Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ: Cởi nút thắt

Thứ ba - 21/05/2019 23:10 511 0

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ: Cởi nút thắt

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học (NCKH), đẩy mạnh chuyển giao thành tựu nghiên cứu luôn được xem là yếu tố sống còn, chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo trong trường đại học. Tuy nhiên, có một thực tế là chất lượng chuyển giao các công trình NCKH, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu của các trường đại học vẫn còn hạn chế.

Nguồn thu thấp, vì sao?

Nhìn nhận về thực trạng NCKH, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ (KH-CN) hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các trường cần nhanh chóng thay đổi nếu muốn tiến tới hội nhập. Đặc biệt, trong việc nghiên cứu gắn liền với chuyển giao, làm sao dùng khoa học để nuôi sống khoa học mới là hướng đi đúng đắn.

Thực tế, hoạt động NCKH và chuyển giao của các trường đại học 5 năm trở lại đây đã có những chuyển biến rất lớn. Số bài báo ISI của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT riêng năm 2017 -2018 tăng 26%; số lượng công trình, thành tựu NCKH được chuyển giao ra ngoài xã hội cũng tăng nhiều hơn, nhưng xét trên con số đội ngũ khoa học mà các trường đang sở hữu (hơn 51% tổng số nhân lực KH-CN trong cả nước) thì như vậy vẫn còn rất khiêm tốn.

Đơn cử, Trường ĐHSPKT TPHCM chuyển giao thành tựu KH-CN thông qua Trung tâm chuyển giao của nhà trường năm 2018 là hơn 2 tỉ đồng (8 hợp đồng), năm 2017 là 1,8 tỉ đồng (10 hợp đồng), năm 2016 là gần 1 tỉ đồng (6 hợp đồng). Hay như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tuy là một trường ngoài công lập nhưng hoạt động chuyển giao KH-CN vài năm trở lại đáng ghi nhận với kinh phí chuyển giao thu về hàng năm đạt từ 17-20 tỉ đồng.

Đáng chú ý trong năm 2018, chỉ với hai dự án chuyển giao thành tựu KH-CN cho Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang (7,5 tỉ đồng) và Dự án cho Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận (5 tỉ đồng) đã đạt mức kinh phí gần 13 tỉ đồng. Trường ĐH Bách khoa TPHCM - đơn vị tiên phong trong hệ thống ĐHQG TPHCM ở hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cũng chỉ đạt được trên 200 tỉ đồng vào năm 2018, năm 2017 là 183 tỉ đồng, năm 2016 là 165 tỉ đồng.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TPHCM vấn đề đầu tư của Nhà nước cho NCKH tại các trường vẫn còn quá thấp. Ông cho biết, trong các năm 2016, 2017 và 2018, tỉ lệ giữa vốn ngân sách Nhà nước cấp so với tổng kinh phí của ĐHQG TPHCM có xu hướng giảm dần về mức dưới 30%. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động NCKH chiếm từ 20 - 25% tổng kinh phí cấp cho toàn hệ thống. Trung bình, mỗi cán bộ nghiên cứu nhận được kinh phí đầu tư cho NCKH là 16 triệu đồng/năm. Đây là con số quá thấp để có thể thực hiện công tác NCKH.

Không chỉ bị hạn chế bởi kinh phí cấp cho hoạt động NCKH thấp, hoạt động chuyển giao thành tựu KH-CN tại các trường đại học vẫn chưa trở thành nguồn lực tài chính cho phát triển nhà trường còn do bị ảnh hưởng bởi áp lực quy định giờ giảng/ năm với giảng viên; công tác hỗ trợ, cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu của giảng viên, nhà khoa học của các trường chủ yếu vẫn được lấy từ nguồn thu học phí… Điều đó, theo PGS.TS Hoàng An Quốc - Trưởng phòng KH&CN Trường ĐHSPKT TPHCM, không chỉ gián tiếp làm giảm chính sách đãi ngộ với giảng viên, các nhà khoa học mà ít nhiều tạo nên sức ì trong việc thúc đẩy các hoạt động NCKH trong nhà trường.

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ: Cởi nút thắt - Ảnh minh hoạ 2
Giảng viên Trần Nguyễn Nhật Phương - Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Bình Dương giới thiệu công trình nghiên cứu mô hình bãi đỗ xe tự động dùng cho ô-tô.

Giải pháp nào để thúc đẩy hoạt động chuyển giao thành tựu NCKH tốt hơn?

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đang tồn tại trong công tác chuyển giao thành tựu NCKH tại các trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, chính tư duy làm khoa học chưa thay đổi... đã giới hạn rất nhiều hoạt động nghiên cứu của giảng viên.

PGS.TS Bạch Long Giang - Trưởng phòng KH&CN Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nêu ý kiến: Để các trường đại học có sự “chuyển mình” một cách mạnh mẽ trong hoạt động chuyển giao thành tựu KHCN, Bộ GD&ĐT cần quan tâm giải quyết bốn vấn đề: Nhà nước giao quyền tự chủ cho các trường đại học cùng với yêu cầu giải trình trước xã hội; Xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành cho các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và đào tạo ở các trường đại học; Xây dựng chính sách đãi ngộ mang tính đặc thù dành cho đội ngũ làm công tác NCKH; Đặc biệt phải sớm tháo gỡ được các trói buộc về thủ tục pháp lý, hành chính trong công tác làm đề tài.

Nhìn nhận thực tế về hoạt động chuyển giao thành tựu KHCN trong các trường đại học, TS Văn Thế Thành- Trưởng phòng KHCN & Sau đại học Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Khoa học có hai hướng, đó là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Việc chuyển giao thành tựu KH-CN của các trường thời gian qua còn hạn chế và chưa được đẩy mạnh nguyên nhân là do nghiên cứu của các trường thiên nhiều về hướng nghiên cứu cơ bản, sự gắn kết trong nghiên cứu với doanh nghiệp chưa cao khiến cho các sản phẩm nghiên cứu chưa đưa ra ngoài xã hội nhiều.

Do đó, theo TS Văn Thế Thành, muốn đẩy mạnh công tác chuyển giao thành tựu KH-CN trong các trường, xem hoạt động chuyển giao là một trong hai nguồn thu chính cho mọi hoạt động của nhà trường thì các trường và chính những người làm khoa học (nghiên cứu phần lớn là đam mê) cần phải thay đổi. Các trường cần phải định hướng lại chính sách đãi ngộ, hướng làm khoa học theo hướng ứng dụng nhiều hơn. Đặc biệt là phải thúc đẩy thật tốt “3 chân kiềng” trong mối quan hệ doanh nghiệp - nhà trường - xã hội trong mọi hoạt động nghiên cứu, chuyển giao.

“Thực tế chúng ta cũng đã thấy, những trường có hoạt động chuyển giao tốt phần nhiều là họ làm nghiên cứu theo đặt hàng trực tiếp của doanh nghiệp, làm theo dự án hợp tác với từng địa phương, doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy, muốn hoạt động chuyển giao tốt, các trường buộc phải xây dựng được cơ chế dịch chuyển trong nghiên cứu để làm sao các nghiên cứu của mình gần với xã hội hơn, gần với doanh nghiệp hơn. Thực tế, nút thắt lớn nhất hiện nay của chúng ta chính là “độ đo” - hay nói đơn giản là khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp còn khá xa, chỉ cần kéo gần lại khoảng cách này, hoạt động chuyển giao chắc chắn sẽ tốt hơn”- TS Văn Thế Thành nói.

PGS.TS Phạm Tiến Công - Trưởng Phòng KHCN Trường ĐH Sư phạm TPHCM thì cho rằng, chỉ khi nào có một cơ chế tài chính đặc thù, có chính sách hỗ trợ cho giảng viên, nhóm khoa học làm nghiên cứu từ Bộ GD&ĐT hay Chính phủ thì mới hy vọng hoạt động chuyển giao thành tựu KH-CN tại các trường tăng nhanh, tăng mạnh. Bởi theo ông, các trường đặc thù với nghiên cứu thiên nhiều về khoa học cơ bản, hoạt động chuyển giao gần như không có, tài chính chủ yếu dựa vào ngân sách cấp, nên ngoài nguồn thu từ hoạt động hợp tác dự án, tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế thì nguồn thu từ NCKH của giảng viên các trường đặc thù gần như rất ít.

Tác giả bài viết: Anh Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập564
  • Hôm nay16,678
  • Tháng hiện tại294,808
  • Tổng lượt truy cập51,650,767
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944