Lời giải cho bài toán này không chỉ bằng nội lực của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… mà cần có cơ chế, chính sách thu hút đặc thù từ cấp vĩ mô.
Cả nước khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ, cùng với đó có hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai từ các cơ sở đào tạo.
Nghiên cứu khoa học là sức sống và động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội; trong đó, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu có vai trò tiên phong, dẫn dắt. Đây là nơi đóng góp nhiều ý tưởng đột phá, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực giàu tiềm năng công nghệ.
Thực tế, nhiều đơn vị đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, xuất sắc với cơ chế, chính sách ưu đãi. Đơn cử như Đại học Quốc gia Hà Nội đã thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học xuất sắc (hệ số gấp từ 1,5 đến 3 lần so với quy định hiện hành). Đáng chú ý, một số nơi có chế độ khen thưởng, với mức chi “mạnh tay” lên đến cả trăm triệu đồng cho các nhà khoa học khi có công trình công bố quốc tế.
Không phủ nhận hoạt động khoa học công nghệ mang yếu tố đặc thù. Bản chất nghiên cứu là tìm cái mới nên có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Điều quan trọng là kết quả nghiên cứu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thế nào, đóng góp vào việc nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, cũng như uy tín các viện, trường đại học ra sao?
Muốn vậy, ngoài yếu tố nội lực, “tự thân” của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cần có giải pháp “kích nổ” về chính sách để bứt phá phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, một trong những điểm “kích nổ” là thu hút nhân tài nói chung và các nhà khoa học trẻ tài năng, xuất sắc nói riêng. Nói như đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), chỉ có nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo lĩnh vực này.
Thu hút nhân tài là trăn trở của hầu hết cơ sở giáo dục đại học cũng như chuyên gia, nhà khoa học. Thậm chí, nhiều khi có chủ trương nhưng “bắt tay” vào triển khai trong thực tiễn lại vướng mắc bởi quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức hoặc tài chính.
Còn nhớ, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, có đại biểu nêu thực tế, trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu khoảng 13%. Nghĩa là, nếu đầu tư cho các đề tài khoa học 100 đồng, thì chỉ có 13 đồng dành cho nghiên cứu, còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên.
Vẫn biết, tài chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ mang tính đặc thù, khó có thể định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Tuy nhiên, khi đã chọn được điểm “kích nổ” trong chính sách thì chúng ta có thể tìm được giải pháp phù hợp cho bài toán trên. Theo đó, ngoài sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế (nếu cần) các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, rất cần những chính sách đặc thù về tài chính nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển khoa học công nghệ.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc