Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi quan trọng nên các trường THCS, THPT có sự chủ động trong việc hỗ trợ thông tin chương trình học, điểm khác biệt giữa môi trường học tập… trước khi đón lứa học sinh lên lớp 6, lớp 10. Tuy nhiên, với các trường mầm non và tiểu học, sự phối hợp nhằm cung cấp thông tin cho phụ huynh chưa thông suốt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều người lo lắng, đôn đáo tìm lớp học tiền lớp 1 cho trẻ.
Nắm được vấn đề này, nhiều năm qua TP Cần Thơ triển khai giải pháp tăng cường kết nối giữa phụ huynh, nhà trường, giáo viên, qua đó định hướng giáo dục kiến thức, kỹ năng, giúp trẻ tự tin vào lớp 1. Những ngày cuối tháng 4, Trường Mầm non Tây Đô (quận Ninh Kiều) tổ chức cho trẻ lớp Lá tham quan Trường Tiểu học Ngô Quyền. Trường Mầm non 8 Tháng 3 cũng tổ chức cho trẻ lớp Lá tới Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều) trải nghiệm.
Trong chuyến tham quan, trẻ được giao lưu văn nghệ, trò chuyện với cô giáo lớp 1, nghe giới thiệu về một số đồ dùng học tập và hoạt động tập thể. Qua đó, trẻ lớp Lá được trải nghiệm môi trường mới, tạo tâm thế sẵn sàng vào lớp 1.
Tham gia hoạt động thăm trường tiểu học cùng con, chị Đặng Ngọc Bích, có con học Trường Mầm non Tây Đô cho biết: “Các bé lớp Lá rất hào hứng muốn biết ngôi trường tiểu học sắp tới thế nào. Đáng nói, không chỉ các em hiểu biết việc học ở lớp 1 mà phụ huynh đi cùng cũng được thầy cô giáo giới thiệu, cho lời khuyên để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho con”.
Chia sẻ về hoạt động cho trẻ tiền lớp 1, cô Dương Thị Mai Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Tháng 9 (quận Ninh Kiều) cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng. Bởi học kỳ II, các trường mầm non đã cho trẻ tiếp cận số học, toán học, chữ cái. Ở mầm non, trẻ chủ yếu vui chơi và làm quen với môi trường tập thể. Khi vào lớp 1, trẻ chịu áp lực khi chuyển sang học kiến thức, nội quy... Do vậy, các em cần sự định hướng và động viên của gia đình, thầy cô.
Trong quá trình dạy, giáo viên mầm non cũng lồng ghép, chuẩn bị tâm lý và tập cho các em làm quen cách thức, sử dụng đồ dùng học tập. Cô La Thị Kiều Nương - giáo viên lớp Lá, Trường Mầm non 2 Tháng 9 cho biết thêm: “Đối với lớp Lá, giáo viên thường xuyên rèn luyện kỹ năng cần thiết khi trẻ vào lớp 1 như ngồi học đúng tư thế, cầm viết đúng cách và biết tập trung chú ý hơn trong giờ học”.
Trẻ lớp Lá Trường Mầm non Tây Đô đến thăm lớp 1 tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC |
Trao đổi về giải pháp giúp phụ huynh chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 đạt kết quả tốt, ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Phụ huynh cần tin tưởng và đồng hành với nhà trường về việc thực hiện chương trình giáo dục tiểu học trong Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ được phân công dạy lớp 1 do các trường tuyển chọn từ những giáo viên cần mẫn, quan tâm, hỗ trợ từng học sinh suốt quá trình học.
Bên cạnh đó, nhà trường chủ trương đổi mới đánh giá, không so sánh học sinh trong học tập, đảm bảo các em trong một lớp “được học và học được”, do đó phụ huynh không phải lo trẻ không theo kịp bạn bè. Để cha mẹ học sinh, cộng đồng yên tâm về chất lượng học tập, ngành đã chỉ đạo các trường phải công bố giải pháp đảm bảo chất lượng; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1 để giáo viên có thời gian giúp trò hoàn thành yêu cầu học tập.
“Thay vì học chữ, làm toán trước, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tham gia hoạt động tại trường, nhà văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, nhất là tham gia câu lạc bộ năng khiếu như bơi lội, cờ vua, múa, hát, bóng bàn, bóng rổ, cầu lông… Từ đó, các em có khoảng thời gian vui chơi trong hè; tâm thế thoải mái, chủ động và tự tin hơn khi bước vào lớp 1 với môi trường học tập hoàn toàn mới”, ông Lê Thanh Long nhấn mạnh.
Lo lắng của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 là điều dễ hiểu, bởi thời gian qua chương trình có một số thay đổi, nhất là thực hiện Chương trình GDPT mới. Thế nhưng, chuyên gia và giáo viên cho rằng, nếu cho trẻ học sớm và không đúng cách, sẽ gây hậu quả không mong muốn. Học trước chương trình khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý.
Theo TS Lê Ngọc Hóa - Khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ), cho trẻ học trước, học sớm cần được cha mẹ hiểu đúng để tránh gây áp lực. Các lớp tiền tiểu học nếu quá tập trung vào việc phải hoàn thành bài đọc, viết… sẽ làm giảm hứng thú của trẻ. Thêm vào đó, tay của trẻ còn yếu, nếu viết quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng cầm bút và tốc độ viết sau này.
Ba mẹ cần dành thời gian cho trẻ tham quan trường, lớp để thấy thân quen và chủ động; cùng trẻ chọn sách vở, bao bìa dán nhãn, chuẩn bị và mặc thử đồng phục, tập đeo cặp sách… Những điều này giúp các em tự tin và thêm háo hức về ngôi trường mình sắp đến học.
Các lớp tiền tiểu học do trường mẫu giáo hay bên ngoài tổ chức cần tập trung vào trang bị cho trẻ kỹ năng học tập cơ bản như tư thế ngồi khi học, cách cầm sách khi đọc, đặt vở khi viết, giữ gìn sách vở sạch sẽ, cầm bút.
Trẻ có thể làm quen các âm vần cơ bản khi đọc, nét cơ bản khi viết, cộng trừ với số tự nhiên và thao tác tư duy cơ bản. Ngoài ra, trẻ cần được rèn luyện kỹ năng như giơ tay phát biểu ý kiến, khả năng lắng nghe chờ đến lượt, cách trình bày ý kiến của mình… - TS Lê Ngọc Hóa (Khoa Sư phạm - Trường ĐH Cần Thơ)
Tác giả bài viết: Quốc Ngữ - Thành Thật
Ý kiến bạn đọc