Ngoài nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật này, các ý kiến phân tích nhiều vấn đề căn cốt liên quan đến nhà giáo, cần được tháo gỡ bằng đạo luật riêng.
Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, vấn đề tuyển dụng nhà giáo, đặc trưng nghề nghiệp của nhà giáo… là những nội dung được nhiều ý kiến quan tâm khi góp ý xây dựng Luật Nhà giáo. Phát biểu tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo ngày 7/5, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trong phần nguyên tắc (Điều 8), cần đưa vào nội dung “tôn vinh, đãi ngộ và có mức lương thỏa đáng đối với nhà giáo”.
Với vấn đề lương nhà giáo, ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ băn khoăn khi là nhà giáo thì được hưởng phụ cấp nghề, nhưng trở thành quản lý lại không được hưởng chế độ này. Quy định như vậy là không hợp lý và cần tính toán việc chi trả phụ cấp cho phù hợp. Riêng giáo viên mầm non, ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị đội ngũ này được hưởng chế độ theo nghề độc hại, nghỉ hưu sớm.
Khẳng định quan tâm đến tuyển dụng giáo viên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ nên dành việc này cho ngành Giáo dục. Làm rõ, nghiên cứu ở cấp nào có thể giao cơ sở, cấp nào cần ngành tuyển dụng.
Cũng quan tâm chế độ đãi ngộ, tuyển dụng nhà giáo, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách tiền lương không phù hợp khó tuyển dụng được người giỏi công tác trong ngành; từ đó mong Luật Nhà giáo có điểm đột phá, đổi mới để thu hút nhân tài trở thành nhà giáo. Ngoài ra, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nhắc đến việc cần có quy định để bảo vệ nhà giáo vì có tình trạng nhà giáo bị bạo lực.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì nhấn mạnh, cần làm rõ đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức nói chung để họ có các quyền hoạt động chuyên môn trong và ngoài trường, được quyền thực hiện các hoạt động giáo dục và bảo vệ theo quy định của luật. Nếu không làm rõ đặc trưng hoạt động sẽ có nhiều nhà giáo có tiềm năng vi phạm nếu chiếu theo Luật Viên chức.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo cần xử lý những vấn đề nóng như quyền giáo dục (phạt đến mức nào), vấn đề dạy thêm,... Đồng thời, cần có quy định đặc thù cho giáo viên mầm non, phổ thông, giảng viên các cơ sở sau phổ thông; chế độ làm việc khác nhau giữa nhà giáo ở các bậc học, tuổi nghỉ hưu cũng có thể khác nhau.
Giờ lên lớp của giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền |
Đề cập đến chứng chỉ hành nghề nhà giáo, theo GS Nguyễn Quý Thanh, cần gắn chặt với chuẩn chương trình nhóm ngành đào tạo giáo viên. Điều này cần thiết để đảm bảo mặt bằng chất lượng, vì ở Việt Nam hiện có nhiều mô hình đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, không nên hành chính hóa và cơ quan công quyền không nên đứng ra cấp, mà là các tổ chức chuyên môn (như các cơ sở đào tạo giáo viên). Về dài hạn nên do Hiệp hội Giáo viên sát hạch và cấp chứng chỉ này.
Góp ý về chức danh nhà giáo và thủ tục liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi, cần thể hiện rõ, chặt chẽ trong dự thảo luật. Chúng ta cần nhắc lại quy định về chức danh nhà giáo, chứng chỉ hành nghề nhằm mục đích gì?
Nhắc lại những lần cải cách giáo dục, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam khẳng định, lần cải cách nào cũng nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của nhà giáo. Hiện, Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có chương riêng về nhà giáo.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ luật chung, không thể chi tiết hóa các nội dung liên quan đến nhà giáo. Từ thực tiễn đòi hỏi cần có đạo luật riêng đối với đội ngũ này. Đây là vấn đề bức thiết, cần sớm được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Trước lo ngại tác động của Luật Nhà giáo có thể làm tăng chi phí hoặc thiếu giáo viên vì yêu cầu trình độ, chất lượng ngày càng cao, tuy nhiên GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành cho rằng, việc ban hành đạo luật này chỉ có mặt tích cực. Còn khó khăn sẽ giải quyết, khắc phục dần.
Thứ nữa, vấn đề về lương, phụ cấp nghề, tuyển dụng, sử dụng, chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo… cần được luật hóa theo quan điểm, đường lối của Đảng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. “Làm sao để thu hút được người tài, nhà sư phạm giỏi… vào ngành Giáo dục”, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành đặt vấn đề.
Nhấn mạnh, nhà giáo là giới tinh hoa dẫn dắt tâm hồn của xã hội, ông Lương Anh Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, với vai trò, vị trí của nhà giáo trong xã hội thì vấn đề về lương, chế độ đãi ngộ sẽ có phương án giải quyết. Từ những thuận lợi hiện có, Ban soạn thảo cần làm tốt về kỹ thuật soạn thảo văn bản. Trên tinh thần đó, thể hiện tốt các chính sách trong dự án Luật Nhà giáo đã được thông qua.
Muốn vậy, phải làm tốt công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận dư luận trước, trong và sau khi trình Quốc hội. Riêng về vấn đề này, ông Lương Anh Tấn nhìn nhận: Nếu chúng ta không tuyên truyền tốt về vị trí, vai trò nhà giáo thì khó để thông qua luật này. “Ngay các hội thảo, cuộc họp về dự thảo luật, chúng ta phải tận dụng cơ hội để tuyên truyền”, ông Lương Anh Tấn gợi mở, đồng thời nhấn mạnh một trong những hình thức tuyên truyền là thông qua phỏng vấn nhà khoa học, nhà giáo.
Ngoài ra, nên có nhiều bài viết về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vai trò, vị trí, đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo… “Chúng ta phải khơi dậy, làm tiếp, bởi nếu không tuyên truyền có thể bị lãng quên”, ông Lương Anh Tấn bày tỏ.
Sau hơn 2 năm triển khai, đến tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật. 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Tác giả bài viết: M.Phong - H.Nguyễn
Ý kiến bạn đọc