Khác với lầm tưởng về một ngành học khô khan và ít triển vọng. Thực tế, Lưu trữ học có nhiều cơ hội việc làm trong thời đại công nghệ số. Ngành học này đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ nhờ nhu cầu tuyển dụng cao và tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp ấn tượng.
Lưu trữ học là ngành đào tạo chuyên sâu với khả năng ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Ngành Lưu trữ học được đào tạo tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, từ năm 1995, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp là rất cao, cơ hội việc làm là rất lớn, nhiều khóa tỷ lệ sinh viên có việc làm là trên 90% sau khi ra trường.
Kiến thức liên ngành, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
ThS. Trần Bá Hùng - Phó Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM nhận định: “Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhu cầu bảo quản thông tin an toàn, chuyên nghiệp dưới cả dạng giấy và kỹ thuật số đang gia tăng. Ngành Lưu trữ học không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn sâu mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm trong cả khu vực công và tư. Ngành học này còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực quản lý dữ liệu, quản lý thông tin trong các tổ chức”. Vì thế, dù không phải là một ngành học mới, song, Lưu trữ học luôn là cơ hội hấp dẫn đối với người học.
Chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học hiện nay được thiết kế chuyên sâu và liên ngành, giúp sinh viên có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Chương trình đào tạo có sự liên thông với ngành quản trị văn phòng, lĩnh vực thông tin và nhiều ngành khác.
Trong quá trình đào tạo, ngoài những hoạt động nghiên cứu thực tế, các chương trình do Đoàn - Hội tổ chức, sinh viên được tham gia 1 đợt kiến tập chính thức và 2 đợt thực tập chuyên môn (mỗi đợt thực tập kéo dài từ khoảng 6 tuần đến 8 tuần). Đây không chỉ là cơ hội trải nghiệm các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị ở trường mà còn là cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Hơn 90% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp
Trong thời gian qua, Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng đã tham mưu cho Nhà trường ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp, tổ chức về lưu trữ để tăng cường hoạt động hợp tác giữa Nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan. Nội dung hợp tác trải rộng từ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học đến hoạt động thực tập và việc làm cho sinh viên. Đặc biệt, Khoa đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan để giới thiệu sinh viên thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên khi đơn vị có nhu cầu. Đồng thời, các cựu sinh viên, giảng viên cũng thường xuyên giới thiệu việc làm cho sinh viên, kết nối sinh viên với các đơn vị tuyển dụng.
Nhu cầu thị trường dồi dào, mạng lưới kết nối với nhà tuyển dụng rộng mở, hai năm gần đây, trong số cử nhân có việc làm, hơn 95% tỉ lệ sinh viên tìm được việc ngay và sau khi tốt nghiệp khoảng 3 tháng. Dù thị trường việc làm đang vào hồi khắc nghiệt, song, đây là con số ấn tượng và đầy hứa hẹn với các bạn trẻ.
Từng là sinh viên khóa 2007 - 2011, chị Trần Thị Khuyến chia sẻ: “Quá trình theo học tại trường, bản thân được trải thực tế tại các đơn vị (Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV), thực tập tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Các thầy cô cũng giới thiệu và hỗ trợ rất nhiều trong quá trình tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Nhờ đó, tôi dễ dàng tìm được công việc phù hợp và ổn định”.
Ít cạnh tranh, nhiều cơ hội thăng tiến
Hiện tại là Lưu trữ viên tại Tòa án nhân dân TP Thủ Đức, chị Trần Thị Khuyến tâm sự ban đầu chưa có định hướng về nghề nghiệp, thời điểm chọn học ngành Lưu trữ học là do xem xét tỉ lệ chọi và nhận thấy phù hợp với năng lực bản thân. “Tôi từng có ý định từ bỏ và thi lại vào ngành khác. Nhưng khi thực tập, thực tế mới thấy thích nghề này. Đến bây giờ tôi thấy mình đã lựa chọn đúng khi chọn ngành học này. Và điều đặc biệt là các thầy cô rất tuyệt vời”, chị Khuyến tâm sự.
Chị cũng cho hay, bất kỳ cơ quan hành chính sự nghiệp hay công ty nào cũng cần có cán bộ lưu trữ. Đó là một lợi thế rất lớn đối với sinh viên ngành Lưu trữ học. Cơ hội thăng tiến của ngành Lưu trữ học cũng đầy hứa hẹn. “Nhờ chuyên ngành học tập và sự cố gắng, tôi đã được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng ngay sau thời gian tập sự”, chị Khuyến bộc bạch.
Với anh Nguyễn Huy Hoàng (khóa 2015 - 2019), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Hành chính Hoàng Yến: “Lưu trữ học là lĩnh vực ngành hẹp, ít người biết. Đó là hạn chế nhưng cũng là lợi thế đối với người học. Kiến thức đại học xây dựng nền tảng lý luận tốt. Tuy nhiên, để thích nghi với môi trường thực tế, sinh viên tự cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là giao tiếp”.
ThS Nguyễn Thị Thu Hằng - Chuyên viên Văn phòng TCT Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp tại khoa nắm vững kiến thức chuyên ngành. Kỹ năng thực hiện các thao tác nghiệp vụ thời gian đầu còn lúng túng, nhưng sau một thời gian được hướng dẫn, một số bạn chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể thực hiện công việc rất tốt và được giao công việc ở những vị trí quan trọng”.
Vừa tốt nghiệp ngành Lưu trữ học, nhận liền tin vui khi một trường ĐH Ở Đài Loan, Trung Quốc tài trợ học bổng thạc sĩ toàn phần, chị Hồng Hạnh (khóa 2020-2024, hệ VLVH) chia sẻ: “Ngành Lưu trữ học cung cấp cho tôi một nền tảng vững chắc về quản trị tổ chức, quản trị văn phòng kết hợp với chuyên môn điều dưỡng để tôi nhận được học bổng thạc sĩ Quản trị Y tế tại Đài Loan.”
Có thể thấy, khả năng ứng dụng, nhu cầu ứng tuyển dụng ngành Lưu trữ học ngày càng tăng cao, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Ngành Lưu trữ học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cung cấp kiến thức chuyên sâu về công tác lưu trữ và quản lý văn thư. Sinh viên được đào tạo kỹ năng bảo quản, sắp xếp hồ sơ, tài liệu và hỗ trợ hành chính tại các cơ quan, doanh nghiệp. Chương trình học bao gồm các môn chuyên ngành như Quản lý văn bản điện tử, Lưu trữ tài liệu điện tử, Bảo quản tài liệu lưu trữ, Pháp chế công tác văn thư - lưu trữ, và Chỉnh lý khoa học tài liệu.
Cơ hội nghề nghiệp cho cử nhân Lưu trữ học rất rộng mở. Cử nhân có thể trở thành lưu trữ viên tại các lưu trữ lịch sử trung ương và địa phương, hoặc lưu trữ chuyên ngành như quân đội, công an, điện lực, và tài nguyên - môi trường. Ngoài ra, còn có nhiều vị trí chuyên viên văn thư trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức kinh tế. Việc trở thành giảng viên tại các trường đại học hoặc nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu cũng là một lựa chọn hấp dẫn.
Tác giả bài viết: PV
Ý kiến bạn đọc