Từ đó, Santos phải làm lụng vất vả trên cánh đồng ca cao thay vì được đến trường.
“Dì đưa tôi một cái cuốc, một con dao rựa và bảo tôi phải làm việc nếu muốn có ăn. Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng, không có bữa sáng và làm việc trên cánh đồng đến tận cuối ngày. Mỗi thứ Sáu, chúng tôi thu hoạch chuối để thứ Bảy đem đi bán”, Santos kể.
Nếu không nghe lời người dì, Santos sẽ bị đánh. Sau sinh nhật 18 tuổi, Santos bỏ trốn khỏi cánh đồng ca cao và đi học nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Ông phải kiếm sống trong khi trường học không dạy vào buổi tối.
Kể từ đó, Santos bươn chải với nhiều công việc khác nhau. Là một người mù chữ, ông gặp khó khăn trong công việc.
“Có lần người ta hỏi tôi muốn làm quản đốc không nhưng tôi từ chối vì tôi chưa từng đi học. Tôi sợ họ sẽ hỏi về việc học của tôi. Đôi khi tôi bị phân biệt đối xử vì không biết đọc hoặc viết”, Santos kể.
Giờ đây, ở tuổi 56, Santos được trao cơ hội mà ông đã chờ đợi từ lâu. Đó là một khóa học xóa mù chữ miễn phí vào buổi chiều tại Đai học bang Rio de Janeiro, nơi Santos làm dọn dẹp. Tại lớp học, Santos cùng nhiều người lớn tuổi mù chữ khác học về bảng chữ cái, đọc chính tả, tập viết... Họ còn được dạy một số kỹ năng mềm cần thiết.
Danielly Soares, giáo viên đứng lớp, chia sẻ: “Họ ở đây vì không được tiếp cận giáo dục khi còn nhỏ. Sau tất cả khó khăn đã trải qua, họ vẫn khát khao con chữ và có mặt trong lớp học này nhờ ý chí ấy. Họ khiến tôi cảm thấy nghề dạy học ý nghĩa hơn”.
Brazil là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng bất bình đẳng xã hội cũng rất lớn. Trong hơn 200 triệu dân, gần 50% chưa hoàn thành hoặc chưa đi học. Hơn 10 triệu người Brazil mù chữ. Khoảng 90% số đó ở độ tuổi 40.
Khóa học xóa mù chữ là sáng kiến của Viện Khoa học Kỹ thuật Brazil. Trong những năm gần đây, chính phủ đã cắt giảm chi tiêu cho giáo dục người lớn nên nhiều tổ chức đã phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Bên cạnh khóa học xóa mù chữ là chương trình học cho những người bỏ học, học lấy chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông...
Denise Cunha, điều phối viên chương trình, cho bết các dự án đóng góp một phần nhỏ cho giáo dục thường xuyên. “Nếu quyền của tất cả người dân được tôn trọng và bảo vệ, đất nước đó sẽ phát triển cả về kinh tế lẫn xã hội”, ông Cunha nói.
Santos vẫn còn một chặng đường dài trước khi thành thạo đọc và viết nhưng ông vẫn đang cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày. Dự án xóa mù chữ và những chương trình tương tự đã và đang góp phần giảm tỷ lệ người không biết đọc, biết viết ở Brazil.
Giống như Santos, nhiều người phải đi làm từ rất sớm và không được phép đến trường. Dù làm việc chăm chỉ, họ cũng không được nhận những công việc lương cao, ổn định do không có bằng cấp. Hầu hết nhận mức lương tối thiểu 250 euro mỗi tháng. Xóa mù chữ giúp họ nâng cao trải nghiệm sống, trong đó có tăng cơ hội việc làm.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh
Ý kiến bạn đọc