Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Hết hỗ trợ, trò ngại đến lớp

Thứ hai - 29/11/2021 04:35 785 0
GD&TĐ - Nhiều năm nay, cơ sở trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cũng như duy trì sĩ số học sinh ở sâu, vùng xa phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Hết hỗ trợ, trò ngại đến lớp

Tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội dần phát triển, nhiều địa phương đạt nông thôn mới (NTM), bên cạnh những giá trị tích cực lại nảy sinh bất cập cho giáo dục, nhất là nguy cơ xóa số trường bán trú do không đảm bảo sĩ số.

Xã, bản thoát nghèo - trò lỡ nhịp đến trường

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Mường Mô (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) có 92 học sinh thuộc 3 bản Tổng Pịt, Hắc Mé và Nậm Khao không được hỗ trợ bán trú. “Gia đình tôi có 3 cháu trong độ tuổi đi học. Trước đây, được hưởng chính sách khi học tập, gia đình tôi cũng đỡ vất vả. Bây giờ chế độ không còn nữa, kinh tế gia đình khó khăn, không biết làm sao để lo cho các con đi học đầy đủ”, anh Lò Văn Thanh, bản Tổng Pịt lo lắng.

Theo thầy Kiều Huy Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, xã Mường Mô được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2017. Nhưng thực tế đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, khi học sinh mất nhiều chính sách hỗ trợ, điều này rất khó cho nhà trường trong việc duy trì sĩ số. Theo thống kê của ngành Giáo dục Lai Châu, toàn tỉnh có trên 11 nghìn học sinh của 107 trường không còn được hưởng các chế độ trợ cấp theo Nghị định 116, khi nơi các em sinh sống được đưa ra khỏi khu vực III đặc biệt khó khăn.

Tương tự, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An có hơn 300 học sinh bị tác động về các chính sách hỗ trợ sau khi địa phương ra khỏi khu vực III – xã đặc biệt khó khăn. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua thống kê, số tiền bị cắt theo chế độ của 3 trường học trên địa bàn xã là hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu là để tổ chức bán trú. Số tiền này nếu vận động trong dân thì khó khả thi.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An buộc phải hủy kết quả hơn 100 học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Lý do xã nơi các em sinh sống thoát đặc biệt khó khăn. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: “Việc địa phương ra khỏi khu vực III khiến học sinh không còn thuộc diện tuyển sinh vào trường DTNT tỉnh nữa. Điều này là thiệt thòi cho các em sau thời gian dài phấn đấu, cũng là bất lợi cho nhà trường khi mất nguồn học sinh có chất lượng”.

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Hết hỗ trợ, trò ngại đến lớp - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh bản Hợp Thành tự túc nấu ăn sau khi bị mất chế độ 116.

Bán trú 1 trường, 2 kiểu bếp

Năm học 2021 - 2022 đã được gần nửa chặng đường nhưng giáo viên Trường PT DTBT THCS Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn kiên trì đến từng nhà, lên tận bản vận động học sinh trở lại trường. Đến thời điểm này, nhà trường còn 14 em bỏ học. Trong đó, chiếm số lượng lớn ở bản Hợp Thành – nơi có 100% bà con người Mông sinh sống, cách xa trường khoảng 7km.

Xá Lượng là một trong 5 xã, thị trấn vừa thoát khỏi danh sách đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Theo thầy Nguyễn Ngọc Tân – Hiệu trưởng nhà trường, từ năm 2013, Trường THCS Xá Lượng chính thức chuyển thành trường phổ thông dân tộc bán trú, với gần 200 học sinh hưởng chế độ 116. Học sinh bán trú chủ yếu ở bản Na Bè và Hợp Thành. Nhưng giờ đây toàn xã đã thoát nghèo, chỉ còn bản Na Bè đặc biệt khó khăn nên chỉ có học sinh tại đây được hưởng chế độ bán trú, còn những em ở Hợp Thành lại bị cắt.

Trước thực tế này, Trường PT DTBT THCS Xá Lượng quyết định ưu tiên 5 phòng bán trú của trường cho các em Hợp Thành ở miễn phí. Không để học sinh phải tự thuê trọ bên ngoài. Đồng thời cải tạo lại điểm lẻ của trường tiểu học gần đó đã không sử dụng nữa thành khu bán trú mới cho học sinh Na Bè. Việc tách chỗ ở cho học sinh bán trú, theo thầy Nguyễn Ngọc Tân vì lý do tế nhị: “Nếu các em vẫn ở cùng một nơi, cùng đi học, nhưng một bên có chế độ, được nấu ăn tập trung đầy đủ, một bên tự túc thì đối lập và thương các em quá”.

Đến nay, học sinh bản Hợp Thành bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập. Hai anh em Vừ Bá Phó (lớp 9), Vừ Bá Mạy (lớp 7) mỗi tháng được bố mẹ cho 150 nghìn đồng để mua thức ăn, gạo thì các em mang từ nhà. “Chúng em có gì ăn nấy nhưng chủ yếu là cá khô và trứng luộc. Hôm nào hết tiền thì ăn mì tôm. Có bữa thầy cô cho thêm thức ăn”, em Phó nói.

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Hết hỗ trợ, trò ngại đến lớp - Ảnh minh hoạ 3
 Lớp ghép 1+2 ở điểm bản Tát Hẹ, Trường Tiểu học Ẳng Nưa.

Bữa ăn đứt gãy, trường mở lại điểm lẻ

Xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,91%. Riêng bản Tát Hẹ vừa thoát nghèo nhưng trên thực tế còn đầy khó khăn. Cách trung tâm huyện khoảng 6km, bản này lại cách xã Ẳng Nưa đến 13km. Từ trước đến nay, chỉ có học sinh lớp 1 - 2 học ghép tại bản, còn các em lớp 3 - 4 - 5 theo học tại xã lân cận cho gần. Khi bước sang cấp THCS, các em mới quay về Ẳng Nưa học bán trú. Thầy Trương Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ẳng Nưa cho hay: “Năm học này, do xã đạt nông thôn mới, học sinh Tát Hẹ không còn thụ hưởng chế độ theo Nghị định 116. Nhà trường cũng không có cơ sở để tổ chức bán trú cho các em nữa”.

Cũng do xóa bán trú, nên Tát Hẹ có 16 học sinh bậc THCS đã xin chuyển trường sang xã khác. Trong đó, có 8 em theo học tại Trường THCS Ẳng Tở và 8 em học tại xã Ẳng Cang. Theo ông Mai Trọng Thuyết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng, trong 16 học sinh Tát Hẹ, có 9 em thuộc diện hộ nghèo. Các em có nguyện vọng chuyển sang Trường THCS Ẳng Tở, THCS Ẳng Cang - 2 trường có tổ chức bán trú để thuận tiện hơn trong học tập.

Bước vào năm học mới, 144 học sinh Trường  PTDTBT Tiểu học Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) đồng loạt không đến lớp sau khi bị cắt chế độ trợ cấp. Tình thế này buộc nhà trường phải mở lớp ghép ở điểm bản để dạy học. Nhưng việc mở lại điểm lẻ lại không đáp ứng đủ giáo viên. Vì vậy, nhà trường tiếp tục vận động học sinh lớp 5 ra trung tâm học, để đảm bảo chất lượng.

Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cũng mở lại các điểm trường lẻ. Thầy Trần Thông, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Năm học 2021 - 2022 xã đạt chuẩn nông thôn mới nên tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Trong 255 học sinh chỉ còn 11 em thuộc hộ nghèo. Mất chế độ, nhiều phụ huynh “ngại” cho con ra lớp. Vì vậy, nhà trường đã bố trí cho học sinh về học tại các điểm trường thôn. Nhà xa nên nhiều học sinh vẫn phải mang cơm theo để ăn buổi trưa. Nhưng bữa cơm trưa của các em cũng chỉ toàn rau, một số em ăn cơm với đường, nhộng đất…

Đều đặn một tuần 3 buổi, cô Lê Thị Lệ Quy, giáo viên môn Tiếng Anh vượt hơn 8 km từ trường chính vào điểm trường Kon Du (thôn Kon Du) dạy học. Con đường đi lại đã hư hỏng, xuống cấp. Những ngày mưa, sương mù phủ trắng xoá, không ít lần giáo viên té ngã. “Dù khó khăn nhưng giáo viên luôn cố gắng vì học trò. Bởi học sinh đa số bị cắt hết chế độ, nếu giáo viên không vào các điểm trường thôn để dạy học thì sĩ số sẽ khó được duy trì. Chúng tôi mong sẽ có những chính sách đặc thù để hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số”, cô Quy tâm sự.

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Hết hỗ trợ, trò ngại đến lớp - Ảnh minh hoạ 4
Điểm trường thôn Kon Du - nơi học tập của 72 học sinh của Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thầy, trò thêm vất vả

Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, học sinh thuộc các xã hoặc các thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ bằng 40% mức lương cơ sở và 15kg gạo/học sinh/tháng. Với học sinh phải tự túc chỗ ở (nếu nhà trường không thể bố trí bán trú), mỗi tháng được hỗ trợ thêm bằng 10% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Đây cũng là cơ sở để ngành Giáo dục các tỉnh thành lập các trường tiểu học hoặc THCS theo mô hình bán trú. Số tiền hỗ trợ sẽ được dùng để tổ chức ăn ở cho học sinh tại trường.

Từ năm học này, thực hiện theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều thôn, bản, xã trên thoát đặc biệt khó khăn. Điều này, bên cạnh những ý nghĩa tích cực lại kéo theo những vấn đề nảy sinh. Đặc biệt là việc duy trì sĩ số tại các trường dân tộc nội trú hoặc dân tộc bán trú.

Thực tế trường “mất” học sinh đã diễn ra ở nhiều vùng cao, miền núi của cả nước, khiến thầy cô vất vả nghĩ cách đưa trò trở lại… Thầy Đinh Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Tuần học đầu tiên, trường có 100 em thuộc diện bán trú bỏ học về bản. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận nhà học sinh để tuyên truyền. Rất may sau thời gian tích cực vận động, nhiều học sinh đã quay trở lại trường. Phụ huynh đồng ý đóng góp tiền ăn cho con em.

Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An), năm học 2021 - 2022 cũng “tắt bếp” bán trú gần 2 tháng. Nhưng từ tháng 11, nhà trường đã đỏ lửa trở lại với tên gọi mới là “bữa ăn tình thương”. Toàn bộ chi phí để triển khai chương trình này là nỗ lực của nhà trường nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay để hỗ trợ học sinh nhà xa đến lớp.

Tuy nhiên, vì kinh phí hạn hẹp nên bước đầu nhà trường chỉ cố gắng nấu cho học sinh 1 bữa/tuần. Còn lại, các em vẫn phải tự lập, kể cả nhiều em ở độ tuổi tiểu học. Thầy Trần Quốc Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Trước đây nhờ có chế độ bán trú nên phụ huynh ở xa yên tâm cho con em đi học, học sinh đi học chuyên cần.

Việc cắt trợ cấp khiến trường vô cùng khó khăn khi có học sinh cấp 1, cấp 2, nhất là trong công tác duy trì sĩ số, ổn định dạy học chương trình mới. Trước đó, để phụ huynh, học sinh đỡ “sốc”, nhà trường đã thông tin toàn bộ những thay đổi trong năm học này. Nhờ vậy, vào năm học mới, những em nhà xa đã đến trường tương đối đầy đủ, nhưng vẫn có 4 em bỏ học.

Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho rằng: Lâu nay, người dân quen được hưởng chế độ hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, sau khi bị mất chế độ, một số gia đình chưa hiểu nên phản ứng lại. “Tôi cho rằng, nếu được thì cắt giảm chế độ dần dần để bà con làm quen. Ví dụ năm nay giảm 50%, vài năm nữa giảm tiếp 50%. Bên cạnh đó, nếu như tỉnh ban hành một nghị quyết đặc thù, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ học sinh sẽ dễ thở hơn với thầy và trò”, ông Mậu đề xuất.

Thương học sinh quá vất vả, nhà trường đã họp phụ huynh, vận động đóng tiền để tổ chức bán trú nhưng chưa thành. Vì với số tiền 600 - 700 nghìn/tháng là quá lớn với bà con dân tộc, chưa kể một gia đình có 2 - 3 con cùng đi học. Lãnh đạo nhà trường còn nêu ra thiệt thòi khác cho học sinh là bảo hiểm y tế. Không còn được miễn phí, nên dù tích cực vận động, năm học này toàn trường chỉ có 146/349 học sinh có bảo hiểm y tế. Trong đó, 114 học sinh được hỗ trợ, chỉ 32 em tự nguyện mua. - Thầy Nguyễn Ngọc Tân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập808
  • Hôm nay49,987
  • Tháng hiện tại328,117
  • Tổng lượt truy cập51,684,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944