, ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về chất lượng giáo dục nhưng việc tuyển, sử dụng, điều chuyển giáo viên thuộc về ngành Nội vụ, dẫn đến thừa thiếu cục bộ do ngành Giáo dục có đặc thù phải bố trí không chỉ theo trình độ đào tạo mà phải theo môn, cấp học và định mức giáo viên/lớp.
“Việc tuyển, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giáo viên hay điều chuyển sao cho hiệu quả nhất thì phải do ngành Giáo dục chủ trì trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, tất nhiên cần tuân thủ quy định chung của cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý đội ngũ. Nếu đề xuất này được thông qua, ngành Giáo dục có thể thêm một phần vất vả, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đem lại lợi ích cho người học, phụ huynh và nhân dân. Tất cả vì sự phát triển chung của xã hội trong bối cảnh mới”, vị nữ chuyên gia khẳng định.
Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) và học sinh. Ảnh: TG |
Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tán đồng việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục thay vì phụ thuộc vào ngành Nội vụ và chính quyền địa phương như hiện nay.
Thực tế cho thấy, bên tuyển dụng (Nội vụ) thì không được sử dụng giáo viên, bên sử dụng (Giáo dục) lại không được quyền tuyển dụng dẫn tới tình trạng tuyển nhân sự chưa đủ năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của ngành Giáo dục. Đặc biệt, nếu ngành Giáo dục được phép tuyển dụng giáo viên sẽ có tiếng nói với nhân sự. Giáo viên chỉ thực hiện công việc chuyên môn mà không phải làm các nhiệm vụ “phi giáo dục” khác.
Ngoài ra, TS Vũ Thu Hương kiến nghị ngành Giáo dục cần quản lý cả về vấn đề tài chính; đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình trong việc minh bạch và loại bỏ yếu tố tiêu cực có thể phát sinh. Nếu để xảy ra các vi phạm, ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể đổ cho bất kể bên nào khác.
Hơn nữa, khi quản lý cả nhân sự và tài chính thì ngành Giáo dục từ Bộ, sở cho tới các phòng GD&ĐT đều có bộ phận chuyên trách về tài chính, cán bộ nên không lo bị “lạ việc”.
Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phanh phui thời gian qua bắt nguồn từ sự chồng chéo trong cơ chế quản lý. Khi văn bản quản lý không thống nhất, rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho người thực hiện chức trách làm sai hoặc tìm cách lách luật. Nhà nước đã có quy định về các nguyên tắc tài chính, ngành nào cũng phải tuân thủ. Đơn cử việc các trường tiến hành thu tiền xã hội hóa của học sinh nhưng không hề có hóa đơn, chứng từ nên dễ xảy ra tiêu cực.
“Do đó, nếu giao cho ngành Giáo dục quản lý cả về nhân sự và tài chính sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và minh bạch trong quản lý tài chính”, TS Vũ Thu Hương thẳng thắn nói.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, lao động của nhà giáo có đặc trưng khác biệt so với các viên chức khác. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến quy định đầy đủ và thống nhất về tuyển dụng nhà giáo; trong đó đổi mới quy định về phương thức, nội dung tuyển dụng phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để tuyển dụng được người giỏi vào ngành. Quy định về việc sử dụng, quản lý nhà giáo bảo đảm phủ hết nhà giáo trong công lập, ngoài công lập.
Với các định hướng đổi mới về tuyển, sử dụng như đề xuất của dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo sẽ được mở rộng hơn cơ hội tiếp cận và phát triển nghề nghiệp, thông qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, đổi mới cơ chế quản lý nhà giáo được xác định là nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo vì nhà giáo là thành tố quan trọng của giáo dục.
Do đó, Luật Nhà giáo dự kiến điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống; đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý Nhà nước của ngành Giáo dục, nhằm tháo gỡ bất cập trong thừa/thiếu cục bộ đội ngũ nhà giáo, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc.
Cùng đó, quy định cụ thể về việc quản lý nhà giáo tại các cơ sở giáo dục và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan. Với định hướng đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, vị thế của ngành và nhà giáo.
Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình cao với đề xuất giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục. Trường THPT Kim Ngọc đang thiếu 4 giáo viên môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Trải nghiệm – Hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.
Ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không phải đơn vị chủ trì về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn, cấp học và không chủ động điều chuyển được giáo viên thừa, thiếu. Vì vậy, nếu tập trung về một đầu mối sẽ giảm chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ - Sỹ Điền
Ý kiến bạn đọc