Tiếp tục xây dựng, trình Đề án giai đoạn 2021-2030
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và các bộ, ngành Trung ương liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
Đề án nhằm cụ thể hóa và triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai Nghị quyết 29; các nội dung mới liên quan trong Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo. Thực hiện tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, kỹ năng mềm, giá trị sống, tinh thần làm việc nhóm, công dân toàn cầu vào các môn học, hoạt động giáo dục.
Tăng cường cung cấp nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên internet, mạng xã hội. Khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời cán bộ, giáo viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã tích cực xây dựng các bài giảng, clip, tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa.
Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên, các bộ, ngành, địa phương gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy hiệu quả các hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài trường học. Trong đó có việc tổ chức hoạt động hè của học sinh phổ thông, hoạt động tình nguyện của học sinh, sinh viên.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trách nhiệm giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, thông qua kế hoạch, cam kết, cơ chế phối hợp. Xây dựng ứng dụng tăng cường hiệu quả kết nối giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục con em. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường.
Tổ chức quản lý chặt chẽ giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Đề xuất với Chính phủ đề nghị báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình giám sát chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi.
Về phía Bộ GD&ĐT, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ tích cực và tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp tăng cường giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mĩ cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường.
Trong việc dạy người, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt chỉ đạo chú ý phát triển nhân cách, tạo dựng những con người có chí hướng, hoài bão; từ đó hình thành lên một thế hệ trẻ giàu niềm tin, khát vọng và trách nhiệm với đất nước. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ quản lý, giáo viên, mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên học tập, noi theo.
Các trường sư phạm sẽ phải tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, gắn với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm.
3 vấn đề trọng tâm với địa phương
Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục tập trung 3 vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất: người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ hai: cần bảo đảm các nguồn lực thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; đặc biệt là điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên. Trong đó xem xét, bố trí nhân viên làm công tác nhân viên làm công tác tâm lý học đường phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết kế văn hóa có phục vụ nhu cầu tâp luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lỗi sống; kiến nghị Hội đồng nhân dân đưa nội dung giám sát về công tác giám sát giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi tại địa phương.
Thứ 3: cần tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt vai trò của chính quyền các cấp, của gia đình trong tham gia quản lý các hoạt động nhằm giáo dục học sinh, sinh viên sống có đạo đức, lý tưởng, có nhân cách, có năng lực sáng tạo và có giá trị cốt lõi, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau hội thảo, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành Trung ương, với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để hoàn thiện các nội dung trong báo cáo tài liệu trình bày ngày hôm nay để xuất bản kỷ yếu của Hội nghị, làm cơ sở cho các sở, các trường nghiên cứu, tham khảo.
Đây là tài liệu có chất liệu khoa học, thực tiễn quan trọng để Ban Soạn thảo Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” sẽ sử dụng để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án trong giai đoạn 2021-2030.
Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, 25/63 điểm cầu tổ chức tại Văn phòng UBDN các tỉnh/thành phố; có 16/63 Phó Chủ tịch UBND các tỉnh tham dự tại các điểm cầu. Chủ trì điểm cầu Bộ GD&ĐT là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.
Tại hội nghị được nghe 14 ý kiến tham luận, trao đổi từ đại diện các bộ ngành, địa phương, trường đại học… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy phát biểu chỉ đạo, định hướng về vấn đề này.