Rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp
Cô Phạm Thị Tươi, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông (PTDTNT-THPT) Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Các huyện vùng cao nghèo như Mường Nhé, kết quả thi THPT thường không có quá nhiều điểm tối đa, song đó là nỗ lực không nhỏ của những giáo viên. Nói vậy bởi học sinh ở đây là con em dân tộc thiểu số, nhận thức và điều kiện học tập không thể so sánh với các vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
Cô Tươi chia sẻ: Vật lý là một trong 3 môn thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên để xét điểm tốt nghiệp và là một trong các môn để xét tuyển của nhiều ngành, nghề của các trường Đại học, Cao đẳng. Chính vì vậy, đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý có tính phân hóa cao. Hàng năm Bộ GD&ĐT đều ra đề thi minh họa để các giáo viên tham khảo, định hướng cho học sinh ôn tập. Căn cứ vào đề thi minh họa, cô Tươi nhận thấy: Về cấu trúc đề thi gồm 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, đảm bảo đủ 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Trong đó, nội dung tập trung chủ yếu ở lớp 12 gồm 36 câu chiếm 90%, còn lại lớp 11 có 4 câu chiếm 10%.
“Nội dung kiến thức lớp 12 gồm 7 chương: Dao động cơ; Sóng cơ và sóng âm; Dòng điện xoay chiều; Dao động và sóng điện từ; Sóng ánh sáng; Lượng tử ánh sáng; Hạt nhân nguyên tử. Dao động cơ là chương đầu tiên của chương trình lớp 12, học sinh cần nắm chắc kiến thức và phương pháp làm bài của chương này. Vì có nhiều lý thuyết, công thức của chương 1 vẫn sử dụng cho các chương sau. Chẳng hạn như kiến thức về phương trình dao động điều hòa, chu kì, tần số,… của chương 1 vẫn sử dụng rất nhiều trong các chương Sóng cơ và Sóng âm; Dòng điện xoay chiều; Dao động và sóng điện từ”, cô Tươi nói thêm.
Cô Tươi phân tích: Chương 1, 2, 3 của chương trình lớp 12 chiếm nhiều số câu trong đề thi, đặc biệt các câu vận dụng cao của đề thi thường ra vào 3 chương này. Các câu vận dụng cao thườngliên quan đến kĩ năng thực hành, các câu hỏi khai thác đồ thị dao động cơ và dòng điện xoay chiều, câu hỏi tổng hợp kiến thức. Để có thể giải các bài tập vận dụng cao, học sinh nên làm dạng bài tự luận rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức, kết hợp linh hoạt giữa các công thức nhằm giải quyết bài toán.
Các chương Dao động và sóng điện từ, sóng ánh sáng, lượng tử ánh sáng, Hạt nhân nguyên tử có câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, học sinh cần nắm chắc lý thuyết cơ bản, các công thức để áp dụng.
Đối với môn Vật lý để đạt hiệu quả, trong quá trình ôn tập các em cần hệ thống lý thuyết cơ bản, trọng tâm theo từng chương, có thể sử dụng phương pháp bản đồ tư duy để hệ thống kiến thức.
Ví von để nhớ lâu
Môn Vật lý có đặc thù nhiều công thức cần ghi nhớ. Bởi vậy, theo cô Tươi, học sinh nên nhớ các công thức gốc, quan trọng để suy ra các công thức khác. Không nên nhớ máy móc tất cả công thức.
“Chẳng hạn ở chương 1, công thức gốc liên hệ giữa chu kì và tần số: đối với con lắc đơn công thức tần số góc là suy ra công thức chu kì của con lắc đơn. Với con lắc lò xo, công thức tần số góc là suy ra công thức chu kì của con lắc lò xo. Đó là những công thức căn bản mà các em cần phải nhớ”, cô Tươi liên hệ.
“Ngoài ra, tôi thường hướng dẫn học sinh sử dụng mẹo để nhớ công thức nhanh và lâu hơn; Rồi chuyển các công thức thành câu từ dễ nhớ, ghi lại công thức và dán vào những chỗ thường thấy nhất để có thể học dễ dàng,…Ví dụ với công thức, học sinh có thể ví von bằng cụm từ “Tựa mây khói”. Có như vậy, các em sẽ nhớ được công thức một cách đơn giản và lại hiệu quả khi làm bài”, cô Phạm Thị Tươi chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của cô Tươi, mỗi bài tập có nhiều phương pháp giải khác nhau. Bởi thế, học sinh nên lựa chọn phương pháp giải nhanh nhất. Một trong phương pháp đó là sử dụng máy tính cầm tay. Phương pháp này hữu ích trong việc giải các bài tập trắc nghiệm, giúp học sinh tiết kiệm nhiều thời gian mà có kết quả chính xác. Phương pháp sử dụng máy tính cầm tay có thể giải bài tập viết phương trình dao động điều hòa, tổng hợp dao động, bài toán điện xoay chiều,…
Qua phân tích các dạng đề thi minh họa những năm gần đây, cô Tươi nhận thấy: Ngoài kiến thức lớp 12 trong đề thi còn có 4 câu nội dung kiến thức lớp 11, thường là các câu thông hiểu, vận dụng thấp, không khó để thí sinh lấy điểm. Thông thường do khối lượng kiến thức rộng, học sinh thường không tập trung vào lớp 11, hoặc có thì ôn tập vào giai đoạn cuối của quá trình ôn thi. Cô Tươi thường hướng dẫn học sinh của mình nên phân bổ thời gian hợp lý để có thể tự ôn tập kiến thức lớp 11 song song với việc ôn luyện kiến thức lớp 12.
“Một điều lưu ý để quá trình ôn tập hiệu quả, các em phải có phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Đối với mỗi nội dung kiến thức, cần nắm chắc nội dung lý thuyết, học tới đâu chắc tới đó, ôn luyện các dạng bài từ cơ bản đến nâng cao. Sau mỗi tiết ôn tập trên lớp, ngay trong ngày, các em cần phải tự giác ôn tập và hệ thống lại dạng bài tập trọng tâm, làm các dạng bài tương tự để khắc sâu kiến thức. Sau mỗi chủ đề, các em nên làm các bài kiểm tra để biết mình chưa nắm chắc dạng bài nào, tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả bài kiểm tra để rút kinh nghiệm cho những lần sau”, cô Tươi căn dặn.
Kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy của cô Tươi cho thấy: “Khâu vô cùng quan trọng trong ôn thi đó là các em cần luyện tập nhiều đề thi thử, đề thi minh họa, đề thi chính thức của năm trước nhằm rèn luyện kĩ năng làm bài, tâm lý trong phòng thi”.