TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ ra những khác biệt trong quản lý, sử dụng nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Từ đó khuyến nghị chính sách và quy định cần thiết trong Luật Nhà giáo, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo.
- Theo TS, các quy định hiện hành có sự khác biệt nào giữa nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập?
- Trong các văn bản pháp luật quy định về giáo dục, không có sự phân biệt về nhà giáo giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, do quản lý, sử dụng theo quy chế pháp lý khác nhau nên hiện nay giữa nhà giáo cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập có khác biệt lớn.
Điều đó thể hiện trên các mặt cơ bản như:
Thứ nhất, nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập được quản lý, sử dụng theo quy chế viên chức. Ngoài chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật về giáo dục, thì việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức, thiên về cách thức hành chính, chưa tính đến yếu tố đặc thù của viên chức nhà giáo. Nhà giáo các cơ sở giáo dục ngoài công lập làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dân sự với cơ sở giáo dục, là quan hệ hai bên thỏa thuận tự nguyện về chức trách, nhiệm vụ cũng như quyền lợi mỗi bên.
TS Nguyễn Ngọc Bích: Ảnh: NVCC |
Thứ hai, việc tuyển dụng nhà giáo tại các trường ngoài công lập thực hiện linh hoạt theo quy định của pháp luật lao động. Các trường trên cơ sở nhu cầu sử dụng được toàn quyền, chủ động tuyển dụng nhà giáo. Với trường công, việc tuyển dụng được thực hiện theo pháp luật về viên chức và rất chặt chẽ.
Pháp luật quy định nguyên tắc, căn cứ tuyển dụng, thẩm quyền, thủ tục và những vấn đề liên quan đến tuyển dụng. Thi tuyển viên chức nhà giáo thường diễn ra hai vòng với các bài thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, môn chuyên ngành. Thực tế nhiều địa phương tổ chức tuyển dụng viên chức tập trung nên các yếu tố đặc thù từng trường khó được đáp ứng.
Sau tuyển dụng, viên chức nhà giáo phải trải qua thời gian tập sự 9 tháng tại cơ sở giáo dục mầm non, còn cơ sở giáo dục phổ thông và đại học tập sự 12 tháng. Pháp luật viên chức không có quy định cho phép người đứng đầu nhà trường được rút ngắn thời gian tập sự với người đã (thực tế) đạt yêu cầu tập sự. Trong khi, Bộ luật Lao động ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về thử việc và quy định thời gian thử việc không quá 60 ngày nên tất cả nhà giáo tại cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể chỉ thử việc đến không quá 60 ngày.
Sự khác biệt trong tuyển dụng nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập được pháp luật quy định khác nhau thấy rõ, trong khi chuẩn nhà giáo tại hai khu vực này không khác nhau. Đặt giả thiết, quy định về tuyển dụng viên chức đang áp dụng với nhà giáo là hợp lý thì các quy định của pháp luật lao động chưa phù hợp với tuyển dụng nhà giáo ở cơ sở ngoài công lập.
Ngược lại, nếu cho rằng quy định của pháp luật lao động phù hợp thì rõ ràng quy định về tuyển dụng viên chức khi áp dụng với nhà giáo rườm rà; việc tập sự quá dài ảnh hưởng đến quyền của nhà giáo vì trong thời gian tập sự họ chưa được thực hiện những công việc của nhà giáo và chỉ được hưởng 85% bậc lương.
Thứ ba, về tiền lương và các chế độ phụ cấp. Lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được trả thỏa thuận với người đứng đầu trường, vì vậy có sự phân hóa theo năng lực và kết quả làm việc thực tế. Tiền lương hay tiền công có tính khuyến khích sự tích cực của nhà giáo. Nhưng ngược lại, các trường có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để trả lương thấp hơn (hoặc trừ lương) hoặc không chấp hành đầy đủ quy định về nộp bảo hiểm làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà giáo.
Tại trường công, thu nhập của nhà giáo bao gồm tiền lương, phụ cấp thâm niên, ưu đãi nhà giáo và thu nhập tăng thêm (nếu có) được trả cùng lương. Việc trả lương thực hiện theo quy định thống nhất nên nhà giáo thực hiện cùng một công việc nếu có trình độ, thời gian công tác như nhau sẽ hưởng lương, thu nhập tương đương nhau.
Thứ tư, đối với nhà giáo cơ sở giáo dục công lập việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng là bắt buộc theo quy định của pháp luật về viên chức, nhiệm vụ nhà giáo phải thực hiện và được chi trả kinh phí khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Ngược lại, cơ sở giáo dục ngoài công lập ít quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Nhưng do yêu cầu chuyên môn của cơ sở giáo dục ngoài công lập cao, độ đào thải lớn nên nhà giáo phải tự ý thức, chủ động tham gia đào tạo, bồi dưỡng những nội dung, kỹ năng hạn chế để đáp ứng yêu cầu công việc và phải tự chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Cô trò Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC. |
- Vậy theo TS, có giải pháp nào để khắc phục những khác biệt trên?
- Sự khác biệt trong quy chế pháp lý của nhà giáo cơ sở giáo dục công lập với ngoài công lập có thể gây cản trở đến chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Giải pháp khắc phục là xây dựng luật quy định chung về nhà giáo, Luật Nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo trong thời kỳ mới, bảo đảm bình đẳng, bảo vệ và khuyến khích, động viên nhà giáo phục vụ sự nghiệp giáo dục.
Luật Nhà giáo phải được xác định là luật điều chỉnh riêng một nhóm đối tượng gắn với hoạt động nghề nghiệp. Với góc độ tiếp cận này dù đang thực hiện hoạt động nghề nghiệp khu vực công hay tư thì nhà giáo đều cần chung mặt bằng pháp lý.
- Trước những khác nhau giữa nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, với vấn đề mới là định danh nhà giáo, theo TS cần quy định như thế nào trong Luật?
- Pháp luật hiện nay chưa có quy định về việc công nhận chính thức nhà giáo. Việc này có thể dẫn đến hệ quả nhà giáo ở cơ sở giáo dục không mặc nhiên được công nhận là nhà giáo khi chuyển đến làm việc ở cơ sở giáo dục khác. Đặc biệt, nhà giáo đã giảng dạy tại cơ sở ngoài công lập khi chuyển đến làm việc ở cơ sở công lập có thể vẫn phải tham gia thi tuyển để trở thành viên chức như các ứng viên khác.
Để khắc phục tình trạng này, Luật Nhà giáo cần có quy định về việc công nhận nhà giáo và người được công nhận nhà giáo được cấp Giấy chứng nhận nhà giáo, có thể chia ra Giấy chứng nhận giáo viên mầm non, phổ thông và Giấy chứng nhận giảng viên đào tạo đại học... Người có Giấy chứng nhận mặc định có đủ tiêu chuẩn để giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục. Mỗi nhà giáo được công nhận sẽ có mã số định danh riêng để quản lý.
Ngoài ra, việc quản lý nhà giáo thông qua Giấy chứng nhận nhà giáo và mã số định danh có thể khắc phục một số hạn chế trong quản lý và sử dụng nhà giáo hiện nay như: Kiểm soát được thời giờ làm việc hằng năm của nhà giáo; kiểm soát việc giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh vượt quá định mức; kiểm soát số lượng giáo viên, giảng viên thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục; kiểm soát việc dạy thêm của giáo viên trường phổ thông…
Cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC |
- Với tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhà giáo, cần quy định thế nào trong Luật để bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập?
- Trước hết, việc tuyển dụng nhà giáo cần được quy định tương đồng giữa cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Với người có Giấy chứng nhận nhà giáo phù hợp vị trí thì cơ sở giáo dục có thể tuyển dụng ngay; việc thi tuyển chỉ đặt ra trong trường hợp số người tham gia dự tuyển vượt quá số người cần tuyển. Về tập sự/thử việc, pháp luật nên quy định theo hướng cơ sở giáo dục có thể yêu cầu thử việc không quá 60 ngày để đánh giá người được tuyển có thực sự phù hợp công việc tại cơ sở giáo dục.
Về quản lý và sử dụng nhà giáo, để bảo đảm rõ ràng và sự ràng buộc pháp lý giữa cơ sở giáo dục với nhà giáo và nhà giáo với cơ sở giáo dục, Luật Nhà giáo cần quy định hợp đồng làm việc của viên chức nhà giáo là hợp đồng không thời hạn.
Luật Viên chức đang quy định hợp đồng làm việc của viên chức là hợp đồng xác định thời hạn. Thực tế hiện nay chưa cho thấy việc ký hợp đồng xác định thời hạn có ảnh hưởng thế nào đến việc sử dụng viên chức nhà giáo cũng như gây trở ngại cho hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, nhưng nếu cơ sở giáo dục cần sử dụng nhà giáo ổn định, nhà giáo cũng mong muốn có việc làm lâu dài thì việc chỉ ký hợp đồng có thời hạn chưa phù hợp.
Trong khi, tại cơ sở giáo dục ngoài công lập có tình trạng để tránh phải thực hiện chế độ bảo hiểm với người lao động, nhiều trường chỉ ký hợp đồng với thời hạn ngắn hoặc chỉ ký hợp đồng những tháng thực dạy trong năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà giáo.
Về sử dụng nhà giáo, Luật cần quy định phù hợp để khuyến khích cơ sở giáo dục trao đổi nhà giáo. Việc này một mặt có thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, đồng thời tăng tính hiệu quả sử dụng nhà giáo, nhất là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng, nghiệp vụ tốt.
Đặc biệt, Luật có thể cân nhắc quy định về hoạt động tình nguyện của nhà giáo, cơ sở giáo dục làm căn cứ khuyến khích thầy cô, cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy tình nguyện tại địa phương khó khăn; vừa bảo đảm quyền lợi người học, giúp giáo viên vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp mới.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ thống nhất giữa nhà giáo cơ sở giáo dục công lập với ngoài công lập. Giảng dạy, giáo dục là hoạt động có yêu cầu riêng ở mức cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo có ảnh hưởng quyết định đối với người học. Người học dù theo học công lập hay ngoài công lập phải có chuẩn đầu ra như nhau nếu cùng cấp học.
Các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ nhà giáo không thể phân biệt công lập hay ngoài công lập. Điều đó có nghĩa quy định về tiêu chuẩn với viên chức không nhất thiết áp dụng với viên chức nhà giáo. Hoặc ngược lại, chuẩn viên chức nhà giáo hiện nay cần được quy định áp dụng với đội ngũ tại cơ sở giáo dục ngoài công lập. - TS Nguyễn Ngọc Bích
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhung (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc