Sáng 10/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị triển khai công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực giáo dục với các tỉnh, thành phố phố trực thuộc Trung ương.
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, toàn thành phố có hơn 2.900 trường học các cấp; trong đó có trên 2.300 trường công lập; 604 trường tư thục, 40 trường có vốn đầu tư nước ngoài và 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục.
Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành 12 Nghị quyết có liên quan đến giáo dục, đào tạo; trong đó có nghị quyết về chính sách nhà giáo.
“Ngay từ đầu năm học, chúng tôi tham mưu với lãnh đạo, UBND về nâng cao chất lượng giáo viên bằng cách bồi dưỡng. Chẳng hạn như, cử giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài” - ông Trần Thế Cương viện dẫn.
Về công tác đầu tư cơ sở vật chất, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã dành 21 nghìn tỷ xây dựng trường học mới và sửa chữa, nâng cấp trường học cũ.
Chia sẻ kinh nghiệm về lập dự toán ngân sách, ông Trần Thế Cương cho hay, Sở GD&ĐT Hà Nội thường có cuộc thảo luận bàn tròn giữa giám đốc lãnh các sở, ngành trực thuộc thành phố để thảo luận một số nội dung. Sau khi thống nhất sẽ lập dự toán để trình cấp có thẩm quyền.
Ông Trần Thế Cương đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ ban hành văn bản quy định về “dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo” nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và người học, làm căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo danh mục và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo để áp dụng tại thành phố Hà Nội.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mong muốn dự thảo Luật Nhà giáo sớm được thông qua nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo; trong đó có đội ngũ nhà giáo ở các trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Từ những khó khăn từ trong thực tiễn, ông Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang kiến nghị, Bộ GD&ĐT nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn định mức, sử dụng máy móc, thiết bị cho các phòng chức năng thuộc khối hiệu bộ theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 14/2020/BGDĐT ngày 26/5/2020 và thông tư hướng dẫn danh mục, số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị dạy học tối thiểu cho cấp học mầm non.
Bộ GD&ĐT sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng mục tiêu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sớm ban hành tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Cần xem xét điều chỉnh lại nhiệm vụ của viên chức thiết bị, đồng thời tiếp tục duy trì chức danh kiêm nhiệm phòng học bộ môn nhằm bảo đảm từng vị trí thực hiện nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn đào tạo.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Đạm – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) đề cập đến một số giải pháp; trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục.
Đồng thời, triển khai Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Quốc hội, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo cơ sở vật chất, phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục rà soát ban hành và điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn trường, lớp học đáp ứng yêu cầu dạy – học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đảm bảo chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20%; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Ngoài ra, Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Triển khai chương trình kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%; triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, tầm quan trọng và sự cần thiết của hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Quan tâm đến phương pháp, cách thức xây dựng kế hoạch, Thứ trưởng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm: Kiên trì tham mưu; chủ động phối hợp; tìm và xây dựng căn pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn; chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án; Chủ động từ sớm, từ xa, không để bị động; kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố kế hoạch và tài chính.
Về tổ chức thực hiện kế hoạch, Thứ trưởng trao đổi, cần kiểm tra đôn đốc, không trông chờ, ỷ lại, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Phát huy vai trò của người đứng đầu để tham mưu kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, các địa phương cần sơ kết đánh giá theo chỉ tiêu kế hoạch.
Ý kiến bạn đọc