Có con vào lớp 6, chị Nguyễn Kim Xuân ở quận Đống Đa bày tỏ lo lắng khi biết thông tin năm nay học sinh tăng hơn 58 nghìn so với năm học trước. Cùng đó sẽ có một số quy định mới như dừng tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến cuộc đua vào lớp 6 các trường THCS công lập chất lượng cao trở nên “nóng” hơn.
Chị Xuân cho biết, dù học sinh lớp 6 chắc chắn có một suất trong khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú nhưng gia đình lại định hướng con học một trường chất lượng cao khu vực Cầu Giấy. Bên cạnh động viên con ôn thi, gia đình đã xin 1 suất vào một trường không phải chất lượng cao nhưng có thành tích dạy học tốt tại quận Hoàn Kiếm.
Có hộ khẩu ở phường Thịnh Liệt nhưng vợ chồng anh Nguyễn Tiến Đạt lại tha thiết mong con được học tại Trường THCS Tân Mai, nằm trên địa bàn phường Tân Mai, cùng quận Hoàng Mai. Lý do là Trường THCS Tân Mai mới được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt, đạt nhiều thành tích những năm học gần đây.
“Dù quãng đường đi học xa hơn đồng nghĩa phải cắt cử một người đưa đón mỗi ngày nhưng tôi vẫn mong con được vào trường trái tuyến. Tuy nhiên, để vào được trường trái tuyến rất khó khăn, do đó tôi phải nhờ cậy các mối quan hệ, thậm chí tính đến cả phương án chuyển hộ khẩu về phường mới”, anh Đạt nói.
Không chỉ nóng với học sinh vào lớp 6, cuộc chạy đua còn diễn ra ở trường mầm non khi chưa kết thúc năm học. Cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Từ đầu năm học, giáo viên được phân công dạy lớp 1 năm học tới đã nhận được lời đề nghị của phụ huynh nhận con vào lớp mình làm chủ nhiệm. Dù thời điểm đấy nhà trường chưa có kế hoạch tuyển sinh cũng như số liệu tổng số học sinh trong độ tuổi trên địa bàn. Việc này không chỉ gây khó khăn cho giáo viên mà cả lãnh đạo nhà trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Ảnh: TG |
Dù ngành Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường, tăng công khai, minh bạch tuyển sinh đầu cấp, hạn chế tuyển sinh trái tuyến nhưng không ít phụ huynh vẫn “làm khó” nhà trường bằng cách tận dụng các mối quan hệ để xin học trái tuyến. Điều này không chỉ gây mệt mỏi cho phụ huynh, thầy cô giáo, mà nhà quản lý cũng gặp không ít phiền hà trong câu chuyện chạy trường, lớp.
Không tiếp, nghe điện thoại, gặp thậm chí không ở nhà... là giải pháp lãnh đạo các nhà trường chọn để “né tránh” vì phụ huynh luôn tìm cách “tấn công” từ nhiều phía.
Nhiều năm làm quản lý tại trường tiểu học, cô Nguyễn Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng trường học ở quận Đống Đa chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ sát thời điểm tuyển sinh đầu cấp, tôi phải dùng 2 số điện thoại. Số chính chỉ nghe khi thực sự cần, còn số phụ để liên lạc với gia đình. Cổng nhà luôn có phụ huynh chờ sẵn để gặp đề cập chuyện xin học cho con.
Nhiều phụ huynh kiên trì đến độ dù bị từ chối vẫn chờ gây bất tiện cho gia đình. Có người cố tình gửi quà tặng tới nhà qua dịch vụ giao hàng. Vì thế, tôi phải dặn người nhà không được nhận bất cứ đồ gì nếu không phải gia đình đặt mua”.
Theo TS Nguyễn Thu Thủy - chuyên gia xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lựa chọn môi trường giáo dục tốt là mong muốn, nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, phụ huynh nên cân nhắc đến yếu tố như vị trí địa lý, phù hợp với năng lực học tập.
Không nên chạy đua vào trường điểm, chất lượng cao để tạo áp lực quá sớm cho trẻ. Cũng không nên chọn trường có khoảng cách quá xa, khiến thời gian đi học kéo dài, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi di chuyển. Thực tế có nhiều học sinh giỏi, thành tích tốt không đến từ trường chuyên, lớp chọn.
Tác giả bài viết: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc