Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Thứ sáu - 23/11/2018 06:55 520 0
GD&TĐ - Theo GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, từ cơ chế, chính sách đến thực tiễn triển khai việc dạy học trong các nhà trường hiện nay.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Cần tháo gỡ rào cản về cơ chế

Theo Bộ GD&ĐT kết thúc năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục có gần 1.251.568 nhà giáo và 154.200 cán bộ quản lý; 22.415.537 học sinh, sinh viên; trong đó giáo dục phổ thông có khoảng gần 2 triệu giáo viên; giáo viên tiểu học có hơn 400.000, THCS có gần 311.000 và THPT có 150,7 nghìn giáo viên. Đội ngũ giáo viên được nhận xét là cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy học. Song trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì giáo viên thể hiện còn nhiều bất cập như: Số lượng giáo viên và chất lượng giáo viên đã và đang đặt ra bài toán khó giải cho ngành. Thực hiện giải quyết những khó khăn này, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, hiện nay, việc giải quyết vấn đề thừa và thiếu giáo viên ở một số địa phương đã gây bức xúc trong xã hội. Thực tế này cho thấy, năng lực dạy học ở mỗi cấp học đòi hỏi các tiêu chuẩn, năng lực và kỹ năng sư phạm khác nhau. Vì vậy không thể có chất lượng giáo dục khi giáo viên dạy mà không có năng lực phù hợp.

Tư tưởng phải được biên chế trong làm việc dẫn đến số giáo viên hợp đồng chưa an tâm trong hành nghề. Thực tế ở một số địa phương giáo viên hợp đồng bị phân biệt đối xử ảnh hưởng lớn đến động lực nâng cao chất lượng dạy học và sự gắn bó với nghề của các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, yêu cầu năng lực, tâm huyết của giáo viên cần đi đôi với tháo gỡ các rào cản về cơ chế.

Dẫn lại lời của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, GS.TS Phạm Quang Trung chia sẻ, làm thầy phải có những yêu cầu nhất định của năng lực nghề dạy học chứ không phải ai cũng có thể đứng trên bục giảng. Đầu tiên là đạo đức nhà giáo, chuyên môn và sáng tạo của người thầy. Để có được điều đó cần bảo đảm chế độ, chính sách để người thầy có động lực đối với công cuộc đổi mới.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - Ảnh minh hoạ 2

Hoàn thiện cơ chế kết hợp biên chế và hợp đồng

GS.TS Phạm Quang Trung cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nêu lên thực trạng, nhiều thầy giáo, cô giáo dạy hợp đồng trong trường nhiều năm nhưng chưa được vào biên chế. Trong tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng nơi khiến cả xã hội băn khoăn.

Vì vậy, cần thay đổi gốc rễ cách quản lý của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương. Ngành Giáo dục có thể nắm số lượng, nhu cầu nhân lực từng cấp học, từng môn, cho nên cần thống kê số sinh viên sư phạm tốt nghiệp, làm căn cứ, định hướng từng địa phương, các trường sư phạm trong công tác đào tạo. Đồng thời, ngành Giáo dục cùng các địa phương xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi giáo viên dư thừa trên địa bàn, từ đó bảo đảm cơ cấu hợp lý, hạn chế tình trạng thừa, thiếu và giáo viên hợp đồng kéo dài.

Bộ GD&ĐT, đơn vị chủ quan cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên. Bộ cũng đề nghị các địa phương phối hợp, chỉ đạo rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức ngành Giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ bài “Đội ngũ giáo viên trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay” của GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia KHGD/16-20.ĐT.022.

Trước thực trạng điều chuyển giáo viên dôi dư các cấp, dạy học không đúng chuyên môn nghiệp vụ, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Không chuyển giáo viên dôi dư dạy học giữa các cấp một cách cơ học mà khi chuyển phải tổ chức đào tạo giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Ngành Giáo dục đang triển khai hoàn thiện cơ chế kết hợp biên chế và hợp đồng trong các trường theo hướng xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên hợp đồng để hạn chế những bất cập về số lượng và cơ cấu. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống trường lớp cùng quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung thực tế, một số địa phương có cách làm tạo động lực và sự bình đẳng trong việc ký hợp đồng với giáo viên. Một số địa phương đã đưa ra các điều kiện cụ thể ưu tiên giáo viên hợp đồng thực hiện ký hợp đồng trong một năm học, bảo đảm đầy đủ các chế độ; sau khi hợp đồng ba năm trở lên, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì khi có chủ trương tuyển dụng, sẽ tính toán để ưu tiên tuyển dụng đặc cách, bảo đảm quyền lợi, giúp các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác, nâng cao năng lực chuyên môn.

Vì vậy, áp lực trong việc giữ giáo viên giỏi được giải quyết; chất lượng dạy học của trường luôn được đánh giá tốt. Tuy nhiên chế độ chính sách với giáo viên hợp đồng ở mỗi địa phương khác nhau là khác nhau. Có những tỉnh, thành phố ngay cả giáo viên trong biên chế cũng bỏ việc không dạy học vì mức lương thấp không đảm bảo sinh hoạt. Nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận, ngoài yêu cầu chuyên môn giảng dạy, giáo viên còn có những áp lực khác như: Hoạt động giáo dục lồng ghép, thanh tra, kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm các công việc trong trường dẫn đến tình trạng quá tải.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - Ảnh minh hoạ 3

Giáo viên có vai trò quyết định đến đổi mới giáo dục

GS.TS Phạm Quang Trung dẫn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong quản lý Nhà nước, cần rà soát, bãi bỏ các quy định cứng nhắc, có tính hình thức hay các quy định về tiêu chuẩn, phân loại giáo viên chưa phù hợp. Cần giảm đến mức thấp nhất các công việc hành chính, sổ sách không cần thiết để giáo viên tập trung thời gian, trí tuệ vào đổi mới hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Những đổi mới ban đầu của giáo viên thường gặp nhiều khó khăn, rào cản và có thể chưa đạt được như mong muốn đặt ra thì rất cần các cấp quản lý phát hiện, nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, tránh nhận xét áp đặt, khắt khe. Ví dụ: Để động viên tính chủ động, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo của giáo viên trong những giai đoạn đầu, các cấp quản lý có thể chưa xếp loại giờ dạy, chưa thanh tra hoạt động sư phạm…

Một số Sở GD&ĐT cũng cho rằng, cần có những thay đổi từ quy định bồi dưỡng chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Bởi theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên là 120 tiết/năm có nhiều nội dung trùng lắp bồi dưỡng chính trị hoặc sinh hoạt chuyên môn. Cần chuẩn hóa theo hình thức khóa bồi dưỡng ngắn hạn, chuyên sâu (dưới 30 tiết) và bồi dưỡng theo nhu cầu của từng địa phương. Bộ GD&ĐT cần xây dựng, phân loại rõ giáo viên đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn và phương pháp sử dụng kết quả đánh giá xếp loại để tổ chức bồi dưỡng sát nhu cầu thực tế, tạo động lực để giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hiện nay, Bộ đã xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông để phù hợp yêu cầu thực tế, từ đó tiến hành bồi dưỡng theo chuẩn mới. Với một loạt yêu cầu, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp nhằm giảm bớt áp lực, khó khăn trong công việc cho đội ngũ giáo viên như: Đổi mới công tác thi đua - khen thưởng; giảm bớt hoặc xóa bỏ những quy định về văn bằng, chứng chỉ, các hội thi giáo viên giỏi, những cuộc thi nặng về hình thức. Điển hình là việc không bắt buộc giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm…

Rất cần rà soát lại những chính sách, quy định để tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm đổi mới chính sách tiền lương, ưu đãi đối với giáo viên và những người làm trong ngành Giáo dục; bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ quản lý giáo dục; phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục nhằm tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Theo GS Phạm Quang Trung, để thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả, đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định. Để đội ngũ giáo viên thực hiện được trọng trách này rất cần phải nghiên cứu khắc phục những rào cản, bất cập và có những giải pháp từ vĩ mô đột phá để giáo viên thực sự phát triển chuyên môn, say sưa với nghề từ đó mới sáng tạo để đào tạo lớp trẻ phục vụ đất nước.

Tác giả bài viết: Hải Minh (lược dẫn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập343
  • Hôm nay25,012
  • Tháng hiện tại303,142
  • Tổng lượt truy cập51,659,101
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944