Phát triển nhân cách học trò không chỉ qua giáo dục lý thuyết

Thứ tư - 01/09/2021 19:10 723 0
GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống học sinh (HS) đang được các nhà trường quan tâm, đổi mới phương pháp. Giúp HS hình thành hành vi, lối sống đẹp qua trải nghiệm ngoại khóa… là cách hiệu quả được nhiều trường hướng tới.
Phát triển nhân cách học trò không chỉ qua giáo dục lý thuyết

Giáo dục từ trải nghiệm thực tế

Trong xã hội phát triển HS có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền văn hóa, công nghệ thông tin, khoa học… song những mặt trái cũng tác động và để lại hậu quả. Điều đó minh chứng qua việc còn tình trạng HS vi phạm nội quy, thiếu lễ độ với thầy cô giáo, lối sống thờ ơ vô cảm với người xung quanh, thiếu lý tưởng, hoài bão…

Từ thực trạng này, việc giáo dục lối sống, đạo đức cho HS đang được các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh theo nhiều phương pháp, hình thức khác nhau.  

Tại Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai), vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thương binh liệt sĩ; lễ Tết… ngoài tổ chức HS trao đổi nội dung liên quan tại trường lớp, còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế như: thắp hương tượng đài, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi tặng quà động viên gia đình chính sách…

Theo cô Phạm Thi Lương – Phó Hiệu trưởng: HS được trực tiếp chứng kiến, nghe giới thiệu về lịch sử, sự hy sinh, cống hiến của thế hệ cha ông để giữ bình yên tổ quốc là cách giáo dục, tác động hiệu quả tới nhận thức, lối sống của HS.

“Các hoạt động trải nghiệm không hề vô nghĩa. Nhiều HS đã khóc khi đứng trước mộ liệt sĩ vô danh. Nhiều em đã thấy mình may mắn bởi sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình.

Trải nghiệm thực tế sẽ nuôi dưỡng trong HS tình yêu quê hương, đất nước, không vô cảm trước nỗi đau do chiến mạng lại. Đặc biệt, hình thành trong các em trách nhiệm với cuộc sống, người xung quanh, thấy bản thân cần học tập và sống tốt hơn để sức xây dựng quê hương, đất nước...” – cô Lương bày tỏ.

Cô Nguyễn Hồng Hải -Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình- Hà Nội) cũng cho biết: Trong những năm gần đây nhà trường đã tổ chức đưa HS thăm quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; thăm Di tích lịch sử Hỏa Lò… những nơi còn để lại bao chứng tích lịch sử dân tộc;

Cho HS được tận mắt nhìn thấy mô hình trận địa, những tấm gương anh dũng quả cảm, sự gian khổ thế hệ xưa đã trải qua... Cách giáo dục này khiến HS sẽ nhớ lâu và nhân lên sự biết ơn, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến trong tương lai...

Cũng theo cô Hải, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS thông qua truyền thống tới nay được nhiều trường học lồng ghép vào tiết học trải nghiệm thực tế. Do đó đã tạo nên sức hấp dẫn, hiệu quả và phù hợp với HS.

Phát triển nhân cách học trò không chỉ qua giáo dục lý thuyết - Ảnh minh hoạ 2
Hiến máu nhân đạo cũng là cách giáo dục giúp HS, SV phát triển ý thức vì cộng đồng.

Thực tế cũng cho thấy, giáo dục đạo đức HS không chỉ ở khối lớp lớn (THCS, THPT, Đại học) mà từ bậc Tiểu học, nhiều trường đã ý thức và quan tâm, đẩy mạnh. Thầy Ngô Xuân Tùng- Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) minh chứng: Một trong những hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đó là BGH phát động ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm vừa qua.

Hơn 500 HS của trường cơ bản có hoàn cảnh khó khăn, 100% HS dân tộc, các em chỉ có thể ủng hộ 1.000-2.000 đồng, nhiều nhất 5.000 đồng từ tiền quà bố mẹ cho. Tuy vậy, trường xác định đây là hoạt động cần thiết để giáo dục HS biết chia sẻ, có trách nhiệm cùng xã hội nên vẫn kêu gọi phát động.

“Từ hoạt động thiện nguyện nhỏ bé hôm nay sẽ giúp các em khi trưởng thành biết sống yêu thương, không thờ ơ vô cảm với con người và các vấn đề bất hạnh xung quanh mình ngày mai..”- thầy Tùng bày tỏ.

Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ trên lý thuyết

Theo cô giáo Nguyễn Hồng Hải- Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội): Lứa tuổi HS THPT, để giáo dục đạo đức, lối sống đạt hiệu quả thì những bài giảng trong SGK, thông tin và hình ảnh trên mạng chưa đủ. Các em cần được trải nghiệm thực tế, cảm nhận giá trị cuộc sống một cách trực tiếp  gần gũi, sinh động. Từ đó tự hình thành những giá trị, lối sống, suy nghĩ tích cực, tốt đẹp.

Cô Phạm Thi Lương- Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cũng cho biết, công tác giáo dục lối sống đạo đức cho HS tại trường đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong hoạt động trải nghiệm.

Phát triển nhân cách học trò không chỉ qua giáo dục lý thuyết - Ảnh minh hoạ 3
Giáo dục đạo đức HS, SV qua trải nghiệm truyền thống

Do đó phương pháp giáo dục cần chuyển động phù hợp với thực tế. Không để HS chỉ nghe lý thuyết về đạo đức, lối sống một cách chung chung, khô cứng mà cần “kéo” các em đến gần hoạt động thực tế càng nhiều càng tốt. Khi các em tự nhận ra giá trị cốt lõi sẽ chủ động điều chỉnh hành vi, suy nghĩ bản thâ phù hợp.

Rất nhiều Hiệu trưởng, GV đều khẳng định giáo dục HS qua hoạt động trải nghiệm mang tới giá trị và hiệu quả lớn. Đây được xem như phương pháp giáo dục thiết thực song các nhà trường cần quan tâm để tránh biến tướng hoặc trở thành phong trào bề nổi...

Mặt khác, trong mỗi hoạt động giáo dục đạo đức lối sống HS qua trải nghiệm thực tế, bên cạnh các đoàn thể nhà trường cần mời cả đại diện ban phụ huynh tham dự. Thấy được hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, chắc chắn GV, HS, PH sẽ yên tâm, tự nguyện đồng hành với nhà trường trong các hoạt động giáo dục.

Cô Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Huyện Chương Mỹ - Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: Các nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho HS thông qua lồng ghép hoạt động trải nghiệm một cách cụ thể.

Có thể đưa vào quy chế chuyên môn đối với GV, triển khai đồng bộ trong tất cả các hoạt động giáo dục và có cơ chế kiểm tra đánh giá thực hiện, có khen thưởng, khích lệ kịp thời các hoạt động hiệu quả, ý nghĩa…

Về phía GV, ngoài dạy kiến thức cho HS cần coi trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống… Không thể giao phó nhiệm vụ này cho riêng một môn học nào; cần có sự kết hợp chặt chẽ, biện chứng với nhau hoặc tích hợp liên môn để hướng tới một mục đích cuối cùng là giáo dục và phát triển toàn diện HS.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập814
  • Hôm nay57,091
  • Tháng hiện tại335,221
  • Tổng lượt truy cập51,691,180
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944