Nhiều trường thông báo nhu cầu bổ nhiệm GS, PGS
Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa thông báo tuyển và bổ nhiệm vị trí GS (8 người), PGS (23) năm 2021. Theo đó, trong 13 ngành, chuyên ngành thông báo có nhu cầu bổ nhiệm PGS, GS, lĩnh vực Khoa học trái đất/Khoa môi trường thiếu trầm trọng nhất - 5 GS và 9 PGS. Nhưng kết quả xét duyệt chức danh GS, PGS năm nay của Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho thấy, ngành Khoa học trái đất không có ứng viên nào đạt tiêu chuẩn giáo sư.
Năm 2020, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đã ra thông báo nhu cầu bổ nhiệm các chức danh GS, PGS thuộc các ngành. Theo đó, trong 13 ngành, chuyên ngành thông báo có nhu cầu bổ nhiệm GS là 4 người và PGS là 33 người. Trường ĐH Y Dược - Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã có thông báo nhu cầu bổ nhiệm 3 GS và 12 PGS trong năm 2020, cho 2 ngành, chuyên ngành dược học và y học.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội cho biết: Trường hiện có 19 GS và 112 PGS, tổng cộng 131 trên tổng số 309 giảng viên cơ hữu, chiếm tỷ lệ 42%, có thể nói là rất cao trong các trường đại học ở Việt Nam. Năm 2020 trường ĐH Khoa học tự nhiên có 13 cán bộ được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS (trên tổng số 19 cán bộ của ĐHQGHN đạt chuẩn PGS), nhưng đồng thời cũng có 9 GS và 17PGS nghỉ công tác trong 2 năm học 2019-2020.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, nhu cầu của trường rất cần tới các vị trí giáo sư, phó giáo sư vì trong những năm qua phần lớn các giáo sư, phó giáo sư của Trường đã lớn tuổi và nghỉ hưu. Mặc dù lực lượng cán bộ trẻ của Nhà trường có sự phát triển rất nhanh nhưng nhiều lĩnh vực bị hụt hẫng, đặc biệt là đối với số lượng GS như thông báo nhu cầu ở lĩnh vực Khoa học trái đất/Khoa học môi trường cho thấy.
Vì sao các trường đại học thiếu nhiều GS, PGS?
Lý giải vì sao lại "hụt hẫng" đội ngũ GS, PGS, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, đây là hệ quả của việc đào tạo, bổ sung đội ngũ không kịp thời và thiếu liên tục trong quãng thời gian 20-25 năm trước. Một phần do trong trong thập kỷ 90 Nhà trường không có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng cán bộ. Bên cạnh đó, nhiều người được cử đi học nước ngoài nhưng không trở lại Nhà trường do ở lại nước ngoài làm việc hoặc chuyển đi các đơn vị khác.
Một số bộ môn của Trường hiện nay không còn GS, PGS nào, các cán bộ đều là tiến sĩ trẻ nên cần thêm một vài năm mới đủ chuẩn. Trường thông báo nhu cầu tuyển và bổ nhiệm nhiều GS, PGS như vậy nhưng sẽ khó tuyển đủ được như mong muốn, bởi vì đây là tình trạng thiếu hụt chung ở nhiều trường đại học khác ở Việt Nam.
TS Lê Văn Nam, Trưởng khoa Cơ bản trường Cao đẳng Đường sắt chia sẻ, khác với lĩnh vực khoa học khác, lĩnh vực khoa học cơ bản hầu như là lý thuyết mới nên để tìm được một vấn đề mới trong khoa học cơ bản là rất khó. Chính sách chưa tách bạch giữa nghiên cứu khoa học và làm quản lý bởi những người làm quản lý đúng nghĩa thì không thể đầu tư thời gian nghiên cứu khoa học.
Năm 2019, Việt Nam có 73.312 giảng viên đại học, trong đó 21.106 giảng viên có bằng tiến sĩ (28,8%) và hơn 44.705 có bằng thạc sĩ (60,9%), tổng cộng chiếm 89,7% tổng số giảng viên. Năm 2005, chỉ có 12% giảng viên có bằng tiến sĩ và 32% giảng viên có bằng thạc sĩ. Dù có tiến bộ, nhưng tỉ lệ 28,8% giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn thuộc mức thấp. Tỷ lệ giảng viên là phó giáo sư, giáo sư còn thấp hơn.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đết hết năm 2019, các trường đại học, học viện có 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư. Đối với các trường cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non có 1.891 giảng viên cơ hữu giảng dạy chuyên ngành giáo dục mầm non với 2 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 1.363 thạc sĩ. Điều đó cho thấy các trường đại học, nhất là các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, đang thiếu trầm trọng giáo sư, phó giáo sư.