Chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu GD
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2021, ngành GD tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: hoàn thành kế hoạch năm học; Đảm bảo an toàn sức khỏe cho HS, SV và GV. Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu này trước hết phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng đề án phát triển giáo viên trong 5 năm tới để chủ động nguồn nhân lực sư phạm. Theo đó, rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn đảm bảo hiệu quả. Bộ GD-ĐT sẵn sàng cùng các địa phương xây dựng, thực hiện có hiệu quả đề án này.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Rà soát sắp xếp trường lớp tinh gọn nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng có học sinh nhưng không có giáo viên.
Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương tính toán nhu cầu các loại, trình độ nhân lực của địa phương để xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, rà soát sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo tại địa phương một cách hợp lý, tiến tới sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo trên toàn quốc.”
Không “nợ chuẩn” với giáo viên Tiếng Anh tuyển mới
Thống kê của Bộ GD-ĐT, thiếu giáo viên (GV) dạy tiếng Anh là thực trạng nặng nề ở tất cả các cấp học. Đặc biệt, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, điểm mới nhất ở cấp tiểu học là tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc (áp dụng từ lớp 3) thay vì tự chọn như hiện nay. Về số lượng, theo ước tính của Bộ, cả nước đang còn thiếu hơn 5.000 GV tiếng Anh. Đó là chưa kể đội ngũ hiện có vẫn còn một số lượng không nhỏ (khoảng hơn 30%) chưa đủ năng lực theo yêu cầu đặt ra với chương trình mới.
Về vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng chuẩn đã được luật Giáo dục 2019 quy định, do vậy không thể làm trái luật khi cho tuyển giáo viên dưới chuẩn hoặc “nợ chuẩn”. Bộ cũng nhìn nhận việc thiếu GV sẽ gây khó khăn rất lớn khi triển khai môn tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3 từ năm học 2022 - 2023.
Trước đó, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã có các văn bản yêu cầu địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần dành cho HS lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Trong đó nêu rõ các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới GV, trong đó chú trọng đến GV các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn tiếng Anh, tin học.
Còn theo ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT): Việc yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên tiểu học phải là cử nhân, tốt nghiệp ĐH sư phạm là quy định đã được luật hóa bởi luật Giáo dục 2019. Do vậy, Bộ hay các địa phương cũng không thể cho phép tuyển dụng giáo viên chưa đạt chuẩn vì như vậy là làm trái luật.
Đột phá tiêu chuẩn diện cử tuyển đại học
Sau 14 năm, quy định tuyển sinh chế độ cử tuyển với học sinh và sinh viên dân tộc thiểu số đã có những điều chỉnh đáng kể, với yêu cầu đầu vào cao hơn hẳn về học lực, hạnh kiểm.
Đây là nội dung quan trọng của Nghị định 141 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vừa ban hành, chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Nghị định mới có sự điều chỉnh quan trọng về đối tượng áp dụng chế độ cử tuyển so với trước đây - không còn áp dụng cho người Kinh. So với nghị định cũ, tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển cũng có khác biệt với yêu cầu cao hơn.
Theo đó, tiêu chuẩn chung là thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc cha hoặc mẹ), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; không quá 22 tuổi đến năm tuyển sinh và đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển theo yêu cầu.
Ngoài ra, ở từng bậc học đều có các tiêu chuẩn riêng cụ thể. Bậc ĐH yêu cầu tốt nghiệp THPT; xếp loại hạnh kiểm loại tốt các năm bậc THPT; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên. Học sinh này phải có thời gian học đủ 3 năm và tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Người cử tuyển vào bậc CĐ có yêu cầu hạnh kiểm tốt, học lực năm cuối cấp trung bình trở lên. Độ tuổi tối đa với người dự tuyển cũng được nới rộng hơn, không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh.
Người theo học chế độ cử tuyển được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành trong thời gian đào tạo. Học xong được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Như vậy, khi nghị định 141 được thực thi, việc tuyển sinh đầu vào chế độ cử tuyển sẽ có nhiều điểm mới quan trọng. Đáng chú ý trong đó là việc chỉ tuyển người có học lực khá năm cuối cấp vào bậc ĐH.