Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường: Trách nhiệm của cả cộng đồng

Thứ ba - 09/04/2019 04:29 552 0

Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường: Trách nhiệm của cả cộng đồng

GD&TĐ - Giảm thiểu hành vi bạo lực học đường nói riêng, bạo lực trong xã hội nói chung không chỉ là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường mà là của cả cộng đồng xã hội, những người xung quanh có tương tác trực tiếp hay gián tiếp với trẻ, đặc biệt là gia đình. Đó là quan điểm của nhóm nghiên cứu đề tài “Mô hình gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên” do Trường ĐHSP Hà Nội thực hiện.

Cùng đồng hành, giám sát và kiểm soát

Nhìn từ lý thuyết kiểm soát xã hội, nhóm nghiên cứu lý giải hành vi bạo lực học đường là do HS thiếu vắng kiểm soát bên trong (tính tự kiểm soát của bản thân) và bên ngoài (gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội); đồng thời, thiếu các kết nối hiệu quả với người xung quanh.

Từ lý giải trên, nhóm nghiên cứu đưa các biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi bạo lực trong học đường. Trong đó nhấn mạnh, trong GD gia đình và GD nhà trường chú ý giáo dục khả năng tự kiểm soát, ý chí và tính mục đích trong hành động của HS nhằm tăng tính kiểm soát của cá nhân. Cha mẹ cần luôn đồng hành, quan tâm và đưa ra các phương pháp kiểm soát thích hợp với con ở các lứa tuổi khác nhau.

Ở nhà trường, giáo viên không chỉ chú ý đến quá trình, kết quả học tập mà còn tăng cường quan sát, kiểm soát hành vi, thái độ của HS và hỗ trợ, hướng dẫn HS tự kiểm soát bản thân. Bên cạnh là một người dạy học, giáo viên cần là một nhà giáo dục, một “chuyên gia tư vấn” cho HS.

Gia đình, nhà trường quan tâm hỗ trợ để HS xây dựng những kết nối xã hội, mối quan hệ xã hội tích cực (sự quan tâm, gần gũi của giáo viên, cha mẹ, bạn bè…). Tăng cường không gian, thời gian cho HS tham gia hoạt động giải trí lành mạnh, các hoạt động xã hội tích cực, giảm thời gian HS giải trí “chớp nhoáng” bằng game, tivi, mạng xã hội… nơi tràn lan những thông tin bạo lực, tiêu cực, thiếu kiểm soát…

Gia đình, nhà trường, cộng đồng xung quanh cũng cần xây dựng những quy tắc, chuẩn mực ứng xử rõ ràng, hướng dẫn HS tuân theo; xây dựng quy tắc thưởng phạt rõ ràng cả ở gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Xây dựng niềm tin xã hội thông qua việc xây dựng và nhất quán tuân theo những giá trị và chuẩn mực; điều này đòi hỏi phải cả xã hội, cộng đồng mà trước hết là người lớn xung quanh trẻ... Như vậy, các lực lượng xã hội cùng đồng hành, giám sát và kiểm soát BLHĐ bằng các hành động thực tiễn, bên cạnh thông qua các kênh truyền thông…

Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường: Trách nhiệm của cả cộng đồng - Ảnh minh hoạ 2
  • Cần xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Ảnh: Quý Trung

Cần làm gương

Phân tích nguyên nhân bạo lực học đường theo lý thuyết học tập xã hội, nhóm nghiên cứu cho rằng: BLHĐ không chỉ do sự thiếu vắng kiểm soát bên trong và bên ngoài mà còn liên quan đến các yếu tố khác như sự bắt chước hoặc có tần suất tiếp xúc với bạo lực cao.

Trong một nghiên cứu của Singer và cộng sự (2011) cho thấy: Tình trạng GD của HS, đặc điểm về gia đình, thói quen xem ti vi, sử dụng máy tính và việc tiếp xúc với bạo lực trong quá khứ sẽ dự báo được hành vi bạo lực của HS trong tương lai. Bạo lực gia đình đối với trẻ em sẽ để lại những hệ quả tiêu cực trong việc phát triển và hoàn thiện tư cách của trẻ; vì bạo lực sẽ có xu hướng chuyển giao hành vi này cho thế hệ sau…

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, các hình mẫu từ truyền thông có ảnh hưởng vô thức nhưng mạnh mẽ đến trẻ do tính hấp dẫn của kênh thông tin này. Do đó, việc quản lý truyền thông từ vĩ mô (Nhà nước) đến vi mô (mỗi gia đình, nhà trường) là rất cần thiết. Cùng với đó, nhà trường, gia đình hay cộng đồng đều có trách nhiệm phát hiện ra những nguy cơ có hành vi lệch chuẩn/bạo lực ở HS để kịp thời có biện pháp ngăn chặn trước khi để xảy ra hậu quả.

Từ nguyên nhân này, giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra nhấn mạnh: GD hành vi cho HS cần xuất phát từ hành vi của người lớn. Do đó, cần bảo đảm được sự gương mẫu trong hành vi của mỗi người lớn xung quanh trẻ (từ nhà trường, gia đình hay cộng đồng). Đặc biệt trong gia đình, hành vi của cha mẹ là hình mẫu để con noi theo từ khi còn rất nhỏ đến lúc trưởng thành. Nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh cần quan tâm đến nhóm bạn mà trẻ thường xuyên tương tác và hướng dẫn trẻ cách chọn bạn, cách ứng xử với các tình huống trong xây dựng tình bạn. Cần có sự thống nhất mục tiêu, cách thức GD hành vi, chuẩn mực đạo đức cho HS của các lực lượng nhà trường - gia đình - xã hội để HS thấy được sự nhất quán từ lý thuyết đến thực tiễn.

Tham vấn tâm lý học đường

Từ lý thuyết phát triển tâm lý, theo nhóm nghiên cứu, sự mất cân bằng trong nội tại phát triển của trẻ em đang diễn ra. Trong đó, sự phát triển nhanh của yếu tố sinh học dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Ngược lại với yếu tố sinh học của trẻ có xu hướng ngày càng sớm hơn, các yếu tố tâm lý và xã hội lại có xu hướng chậm hơn trẻ thời kỳ trước.

Điều này, tác động trực tiếp đến sự trưởng thành về mặt tâm lý của trẻ; từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Không khó để thấy trẻ em ngày nay khó khăn hơn trong việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với cha mẹ, người lớn và có vấn đề trong thiết lập mối quan hệ với bạn bè. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải tỏa áp lực, cảm xúc thông qua hành vi bạo lực.

Đưa ra giải pháp, nhóm nghiên cứu dẫn tâm lý học khẳng định: Hoạt động và giao tiếp là con đường để hình thành và phát triển tâm lý và xã hội. Do đó, để tăng cường sự phát triển tâm lý và xã hội cho trẻ, cần chú ý tạo ra và tích cực đưa trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn có ý nghĩa, giao tiếp xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, HS thể hiện được nhận thức, năng lực, kỹ năng của bản thân ra bên ngoài; tăng cường kỹ năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ xã hội, tự tin, tự chủ và kiểm soát tốt hơn.

Nhà trường, gia đình, cộng đồng có trách nhiệm lớn trong việc tạo lập môi trường và hướng dẫn, thúc đẩy trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động. Mặt khác, người lớn cũng cần hỗ trợ trẻ trong việc tạo lập “mạng lưới” bạn bè thân thiết cho trẻ để trẻ cảm thấy được an toàn, yêu thương và có giá trị.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò quan trọng của tham vấn tâm lý học đường và cho rằng, những chuyên gia tư vấn tâm lý trong trường học là những người có khả năng hỗ trợ trẻ em nói chung và học sinh nói riêng trong việc rút ngắn khoảng cách giữa phát triển sinh lý, tâm lý, xã hội. Thông qua tham vấn, tư vấn, trẻ có khả năng nhận diện được bản thân và các cảm xúc của mình rõ hơn; có khả năng đưa ra quyết định đúng đắn cho những tình huống khó khăn; vượt qua các áp lực tâm lý dễ dàng hơn; thiết lập và vận hành tốt các mối quan hệ xã hội…

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1346 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1042 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập137
  • Hôm nay4,810
  • Tháng hiện tại14,300
  • Tổng lượt truy cập49,720,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944