Lương giáo viên sẽ tính theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp

Thứ hai - 02/09/2019 23:04 357 0

Lương giáo viên sẽ tính theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp

GD&TĐ - Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Theo đề án cải cách chính sách tiền lương, giáo viên sẽ không có bảng lương riêng. Mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp.

Cố gắng để ngành Giáo dục được hưởng phụ cấp ở mức cao nhất

- Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Ông có thể cho biết, chính sách đối với giáo viên có thay đổi gì sau thời điểm này?

Sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách đối với đội ngũ giáo viên có một số thay đổi như sau:

Thứ nhất: Thay đổi về quy định chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, giáo viên mầm non trước đây chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, thì nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học chuẩn đào tạo từ trung cấp nâng lên thành đại học; giáo viên trung học cơ sở chuẩn đào tạo từ cao đẳng nâng lên thành đại học. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là đại học.

Thứ 2: Nếu trước đây, các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì nay nội dung này được đưa vào Luật.

Thứ 3: Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi phù hợp với đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách nhà giáo liên quan đến lương, phụ cấp theo quy định mới sắp tới?

Từ năm 2010, theo quy định của Luật Viên chức, cách trả lương là theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành đều chưa đủ tiêu chuẩn để ở hạng chức danh khác, ngoài chức danh thấp nhất, do đó, mức lương nhận được tương ứng cũng là mức thấp nhất.

Bảng lương mới hiện nay đang được xây dựng, tinh thần là mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành Giáo dục không có thang bảng lương riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, về logic cũng đã được nâng lên.

Lương giáo viên sẽ tính theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên tiểu học chuẩn đào tạo từ trung cấp nâng lên thành đại học. Ảnh minh họa/ Internet.

Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.

Về phụ cấp ưu đãi, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành Giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay. Bảo vệ quan điểm này từ đặc thù nghề nghiệp, khó khăn phức tạp trong nghề nghiệp một cách khoa học, logic, chứ không phải theo mong đợi cảm tính.

- Với cách tính lương mới, nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên?

Đúng vậy, tới đây sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Phụ cấp thâm niên hiện thể hiện sự khác biệt giữa người mới vào ngành và người công tác trong ngành lâu năm. Theo tinh thần mới, phụ cấp sẽ không theo hướng càng lâu năm càng cao. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp.

- Tới đây, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày. Công việc vất vả hơn, liệu thu nhập của các thầy cô có cao hơn?

Bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học có thay đổi mạnh nhất. Bảng lương thiết kế theo tinh thần cập nhật ngay với chuẩn mới. Như cách tính hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là 1,86; hệ đại học là 2,34 – riêng điều đó cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học.

Còn với việc dạy học 2 buổi trên ngày, cần hiểu là khối lượng công việc liên quan đến số lượng giờ làm việc. Nếu trước đây dạy học 1 buổi /ngày, số lượng người làm việc trên lớp ít; nay khối lượng việc nhiều hơn thì số lượng người làm trên định mức đó đông hơn.

Về vấn đề này, ngành Giáo dục đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xem với chương trình ấy, trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, giáo viên phải làm việc bao nhiêu thời gian; quy đổi theo 40 giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra được có bao nhiêu tiết phải đứng lớp, bao nhiều tiết chuẩn bị; từ đó ra được số giáo viên trên lớp. Đây là bài toán lao động cần giải căn cơ nghiêm túc, không thể theo kiểu "bốc thuốc".

Lương giáo viên sẽ tính theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp - Ảnh minh hoạ 3

"Chụp ảnh" thực trạng thừa thiếu giáo viên

- Ông có thể cho biết “bức tranh” đội ngũ giáo viên cho đến thời điểm này, khi khai giảng năm học mới cận kề?

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương, “bức tranh” đội ngũ nhà giáo, trong chừng mực nào đó đã giảm đi độ phức tạp. Dù vậy, đến thời điểm này, việc thừa thiếu giáo viên vẫn còn; giáo viên mầm non thiếu nhiều (khoảng trên 45.000).

Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm 20.300 giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có tăng trưởng nóng và 5 tỉnh Tây Nguyên, thì cơ bản đầu năm học này chúng ta đã đảm bảo được đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, dù vẫn chưa đủ định mức theo quy định. Bộ GD&ĐT, các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến điều này.

Về giải pháp chúng ta đã có nhiều. Đặc biệt, hiện nay ngành Giáo dục đã có cơ sở dữ liệu, “chụp ảnh” được thực trạng đội ngũ giáo viên các vùng miền, bộ môn, từ đó ra được “bức tranh” thừa thiếu. Cách đây hơn một tuần, Bộ GD&ĐT đã chuyển “bức tranh” này đến Bộ Nội vụ - là một kênh của Bộ Nội vụ, cùng sự nắm bắt theo chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thật của địa phương để có phương án tiếp tục đề xuất bổ sung. Đây là nhiệm vụ cần làm kiên trì từng bước.

Hiện nay công tác đào tạo đã gắn với địa phương để đảm bảo nhu cầu sử dụng. Trong Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, giải quyết khâu thừa thiếu giáo viên, phí phạm nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Hoạt động bồi dưỡng đội ngũ để đảm bảo chất lượng cũng được làm tốt trong thời gian qua. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Chỉ thị nhiệm vụ năm học cũng làm rõ: Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó là các hoạt động bồi dưỡng khác, như bồi dưỡng thường xuyên gắn với chuẩn nghề nghiệp và khung năng lực đội ngũ đã có; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục các cấp để đảm bảo thăng hạng, thực hiện chính sách cho đội ngũ…

- Trước thực tế hiện còn thiếu giáo viên, liệu chúng ta có tính đến phương án hợp đồng giáo viên hay không, trong khi câu chuyện giải quyết các giáo viên hợp đồng hiện nay ở địa phương không ít phức tạp?

Chỉ thị năm học 2019-2020 nhấn mạnh nội dung: Rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.

Đặc biệt, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1480 giao hơn 20.300 biên chế giáo viên mầm non cũng yêu cầu địa phương chấm dứt hợp đồng lao động; khi có chỉ tiêu cần quan tâm đến đối tượng đã hợp đồng một cách thỏa đáng, đảm bảo an sinh, tính đến năng lực, cống hiến của thầy cô trong giai đoạn khó khăn của ngành. Sẽ có những chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT để đảm bảo thống nhất với Bộ Nội vụ về việc này. Với các địa phương, phải thực hiện tốt chỉ đạo từ tuyến tỉnh, đảm bảo chỉ đạo của Chính phủ.

Tất nhiên, việc này cũng phải sớm chấm dứt vì nó không đúng quy định. Nếu còn thiếu giáo viên thì ta tiếp tục đề xuất bổ sung và kiên trì trong giải pháp sắp xếp, ổn định. Trong chừng mực nào đó, khi thầy cô phải làm tăng thêm thì có quy định thừa giờ, tạo cơ hội cho thầy cô tăng thu nhập. Nói chung, giải pháp là vừa làm dứt điểm tồn động, vừa tính đến chính sách để đảm bảo sự vận hành nối tiếp cho hệ thống.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập742
  • Hôm nay38,883
  • Tháng hiện tại317,013
  • Tổng lượt truy cập51,672,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944