Nguyên do chỉ tiêu được giao cho các trường THPT công lập chỉ khoảng từ 60 đến 80% tổng số thí sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, tính cạnh tranh chỉ ở nhóm những trường top trên với điểm chuẩn hàng năm cao, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng đông.
Thông thường, chúng ta luôn thấy có sự chênh lệch về điểm xét tuyển giữa các trường THPT trên địa bàn. Điều này thể hiện rõ nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ví dụ, kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại TPHCM, trong số 108 trường THPT công lập thì 37 trường điểm chuẩn dưới 15 điểm, 7/37 trường điểm chuẩn chỉ 10,5; tuy nhiên cũng có trường lấy mức gần 24 điểm.
Tương tự, năm 2024, bên cạnh một số trường chỉ lấy 10,5 điểm, thì có trường điểm đầu vào lên tới 24,25. Tại Hà Nội, năm nay mức chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 giữa trường THPT công lập cao nhất và thấp nhất lên tới trên 20 điểm. Tình trạng trên tất yếu dẫn đến việc có thí sinh dù điểm cao so với mặt bằng chung vẫn trượt; nhưng có em không đạt mức điểm trung bình mỗi môn cũng đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10.
Với tầm quan trọng của kỳ thi chuyển cấp, đăng ký các nguyện vọng vào trường nào để phù hợp, chắc đỗ là bài toán cân não với phụ huynh và người học. Cách nhiều người thường làm là tham khảo điểm chuẩn các trường những năm trước để đặt nguyện vọng phù hợp với lực học. Nhưng cũng chính điều này khiến mức điểm xét tuyển biến động khôn lường. Phụ huynh không dám “đặt cược” vào trường năm trước có điểm chuẩn cao dẫn tới số hồ sơ vài trường này giảm, điểm chuẩn hạ.
Ngược lại, trường có điểm chuẩn thấp được phụ huynh đổ xô nộp hồ sơ khiến điểm chuẩn lại tăng vọt. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp biến động điểm chuẩn có lẽ phải kể đến Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay. Vốn có truyền thống nhiều năm có điểm tuyển sinh ở mức khá (khoảng từ 7 đến 8 điểm mỗi môn), năm nay trường này chỉ lấy 23,75 - tụt gần 20 điểm so với năm trước, lọt top 10 trường THPT công lập có điểm chuẩn thấp nhất Thủ đô.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 đầy tính may rủi là bởi thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi biết điểm thi và không cho thay đổi nguyện vọng sau khi công bố điểm. Nghịch lý “điểm cao trượt, điểm thấp đỗ” chắc chắn sẽ giảm nhiều nếu cùng với việc công bố công khai số lượng thí sinh đăng ký vào mỗi trường, các em sẽ được đăng ký hoặc thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm.
Điểm thi chính là cơ sở quan trọng nhất giúp thí sinh đặt nguyện vọng vào một trường phù hợp, cũng như có các phương án dự phòng khả thi để tăng cao nhất khả năng đỗ. Sẽ càng thuận lợi hơn nếu mỗi địa phương công bố phổ điểm thi 3 môn. Tất cả điều này đều được triển khai hiệu quả trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học nhiều năm nay.
Ở một góc tiếp cận khác, ông Nguyễn Sóng Hiền - Viện Quản lý và Công nghệ châu Âu nêu quan điểm: Xét tuyển dựa trên học bạ và kết quả tư vấn hướng nghiệp trong suốt quá trình THCS nên là cơ sở tin cậy, khoa học nhất giúp học sinh có thể chuyển tiếp lên THPT một cách nhẹ nhàng, công bằng trong cơ hội tiếp cận với nền giáo dục công. Sứ mệnh của trường công phải hướng đến một nền giáo dục đại chúng, đại trà, nơi tạo ra cơ hội công bằng cho tất cả tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận.
Cũng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tư vấn hướng nghiệp từ THCS đến THPT. Cần nghiên cứu, tham khảo các quốc gia có nền giáo dục phát triển để có điều chỉnh phù hợp với công tác này, từ đó hy vọng tạo chuyển biến tích cực với công tác hướng nghiệp ở giai đoạn giáo dục trung học.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc