Điều này đòi hỏi phải khơi thông nhận thức về phân luồng cũng như hiểu rõ quyền học tập, thi của học sinh tới toàn thể giáo viên.
Những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin về việc ngành GD các địa phương vào cuộc xác minh thông tin học sinh học lực yếu được “động viên” viết đơn không thi vào lớp 10 công lập.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn (TPHCM), Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (xã Xuân Thới Thượng) có chủ trương gửi mẫu đơn không thi lớp 10 cho phụ huynh là không đúng quy định. Vì vậy, UBND huyện đã yêu cầu phòng GD&ĐT chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT, ban giám hiệu nhà trường liên hệ với phụ huynh để thông tin rõ quy định về đăng ký tuyển sinh.
Sau sự viện trên, UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo phòng GD&ĐT rà soát lại tất cả trường THCS trên địa bàn huyện có tổ chức hình thức cam kết tương tự như Trường Nguyễn Văn Bứa để có chỉ đạo chấn chỉnh và khắc phục ngay.
Trong thời gian nay, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) phản ánh, hơn 1 tuần qua, một số trò không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Những em nào đợt một tổng 3 môn 15 điểm; đợt 2 tổng 12 điểm/3 môn mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề.
Sau khi có thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Cụ thể, học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các phòng GD&ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm. Sở sẽ kiểm tra các cơ sở, nếu có sai phạm sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hình thức xử lý theo quy định.
Tương tự, Phòng GD&ĐT Hoài Đức (Hà Nội) cũng yêu cầu Trường THCS An Thượng kiểm tra lại thông tin và báo cáo cấp trên về phản ánh của phụ huynh với việc nhà trường yêu cầu học sinh viết đơn theo mẫu xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Lý do đưa ra là sức học của các em không tốt.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, năm nào đơn vị cũng có văn bản yêu cầu các trường THCS trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 theo tinh thần chỉ đạo của sở GD&ĐT. Nghiêm cấm việc nhà trường yêu cầu, vận động học sinh không được dự thi vào lớp 10 công lập.
Thầy Phạm Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: TG |
Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố số lượng thí sinh lớp 9 đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Tại Hà Nội, số thí sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập khoảng 23 nghìn em. Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn và có thay đổi đáng kể về cách thức thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng nhà trường yêu cầu một số học sinh học chưa tốt chủ động nộp đơn xin không thi vào lớp 10 công lập.
Nhìn nhận vấn đề này, cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con em mình học và thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập để tạo bước đệm tốt nhất trước khi học ở bậc cao hơn. Ở chiều ngược lại, trong một lớp, giáo viên là người gần gũi và hiểu rõ sở trường, điểm mạnh - yếu từng em. Từ đó, thầy cô có thể đưa ra tư vấn, định hướng phù hợp cho các em sau khi tốt nghiệp THCS.
Chia sẻ thực tế tại trường, cô Vân Hồng cho biết, ngay khi vào lớp 6 trường đã tổ chức cuộc họp giữa đại diện ban giám hiệu với phụ huynh học sinh để hai bên cùng hiểu nhau và thống nhất các nội dung về phương châm giáo dục, cách thức phối hợp giáo dục các em tốt nhất. Do đó, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh có nhiều điểm thuận lợi. Thầy cô chỉ phân tích, tuyệt đối không ép buộc, quyền quyết định thi hay không vào lớp 10 hoàn toàn do học sinh, phụ huynh lựa chọn.
“Những năm gần đây, số học sinh lớp 9 của trường đăng ký vào lớp 10 trường ngoài công lập, trường nghề chiếm khoảng 30%. Sau 3 năm, các em trở về trường đầy phấn khởi và bày tỏ lời cảm ơn tới sự định hướng đúng đắn của thầy cô. Nhiều em trong số đó vẫn nỗ lực học tốt và thi đỗ các trường ĐH, CĐ, có công việc ổn định. Vì thế, khi nhà trường và phụ huynh tìm được tiếng nói chung để định hướng cho học sinh vô cùng quan trọng”, cô Vân Hồng trao đổi.
Tương tự, cô Đỗ Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, mỗi học sinh có quyền được học tập, bất kể năng lực như thế nào. Việc cấm học sinh thi vào lớp 10 là tước đi cơ hội học tập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tương lai các em. Cần khơi thông nhận thức về phân luồng để xóa bỏ tư tưởng “học giỏi vào lớp 10, học yếu học nghề”.
Về giải pháp, thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho hay, ngành Giáo dục cần hoàn thiện chính sách phân luồng, có quy định rõ ràng việc vận động học sinh và xử lý nghiêm những vi phạm.
Nhà trường cần tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ về bản thân và lựa chọn hướng đi phù hợp. Giáo viên phải đánh giá học trò khách quan, tôn trọng quyền tự do lựa chọn và không ép buộc học sinh. Phụ huynh cần thay đổi quan niệm về giáo dục, tạo điều kiện cho con em học tập và phát triển theo năng lực bản thân.
Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 đóng vai trò quan trọng. Ảnh minh họa: TG |
Theo thầy Phạm Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam), giải pháp để khơi thông nhận thức về phân luồng học sinh sau THCS là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhà trường, giáo viên, cha mẹ, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, con người và phân luồng sau THCS.
Nâng cao nhận thức đúng cho xã hội, phụ huynh và học sinh rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Các em cần lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình. Xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở THCS. Triển khai chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
Các trường THCS tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn các môn học phù hợp với năng lực, nhu cầu và sở thích của học sinh, theo quy định của chương trình giáo dục phù hợp với nghề nghiệp lựa chọn trong tương lai. Nếu làm tốt điều đó sẽ gián tiếp thực hiện nhiệm vụ phân luồng ngay trong các hoạt động giáo dục, giúp học sinh THCS biết rõ khả năng, sở thích, nhu cầu bản thân để định hướng, tự lựa chọn luồng.
“Khi gia đình, học sinh nhận thức đúng về phân luồng, xác định được năng lực, sở trường sẽ tự nguyện lựa chọn luồng phù hợp, giáo viên không vất vả giải thích. Ngoài ra, thầy cô cần nhận thức đúng, công tác phân luồng vì lợi ích của học sinh, phù hợp năng lực các em chứ không vì thành tích nhà trường; tuyệt đối tránh trực tiếp vận động học sinh viết đơn không thi vào lớp 10”, thầy Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Học tập là quyền của mọi người. Nếu học sinh muốn học THPT thì cần tạo điều kiện cho các em, không ép buộc học sinh phải rẽ ngang bằng bất cứ hình thức nào. TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm và lưu ý:
Chúng ta phải dùng nhiều cách, cả tư vấn hướng nghiệp, khơi thông thể chế giáo dục bằng đa dạng hóa chương trình giáo dục, loại hình trường, thay đổi cơ chế… Việc làm và thu nhập ở tương lai hoàn toàn dựa vào năng lực các em; nhà quản lý giáo dục, thầy, cô giáo không thể giúp gì nhiều cho các em trong thế giới luôn biến động.
Dưới góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội) khẳng định, đi thi là quyền của học sinh. Thầy cô tư vấn để các em hiểu được năng lực của mình, từ đó chọn trường, lớp phù hợp. Tuyệt đối cấm giáo viên ép buộc hay tư vấn để học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10. Những năm gần đây, ngành Giáo dục không lấy tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập làm tiêu chí thi đua ở các trường THCS. Vì vậy, vai trò của công tác tuyên truyền giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh phải thực sự rõ ràng, chính xác.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc