Sách giáo khoa được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục, liên quan trực tiếp đến các gia đình có trẻ trong độ tuổi đi học. Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thống nhất chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa có thể là doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, cá nhân và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Cạnh tranh.
Thực tế, nhiều phụ huynh băn khoăn khi giá sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 cao hơn giá sách Chương trình GDPT 2006. Nhiều người quan ngại giá sách giáo khoa có thể sẽ “trôi nổi”, “tự phát” nếu các tổ chức, cá nhân tự định giá.
Không phủ nhận, giá sách giáo khoa có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Vì thế, mỗi lần điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng, thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, xa, vùng kinh tế khó khăn.
Giải quyết vấn đề này, Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định, sách giáo khoa do Nhà nước định giá. Theo đó, giá sách giáo khoa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh không cao hơn mức giá do Nhà nước quy định. Yêu cầu này phần nào hóa giải nỗi lo về giá sách giáo khoa của phụ huynh trước mỗi mùa khai giảng; đồng thời phúc đáp những kiến nghị của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội sau nhiều lần “lên tiếng” đề xuất giá sách giáo khoa do Nhà nước định giá.
Nhà nước định giá sách giáo khoa, một mặt vẫn để các nhà xuất bản đưa ra giá theo cơ chế thị trường nhưng mặt khác chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu cũng được. Các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc định giá là tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Luật Giá 2023.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với sách giáo khoa. Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ xây dựng và kiểm soát giá trần đúng, đủ, hài hòa lợi ích các bên. Bộ sẽ ban hành quy định giá tối đa sách giáo khoa, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có sách giáo khoa. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị nội dung Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm đúng tiến độ về lựa chọn sách giáo khoa phục vụ năm học mới.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động kịp thời của các bộ ngành; trong đó có Bộ GD&ĐT, vấn đề sách giáo khoa và giá sách giáo khoa đã được “ngã ngũ”. Việc còn lại là khâu hậu kiểm trên cơ sở phương pháp định giá chung và định giá trần sách giáo khoa.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc