Sự đồng hành của gia đình, bạn bè, thầy cô… là động lực quan trọng giúp họ trưởng thành.
Nhiều người không khỏi xúc động khi biết đến câu chuyện vượt khó của cậu bé khuyết tật Trần Ái Hải Sơn (trú tại ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, Bình Phước). Từ khi sinh ra, do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ người thân nên em không thể tự đi lại. Dù đôi chân khuyết tật nhưng cậu bé Sơn có sự kiên trì, nhẫn nại hơn người, để tự vẽ lên ước mơ cuộc đời mình.
Những năm tháng học phổ thông, Sơn được mẹ đưa đón đi học. Những hôm mẹ ốm hay bận việc, em nhờ bạn cùng lớp đón đưa. Được sự quan tâm của thầy cô, bạn bè và các tổ chức xã hội, Sơn không thấy buồn hay mặc cảm. Sự đồng hành của mọi người đã tiếp thêm ý chí, động lực để em vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực học tập và thi đậu vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM. Đến nay Sơn có công việc ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Cô giáo một tay Võ Thị Tuyết - người được trao giải thưởng Võ Trường Toản vì có nhiều cống hiến cho ngành Giáo dục TPHCM vào tháng 11/2023, cũng là tấm gương người khuyết tật vượt khó tiêu biểu. Dù chỉ còn một tay nhưng gần 27 năm qua cô Tuyết vẫn bế ẵm, dạy dỗ biết bao thế hệ trẻ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật (TPHCM).
Được biết, khi mới sinh ra, cô Tuyết lành lặn như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên năm 1 tuổi, trong một lần trúng bom đạn chiến tranh, cô không may mất cánh tay phải. Dù vậy, từ bé cô đã ước mong trở thành giáo viên và phấn đấu thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Tốt nghiệp đại học, cô quyết định gắn bó với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Dù chỉ có một tay, nhưng cô Tuyết vẫn làm các công việc như sắp xếp đồ chơi, dụng cụ dạy học cho trẻ hay bồng bế học sinh. “Dù không được đầy đủ hai tay nhưng bản thân vẫn may mắn hơn nhiều người khác, tôi lấy đó làm động lực, cố gắng để được như ngày hôm nay”, cô Tuyết tâm sự.
Em Trần Ái Hải Sơn đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ đến trường. Ảnh: NVCC |
Cô Võ Thị Thùy - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Khai Trí, Hiệu trưởng Quản lý Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TPHCM) cho biết, trên thực tế, học sinh khiếm thính và tật vận động có nhiều cơ hội học, lựa chọn nghề hơn so với các em khiếm thị và thiểu năng trí tuệ.
Đối với trẻ khuyết tật nhẹ như khiếm thính, tật vận động… thì bộ não phát triển bình thường, nên nếu được giáo dục, hướng nghiệp từ sớm sẽ tạo ra giá trị cho xã hội và cuộc sống. Những trường hợp này, chỉ cần tạo “giá đỡ” như phương tiện hỗ trợ tốt, xã hội có chính sách phát triển nghề nghiệp thì các em có thể học tập, rèn luyện và thành công trong cuộc sống.
“Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Khai Trí, tỷ lệ trẻ thành công không cao bởi các em thuộc diện khuyết tật về trí não. Do đó trung tâm tạo “giá đỡ” cho các em bằng cách giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh ra trường có thể làm việc ở các đơn vị thấp, khoảng trên 10%”, cô Thùy cho hay.
Còn theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Huệ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Quận 10, TPHCM), trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều phụ huynh đã quan tâm đến việc học của trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó, những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách tạo điều kiện tốt cho học sinh khuyết tật được học ở nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt từ khi có Luật Người khuyết tật. Tuy nhiên cái khó của học sinh khuyết tật hiện nay là các địa phương thực hiện chính sách này chưa đồng bộ. Mỗi địa phương làm theo một cách nên các em chưa hưởng được những gì thuận lợi nhất mà chính sách đã đề ra.
“Để học sinh khiếm thị có thêm kiến thức và kinh nghiệm khi bước vào tuổi trưởng thành, thiết nghĩ cần có nhiều chương trình tư vấn về pháp luật cũng như chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, để các em thuận lợi hơn trong quá trình theo học ở cấp THPT hoặc trường đại học, cao đẳng.
Tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, việc đầu tư cho giáo dục trẻ khiếm thị ở mức tốt nhất là điều tiên quyết để tạo công bằng cho việc trưởng thành và hòa nhập xã hội. Tất nhiên, để thực hiện việc này cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội, đây là điều chúng tôi đã và đang cố gắng thực hiện”, cô Huệ cho hay.
“Mỗi người khuyết tật có hoàn cảnh và năng lực khác nhau. Để có được thành công, trước tiên bản thân không từ bỏ, nếu kiên trì sẽ có những kết quả tích cực. Em đã nỗ lực trong những năm tháng học phổ thông, rồi 5 năm học đại học mới có được thành tích như hôm nay. Đó là một chặng đường rất dài, bản thân luôn kiên trì để thực hiện ước mơ”, Trần Ái Hải Sơn chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hồ Phúc
Ý kiến bạn đọc