Trong đó, quan điểm, phương pháp dạy và học môn này cũng cần thay đổi, đáp ứng yêu cầu của thời 4.0: Tính ứng dụng, khả năng suy luận và giải quyết vấn đề.
Ý nghĩa của việc học Toán chắc chắn không chỉ là “để đi thi”. Nhưng rất tiếc, tôi đã nhận thấy thực tiễn đa số học sinh phổ thông học Toán, dành nhiều thời gian học giải Toán để có thành tích cao trong các kỳ thi. Thực tế này được phản ánh khi tôi nghiên cứu luận án tiến sĩ của mình gần 20 năm trước.
Đến ngày nay, việc học Toán để luyện thi đã trở thành phổ biến, đến mức, nhiều giáo viên đã quên mất việc dạy Toán để học sinh hiểu tri thức Toán học, tiếp cận được cái hay, đẹp của nó thông qua hoạt động học Toán, phát triển tư duy. Trong khi, tất cả chương trình giáo dục Toán học đều ý thức được mục đích giảng dạy cho học sinh phổ thông là “phát triển năng lực Toán học, phát triển tư duy, giúp học sinh yêu thích Toán học, vận dụng Toán học vào học tập và cuộc sống”.
Gần đây, dư luận chú ý đến những phản ứng của một số học sinh, khi các em thể hiện áp lực phải trải qua bài kiểm tra trong đó có những câu hỏi “lạ”, chưa từng xuất hiện trong bài học. Đây là thực tế đáng buồn, phản ánh hạn chế của phương pháp giảng dạy hiện nay trong trường phổ thông - nơi các tiết học đều dành hầu hết thời gian cho luyện tập giải Toán. Học sinh gần như không được trải nghiệm vẻ đẹp Toán học, ý nghĩa của kiến thức Toán.
Những dạng Toán thiên về rèn kỹ năng giải một số dạng bài tập Toán. Mỗi lần kiểm tra, các em thường được nhận đề cương, với sự hạn chế về nội dung, dạng Toán cụ thể. Vì thế, các em sẽ thu hẹp phạm vi học tập của mình; chỉ quan tâm đến những dạng bài sẽ xuất hiện trong bài thi. Học theo cách đó thật thiệt thòi. Một nguyên nhân của hiện tượng này là đề thi, đề kiểm tra gần như không có mấy thay đổi qua một thời gian dài.
Mới đây, khi tiếp xúc với nhiều giáo viên từ tiểu học đến trung học trong khuôn khổ nghiên cứu về đánh giá trong dạy học môn Toán, tôi nhận được sự phản ánh rằng “môn Toán giờ đây đã tuyên bố rõ mục đích dạy học, để phát triển năng lực tư duy, năng lực mô hình hoá Toán học, giải quyết vấn đề Toán học… nhưng khi đánh giá chẳng thể hiện được điều đó”.
Vì thế nhiều giáo viên đang thiếu niềm tin vào mục đích giảng dạy. Tất nhiên, cũng không ít người thiếu trách nhiệm trong thích nghi, thay đổi cách dạy để làm đúng vai trò giáo dục. Có những trường học, tuyên bố tìm kiếm học sinh giỏi Toán, sáng tạo, nhưng trong những câu hỏi thi, lại chẳng thể hiện được điều đó.
Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc học Toán. Chúng ta không thể thờ ơ với lối mòn giảng dạy thiên về ôn luyện để đáp ứng thi cử được. Chúng ta cũng không thể đánh mất cơ hội tạo dựng vốn sống, cảm nhận cái hay, cái đẹp của tri thức Toán học thông qua trải nghiệm, ứng dụng Toán học chỉ vì những nhận thức sai lầm về phạm vi kiến thức Toán. Hy vọng, mỗi người dạy, người học đều có thể nhận thức đúng, có cách làm đúng và dám phản biện để môn Toán được triển khai thật tốt.
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Toán tinh giản nhiều so với Chương trình giáo dục 2006 nhưng chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và ai cũng có thể học được Toán.
Nội dung được chia làm 2 giai đoạn là giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến lớp 12). Đây là giai đoạn giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, ngành nghề liên quan đến Toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề liên quan đến Toán học trong suốt cuộc đời.
Chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch nội dung chính là: Số, Đại số và Một số yếu tố Giải tích; Hình học và Đo lường; Xác suất và Thống kê, thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung chủ đề liên quan hoặc các kiến thức Toán học được sử dụng trong các môn học khác như: Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Sinh học,… Ngoài ra chương trình còn tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm.
Với những mặt tích cực và giá trị hiệu quả mà Chương trình giáo dục phổ thông mới mang lại, giáo viên tổ Toán Trường THPT Sơn Trà đã và đang dần thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Về phân công chuyên môn: Vì chương trình đổi mới theo lộ trình từng năm học nên trường chỉ đạo tổ trưởng giao các giáo viên có kinh nghiệm tiếp cận trước và hướng dẫn lại cho đồng nghiệp. Đến năm học 2024 - 2025 thì đổi mới đồng bộ cả 3 khối học nên tất cả giáo viên cơ bản đã định hình được chủ trương và cách thức thực hiện. Vẫn theo tinh thần ưu tiên cho khối 12 nhưng đan xen các giáo viên kinh nghiệm cho khối 10 và 11.
Về phương pháp dạy, giáo viên phải thay đổi từ cách chuẩn bị kế hoạch dạy học: Chuẩn bị theo các bước (Khởi động - Hình thành kiến thức - Luyện tập, củng cố - Tìm tòi mở rộng), theo đúng theo con đường tư duy nhận thức của học sinh và có tính phân hóa cao cho tất cả người học.
Thời gian đầu thực hiện chương trình mới, trong các buổi sinh hoạt tổ sẽ tăng cường kế hoạch dạy học mẫu để giáo viên cùng thảo luận, góp ý và hoàn thiện; đồng thời cử giáo viên dạy mẫu kế hoạch bài dạy, từ đó các thành viên trong tổ sẽ định hướng được kế hoạch bài dạy khác và rút ra những mặt còn hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện. Về thực hành trên lớp, giáo viên định hướng các nhiệm vụ học tập và học sinh chủ động thực hiện để chiếm lĩnh kiến thức thay vì thầy cô thuyết trình học trò ghi chép như trước. Qua 2 năm thực hiện, nhận thấy học sinh chủ động tích cực hơn trong học tập.
Về kiểm tra đánh giá: Bám sát đúng yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với kiểm tra thường xuyên, nhà trường chỉ đạo tổ giao cho giáo viên đứng lớp chủ động với việc đánh giá bằng nhiều hình thức: Kết hợp bài kiểm tra nhỏ với dự án học tập, tìm hiểu các thông tin thực tế cần thiết cho bài học, bài tập nhóm,… đảm bảo bám sát xuyên suốt quá trình hoạt động học tập của học sinh.
Với kiểm tra định kỳ, theo đúng tinh thần tập huấn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tổ thống nhất xây dựng 1 ma trận và bảng đặc tả chung bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình theo 4 mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao với tỷ lệ kiến thức khoảng 3:4:2:1 và tỷ lệ điểm trắc nghiệm - tự luận là 70:30, thời lượng là 90 phút. Từ đó giáo viên sẽ xây dựng các đề kiểm tra định kỳ cho lớp hoặc có thể xây dựng đề kiểm tra chung cho toàn khối.
Bộ GD&ĐT đã có định hướng đổi mới đề kiểm tra đánh giá định kỳ cho học sinh, Tổ Toán của Trường THPT Sơn Trà cũng tiếp cận và thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của sở và Bộ GD&ĐT. Khi có tập huấn hướng dẫn cụ thể, tổ sẽ lên kế hoạch trên cơ sở năng lực học sinh của trường để xây dựng cho phù hợp.
Tuy nhiên, từ thực tế dạy học, trường mong sớm có sự chỉ đạo, hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận định dạng đề thi từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT cho cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 từ năm học 2024 – 2025. Ngoài ra, cần sớm xây dựng ngân hàng đề kiểm tra phục vụ chung cho toàn ngành.
Để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Toán, trước hết cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho người dạy. Cơ quan quản lý giáo dục cần thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề chuyên sâu, chủ đề tích hợp liên môn nhằm đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng kỹ thuật dạy học hiện đại hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Đối với giáo viên, trước mỗi bài học, thầy cô cần nghiên cứu, xác định mục tiêu bài học theo các cấp độ tư duy Bloom, xác định tiêu chí cần đạt của từng đơn vị kiến thức; từ đó xây dựng hình thức tổ chức phù hợp, sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực (làm việc nhóm, mảnh ghép, phòng tranh…). Dạy học phân hóa là giải pháp cần lưu ý nhằm phát huy thế mạnh, sở trường, tạo hứng thú cho các em khi học Toán.
Với mỗi đơn vị kiến thức, giáo viên đưa ra các dạng bài vận dụng thực tế, vấn đề toàn cầu, mang tính thời sự. Từ đó yêu cầu học sinh đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm, vốn sống của bản thân.
Giáo viên sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng (Azota, Quizzi, Quizlet, Geometer's sketchpad, Word wall…) phục vụ giảng dạy nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức. Ngoài ra, khuyến khích người học tự sáng tạo trò chơi vận dụng kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng công nghệ thông tin vừa tạo hứng thú học tập. Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, STEM, STEAM, các câu lạc bộ Toán học trong nhà trường cũng là giải pháp nhằm phát huy sáng tạo, đam mê học Toán, cũng như tìm ra học sinh tài năng để bồi dưỡng cho các cuộc thi thành tích cao.
Về kiểm tra, đánh giá, chú trọng đánh giá học sinh qua cả quá trình học, sử dụng đa dạng hình thức và đối tượng đánh giá. Quan tâm đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn, năng lực tư duy phản biện, sáng tạo của học sinh. Hiệu quả đánh giá cũng phụ thuộc nhiều vào cách ra đề kiểm tra, thi.
Theo đó, ra đề theo hướng mở, tích hợp liên môn, kết hợp lý thuyết với thực hành, gắn với các vấn đề thực tiễn nhưng theo lộ trình và mức độ phù hợp với năng lực của học sinh. Đề gồm trắc nghiệm và tự luận với các câu hỏi theo 4 cấp độ: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao; có đề thi minh họa đối với học sinh cuối cấp ngay từ đầu năm học hoặc đầu học kỳ II.
Tôi cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có lộ trình. Giáo viên, học sinh phải hiểu rất rõ bản chất của sự thay đổi này để điều chỉnh phương pháp dạy - học phù hợp.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhung - Hà Nguyên (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc