Khi đó, người học sẽ được hưởng nhiều lợi ích và cơ sở giáo dục đại học sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu lớn. Tuy nhiên, để trường đại học trở thành đại học không thể tùy tiện, mà cần đáp ứng các tiêu chí và điều kiện cụ thể.
Tăng quyền tự chủ
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố quyết định thành lập 3 trường gồm: Trường Cơ khí (trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh); Trường Điện - Điện tử (trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA)) và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông).
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh: Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường; trong đó thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị, phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc thành lập trường thuộc trường sẽ tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Tuy nhiên, khác với các trường ĐH thành viên trực thuộc ĐH quốc gia hay ĐH vùng, những trường thuộc Trường ĐH Bách khoa không có tư cách pháp nhân, nên việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 5 - 6 trường và 4 – 5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành ban thuộc đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa. Tới năm 2025, sẽ trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong và ngoài nước.
Cuối tháng 10/2021, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh - cho hay: Dù có thêm 3 trường thành viên trong năm nay nhưng việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện.
Theo lộ trình hướng đến mô hình ĐH trong tương lai, giai đoạn 2022 - 2025 Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh; giai đoạn 2026 - 2030 thành lập Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành Trường ĐH của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không mạnh ai nấy làm
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh - khẳng định: Phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Một số ngành mới được bổ sung vào danh mục mã ngành đào tạo của trường.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng: Phát triển thành các đại học đa lĩnh vực là chủ trương đúng và là xu thế tất yếu. Trở thành đại học đa lĩnh vực, tính hiệu quả sẽ cao hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực giảng viên cho đến cơ sở vật chất... Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo, đáp ứng theo yêu cầu của xã hội.
“Việc phát triển từ trường đại học thành đại học sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu lớn. Trên thế giới, những trường đại học được xếp thứ hạng cao đều trở thành đại học đa lĩnh vực” - TS Lê Viết Khuyến cho hay, đồng thời trao đổi: Có hai con đường để phát triển thành đại học đa lĩnh vực: Hợp nhất các trường chuyên ngành lại với nhau; sau đó tổ chức sắp xếp lại thành đại học đa lĩnh vực. Cách khác, từ bản thân các trường đó phát triển thành đại học đa lĩnh vực. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể trở thành đại học đa lĩnh vực nếu đáp ứng đủ tiêu chí và điều kiện.
“Tuy nhiên, để phát triển thành đại học đa lĩnh vực, các cơ sở giáo dục đại học cần có tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch, không thể mạnh ai nấy làm” - TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, đồng thời viện dẫn Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nêu:
Điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học. Cụ thể: Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại Khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, có 3 yếu tố cơ bản và điều kiện để tạo ra xu hướng thành lập trường trong trường. Đó là xu hướng trao quyền và phân cấp trách nhiệm với mô hình quản lý linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; đổi mới mô hình để nghiên cứu, sáng tạo hơn trong giáo dục; và xu hướng mở rộng lĩnh vực của các trường đại học lớn. Xu hướng thành lập trường trong trường sẽ có tác động tốt vì khi phân cấp, phân quyền nhiều hơn, vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới tăng lên, tạo động lực phát triển tới từng giảng viên.