Nóng trong tuần: Áp lực biên chế giáo viên; công bố giá sách giáo khoa mới

Thứ hai - 18/04/2022 05:36 238 0
GD&TĐ - Vấn đề biên chế giáo viên; công bố giá SGK mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị xem việc cha mẹ ép con học quá nhiều là hành vi bạo lực gia đình… là những thông tin giáo dục thu hút sự quan tâm.
Nóng trong tuần: Áp lực biên chế giáo viên; công bố giá sách giáo khoa mới

Cần bổ sung gần 30 nghìn biên chế giáo viên

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một trong trong những ngành chịu áp lực nhất về biên chế hiện nay là giáo dục. Bởi vậy, năm 2022 cần bổ sung 27.850 biên chế giáo viên. Nếu không giải quyết được, đây sẽ là một vấn đề bức xúc của xã hội.

Thống kê cho thấy, số lượng giáo viên thiếu trên cả nước hiện nay là 94.714 giáo viên, giáo viên thừa là hơn 10.178 giáo viên, giáo viên đã giao nhưng chưa tuyển dụng là 42.774. Căn cứ định mức giáo viên học sinh trên lớp, hiện ngành Giáo dục còn thiếu 65.980 giáo viên. Từ đó, có thể thấy, một nghịch lý đang tồn tại hiện nay là giáo viên vừa thiếu, vừa thừa, kể cả phần chưa tuyển dụng.

Trên cơ sở số lượng học sinh trên lớp và số lượng giáo viên trên lớp, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, các địa phương phải đảm bảo dồn toàn bộ số điểm trường lại, để đảm bảo được quy mô học sinh trên lớp và đảm bảo được định mức giáo viên trên lớp. Do vậy, năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị phải bổ sung ngay 27.850 biên chế giáo viên.

Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện toàn bộ thể chế liên quan đến tự chủ và xã hội hóa: “Hiện nay tự chủ hoàn toàn chúng ta đảm bảo được khoảng 6%. Chúng ta tự chủ được khoảng 1 phần thì được 25,19%. Nếu như vậy, khi  đẩy tiếp được khoảng 20% của tự chủ thì rút được giảm số người hưởng lương hay nói cách khác là giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Ở đây không phải là giảm biên chế mà chúng ta giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho nên vẫn đảm bảo mục tiêu đề ra” – bà Trà cho hay.

Sắp tới, Ban tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ thống kê lại số lượng giáo viên để từ đó Bộ Chính trị quyết định về việc quản lý biên chế trong lĩnh vực này.

Nóng trong tuần: Áp lực biên chế giáo viên; công bố giá sách giáo khoa mới - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh minh hoạ/INT.

Công bố giá SGK mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10

Trong tuần qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố bảng giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đây là những bộ sách giáo khoa mới, sẽ bắt đầu sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2022-2023.

Đối với sách lớp 3, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 12 cuốn có giá 183.000 đồng. Bộ sách "Chân trời sáng tạo" gồm 13 cuốn có giá 190.000 đồng.

Đối với sách lớp 7, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 13 cuốn với giá 208.000 đồng; bộ sách "Chân trời sáng tạo" gồm 15 cuốn với giá 235.000 đồng.

Đối với sách lớp 10, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" có giá 436.000 đồng và bộ sách "Chân trời sáng tạo" có giá 480.000 đồng. Bộ sách giáo khoa lớp 10 gồm nhiều môn học và các chuyên đề học tập đi kèm.

Cũng theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo Dục, tính đến ngày 12-4 đã có 8 tỉnh, thành phố công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 gồm: Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Sơn La, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Tháp và Cần Thơ. 

Sau khi các tỉnh, thành phố kết thúc việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, các nhà xuất bản có sách giáo khoa được sử dụng sẽ tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cho giáo viên; đồng thời in ấn, cung cấp đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa tới các địa phương trước năm học mới.

Nóng trong tuần: Áp lực biên chế giáo viên; công bố giá sách giáo khoa mới - Ảnh minh hoạ 3
Ảnh minh hoạ/INT.

Cần luật hoá hành vi bạo lực gia đình

Nêu ý kiến tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị những hành vi bạo lực gia đình có liên quan đến việc dạy và học tập của trẻ em cần được làm rõ trong dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng: “Thời gian gần đây có những chuyện rất đau lòng. Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc yêu cầu các cháu phải học đến 3 - 4 giờ sáng, cũng như việc mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, rồi phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn để cha mẹ cảm thấy hãnh diện… dẫn đến áp lực quá khả năng chịu đựng và đáp ứng, vượt quá năng lực của trẻ em”.

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình sửa luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL góp ý và được tiếp thu, tuy nhiên ông vẫn mong muốn cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này.

"Trong dự thảo, ban soạn thảo cũng quy định "không được tạo áp lực quá lớn trong vấn đề lao động và học tập", tuy nhiên chúng tôi đề nghị làm rõ hơn một chút", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tại điều 4 dự thảo luật (về những hành vi bạo lực gia đình - phóng viên) quy định hành vi bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ hay người già, trẻ em, song còn hành vi khác cũng nên cân nhắc đưa thành một nội dung được xem là bạo lực gia đình, đó là cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, trách nhiệm phối hợp với nhà trường thì cũng nên xem nó là một hành vi bạo lực gia đình.

Tác giả bài viết: Kim Thoa (t/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập562
  • Hôm nay75,680
  • Tháng hiện tại353,810
  • Tổng lượt truy cập51,709,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944