Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ GD&ĐT, với hình thức định giá tối đa. Theo đó, tổ chức, cá nhân không được bán sách giáo khoa cao hơn mức giá do Bộ GD&ĐT quy định.
Qua thực tế xuất bản sách giáo khoa nhiều năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, giá sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều yếu tố; trong đó tập trung vào 5 thành tố cơ bản, gồm: Chi phí tổ chức bản thảo, nhuận bút, sản xuất (cơ bản có chi phí về giá giấy và công in), chi phí khâu lưu thông (còn gọi là chi phí phát hành) và chi phí tài chính (còn gọi là lãi vay).
Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật này quy định, sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, quy định này sẽ quản lý được giá sách giáo khoa, tránh bị đẩy lên quá cao. Tuy nhiên, cần quy định về khung giá, tức là định mức giá tối đa. Định mức này do Chính phủ quy định, giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng, đề xuất.
Cho rằng, việc định giá sách giáo khoa không ảnh hưởng đến kinh doanh, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, việc này giúp chúng ta quản lý giá công khai, minh bạch hơn. Sách giáo khoa được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục. Do đó, mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là cần thiết. Cùng đó, Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá.
“Giá sách giáo khoa được cộng đồng quan tâm; do đó làm thế nào để kiểm soát được giá sách giáo khoa, mà vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học, phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời khuyến khích các đơn vị xuất bản”, ông Hoàng Văn Cường đặt vấn đề và cho rằng, dù áp dụng giải pháp nào cũng phải hướng đến đa mục tiêu. Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là xây dựng hướng dẫn thực hiện quy định về định giá (mức tối đa của mỗi loại sách giáo khoa). Đây là nhiệm vụ nặng nề và trải qua nhiều khâu. Trên cơ sở đó, đơn vị xuất bản sẽ định giá sách giáo khoa của mình.
Tại Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?”, ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho hay, để ban hành quy định về giá tối đa sách giáo khoa, Bộ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định với phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, việc có nhiều bộ sách do các đơn vị biên soạn cũng là vấn đề cần cân nhắc, tính toán giá sao cho phù hợp mô hình và bộ sách khác nhau.
Ngoài ra, việc kiểm soát khâu biên soạn, in ấn phải thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản và các quy định pháp luật liên quan. Bộ GD&ĐT ban hành và hoàn thiện các quy định về việc biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và thực hiện thẩm định để đảm bảo chất lượng.
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và kiểm soát giá trần đúng, đủ, hài hòa lợi ích các bên. Việc xây dựng khách quan, phản ánh đúng, phù hợp với thị trường và điều kiện chi trả của người dân sẽ là biện pháp kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát hậu kiểm trên cơ sở phương pháp định giá chung và trần.
Cũng theo ông Trần Thanh Đạm, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số quy định, trong đó quan tâm nhiều đến đối tượng khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Ngoài ra, có một số thông tư liên tịch liên quan đến quy định về tài chính cho học sinh trong trường dân tộc nội trú. Các văn bản này đều có quy định hỗ trợ kinh phí cho học sinh khối mầm non, phổ thông để mua sách, đồ dùng học tập. Mức hỗ trợ 150.000 đồng cho học sinh/tháng, 9 tháng/năm học.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản liên quan phối hợp với địa phương tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan để đánh giá việc trang bị sách giáo khoa tại thư viện trường học; từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp”, ông Trần Thanh Đạm chia sẻ.
Về vấn đề này, theo ông Hoàng Văn Cường, Nhà nước nên “đặt hàng” mua những bộ sách đẹp và cấp cho các trường, để học sinh mượn lại. Bằng giải pháp này, học sinh không có điều kiện cũng được tiếp cận những bộ sách tốt; khắc phục được tình trạng trẻ hoàn cảnh khó khăn phải học sách chất lượng kém.
Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội cách tân khi đưa ra một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Điều này sẽ giải quyết vấn đề: Không để học sinh học thuộc lòng, giáo điều, “học vẹt”. Có nhiều bộ sách giáo khoa cũng tạo ra thị trường cạnh tranh khá lành mạnh. Về giá thành, chúng ta có thể kiểm soát bằng Luật Giá và đặt ra khung giá, xác định các yếu tố cấu thành giá.
Theo ông Hoàng Văn Cường, để xây dựng mức giá sách giáo khoa, cần khối lượng công việc không nhỏ… Việc đầu tiên là rà soát lại toàn bộ quy trình biên soạn bản thảo, đánh giá thị trường; tiếp đến khả năng thanh toán của người học. Ngoài ra, cũng cần tính đến lợi ích cho các nhà sản xuất…
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc