Tại trường vùng sâu, đặc biệt khó khăn, chất lượng học sinh đầu vào thấp thì sự nỗ lực của thầy và trò càng cao hơn.
Những ngày này, cô trò Trường THPT Hải Đảo, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chạy nước rút để ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Em Phạm Vũ Minh Thiết - lớp 12A1 cho biết: Ngoài ôn tập trên lớp, ở nhà em học khoảng 3 - 4 giờ/ngày kết hợp thu thập một số tài liệu trên mạng, tích cực học nhóm để nâng cao khả năng tư duy và giải đề.
“Với cách học này, em hy vọng sẽ đạt kết quả tốt nhất. Nguyện vọng 1, em dự tính thi vào Trường Sĩ quan Chính trị, các nguyện vọng khác vào Trường ĐH Xây dựng và ĐH Bách khoa”, Thiết nói.
Bên cạnh công tác ôn luyện, nhà trường phân công đảng viên, đoàn viên thanh niên là giáo viên nhận con nuôi, nhằm quan tâm tinh thần, hỗ trợ ôn tập cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. - Cô Lê Thị Trang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Trưng Vương (Vĩnh Long)
Cô Trương Thị Hòa - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hải Đảo cho biết, nhà trường có kế hoạch ôn thi từ sớm, các tổ chuyên môn chủ động trong xây dựng kế hoạch ôn tập với nhiều hình thức như trực tuyến, trực tiếp và ra bài tập thông qua nhóm lớp.
Đặc biệt, giáo viên phân loại học sinh yếu kém, khá giỏi. Sau các buổi ôn, thầy cô dành thời gian phụ đạo học sinh yếu kém.
Giáo viên chủ nhiệm còn phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong việc thông báo kết quả ôn tập của học sinh đối với phụ huynh. Những trường hợp cá biệt, giáo viên chủ nhiệm cùng nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi, tìm biện pháp phù hợp trong giảng dạy, ôn tập… “Năm nay, nhà trường tích cực tổ chức các kỳ thi khảo sát, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phương pháp phù hợp trong quá trình ôn luyện”, cô Hòa thông tin.
Trao đổi về công tác ôn thi, thầy Trần Văn Tân - Hiệu trưởng Trường THPT Hải Đảo cho biết thêm, trường có 339 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp; trong đó 36 học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, 303 học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội. Nhà trường triển khai ôn thi đến ngày 5/5 là hết giai đoạn 1; từ ngày 6/5 đến 21/6 giai đoạn 2.
Trong giai đoạn 2, ôn mỗi môn khoảng 40 tiết; thầy cô sẽ củng cố kiến thức cả quá trình học. Sau đó cho các em làm thử đề để tập dượt. Từ đầu năm đến nay, trường tổ chức 2 đợt thi khảo sát, đến tháng 6 sẽ tổ chức đợt nữa để đánh giá năng lực, từ đó có giải pháp ôn tập, bổ sung kiến thức cho trò.
Trường THPT Viên An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) có 3 lớp 12 với hơn 100 học sinh. Thầy Bùi Phúc Xuân - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường nằm ở vùng sâu, xa nên học lực học sinh không đồng đều, thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.
Nhận thấy hạn chế, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh từ đầu năm. “Phân công giáo viên ôn thi, trường lựa chọn những thầy cô có trách nhiệm, chuyên môn cao. Trong mỗi lớp, học sinh học lực khác nhau nên giáo viên có biện pháp ôn tập phù hợp với từng nhóm. Kỳ thi đã đến gần, đây là giai đoạn nhà trường tăng tốc ôn tập, đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức từng môn, thi đạt kết quả tốt nhất”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hải Đảo (Quảng Ninh) ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Minh Cương |
Nằm ở vùng mũi Cà Mau, một trong những khó khăn của thầy trò Trường THPT Viên An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) là đi lại. Ở đây, nhiều học sinh phải đến trường bằng đò nên ngoài giờ lên lớp, muốn hỗ trợ phụ đạo thêm kiến thức cho các em rất khó khăn.
Không ít em gia đình nghèo, ở cùng ông bà do cha mẹ đi làm ăn xa nên việc học tập chưa được quản lý, quan tâm đúng mức; một số em bị chi phối việc học vì phải phụ giúp gia đình làm kinh tế…
Thầy Chu Ngọc Cường - giáo viên Trường THPT Viên An chia sẻ: “Để giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp, bên cạnh ôn tập cho vững nền tảng kiến thức trọng tâm, giáo viên còn tập trung luyện đề, thi thử trong giai đoạn “nước rút”. Thầy cô cũng thường xuyên động viên học sinh tập trung học tập, kết nối gia đình quản lý tốt việc học của con em. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên ôn tập lớp 12 thành lập nhóm Zalo hỗ trợ học trò những vấn đề liên quan đến kỳ thi”.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Trường THPT Ngọc Hiển đang trong quá trình xây dựng mới nên từ đầu năm học phải mượn phòng học của Trường THCS Bông Văn Dĩa để học sinh lớp 12 học buổi chiều; buổi sáng các em ôn thi ở một địa điểm khác nhưng không đủ phòng. Trường đang thiếu 6 giáo viên so với biên chế được giao nên áp lực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học nói chung, ôn thi tốt nghiệp nói riêng.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) phát biểu trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Q. Ngữ |
“Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức ôn luyện kiến thức cơ bản cho học sinh theo hình thức cuốn chiếu. Sau khi kết thúc học kỳ I tổ chức cho các em tham gia kỳ thi thử nhằm đánh giá lại công tác ôn thi và số lượng cần hỗ trợ ở các môn, lớp.
Thông qua kết quả kỳ thi giúp giáo viên điều chỉnh lại hình thức ôn thi, đồng thời học sinh nhìn nhận lại hàm lượng kiến thức để có sự đầu tư, cố gắng hơn. Sang học kỳ II, trường tiếp tục tăng tốc ôn luyện, giúp học sinh luyện theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đồng thời tham gia kỳ thi thử do sở GD&ĐT tổ chức”, thầy Lâm Quốc Toản - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hiển chia sẻ.
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của giáo viên, học sinh trường nỗ lực hết mình để có Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt nhất. Nguyễn Hải Âu - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngọc Hiển chia sẻ: Ngoài thời gian trên lớp, em sưu tầm thêm đề thi các năm trước, giải đề, ghi lại kiến thức trọng tâm vào sổ tay, đồng thời nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng.
“Do điều kiện ôn tập ở trường khó khăn, em và các bạn thành lập nhóm học, trao đổi kiến thức với nhau; ai giỏi môn tự nhiên thì hỗ trợ, hướng dẫn các bạn môn xã hội và ngược lại. Em dự định lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét vào Trường ĐH Văn Hiến, ngành Quan hệ công chúng nên phải quyết tâm nhiều hơn”, Hải Âu nói.
Một nhóm học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hải Đảo (Quảng Ninh) học nhóm tại phòng đọc của trường. Ảnh: Minh Cương |
Trong giai đoạn “nước rút” ôn thi, công việc không kém phần quan trọng của các trường là phụ đạo, nâng chất lượng cho học sinh học lực yếu để đủ sức vượt qua kỳ thi.
Tại Trường THCS-THPT Trưng Vương (Vĩnh Long), bên cạnh ôn tập cho học sinh lớp 12, thầy cô còn tập trung phụ đạo cho các em học lực yếu. Dựa trên học lực học sinh, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập trong 8 tuần, từ ngày 22/4 - 22/6. Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Lê Thị Trang: Học sinh ôn tập 6 ngày/tuần, buổi sáng 5 tiết, buổi tối 2 tiết. Thời gian buổi chiều, tổ chức dò bài cho các em chưa hoàn thành kiến thức, có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp và ôn luyện lại kiến thức lớp 10, 11.
Năm nay, trường có 254 học sinh lớp 12, với mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT nên triển khai mô hình “Đôi bạn cùng tiến”. Theo đó, 1 học sinh khá và 1 học sinh yếu cùng giúp đỡ nhau trong quá trình học tập, ôn thi. Nhà trường thường xuyên tuyên dương, khen thưởng khi đôi bạn có sự tiến bộ.
Các trường THPT ở tỉnh Tiền Giang còn phân công giáo viên chăm lo học sinh học lực yếu kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh khối 12 nào bị bỏ lại phía sau. Từ kết quả thi học kỳ I và II, nhà trường chọn ra những em có học lực chưa tốt và tổ chức lớp phụ đạo miễn phí.
Theo kinh nghiệm của giáo viên, với nhóm này thì không thể đòi hỏi cao, chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức căn bản. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên động viên học sinh có học lực khá, giỏi hỗ trợ bạn học lực yếu kém hơn, qua đó củng cố kiến thức, giúp bạn tiến bộ.
Với số lượng học sinh lớp 12 trên 500 em, Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp cho từng giai đoạn, giúp học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT hiệu quả. Thông tìn từ cô Trần Thị Mỹ Linh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh công tác học tập, ôn thi, nhà trường thường xuyên quan tâm, chăm lo tư tưởng, tình cảm học sinh, đặc biệt đối với các em học lực yếu kém.
Ngoài theo sát việc học, giúp đỡ học sinh mọi lúc, nơi, các trường thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học để trò an tâm, ôn tập thật tốt. Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có 255 học sinh lớp 12. Ngay sau khi định hướng tư vấn chọn tổ hợp môn phù hợp cho học sinh, trường bắt đầu tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Theo cô Phó Hiệu trưởng Phạm Mĩ Hạnh, trường tổ chức ôn thi theo các bài thi tổ hợp. Thông qua điểm kiểm tra, trường xác định những em cần được giáo viên quan tâm ôn tập nhiều hơn. Học sinh thiếu kiến thức nào, giáo viên củng cố lại bằng hệ thống câu hỏi; giao bài, giao đề thi vừa sức để các em làm bài đạt yêu cầu tốt nghiệp. Ngoài ra, giáo viên còn giao bài tập để làm tại nhà; kiểm tra thường xuyên trên lớp để hỗ trợ các em học tốt hơn.
Trong kế hoạch ôn tập, các trường chú ý đề ra giải pháp, chỉ tiêu cụ thể; thời gian ôn tập chia thành nhiều giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế dạy học và năng lực, sức khỏe học sinh… Bố trí số tiết ôn tập phù hợp nhu cầu thực tế của từng trường, nhóm học sinh, không gây quá tải trong quá trình ôn tập. - Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long
Tác giả bài viết: Minh Cương - Quốc Ngữ - Quách Mến
Ý kiến bạn đọc