Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Khó trăm bề

Thứ hai - 24/06/2024 19:48 5 0
Tuy nhiên, cấp học này vẫn còn nhiều “khoảng trống” với khoảng 40,9% trẻ từ 3 - 4 tuổi, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, chưa đi học. Còn ở khu vực đông dân cư, do thiếu trường lớp nên trẻ dưới 5 tuổi phải nhường chỗ cho trẻ diện phổ cập. Cùng đó, cơ sở vật chất, số lượng...
Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Khó trăm bề

Tuy nhiên, cấp học này vẫn còn nhiều “khoảng trống” với khoảng 40,9% trẻ từ 3 - 4 tuổi, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, chưa đi học. Còn ở khu vực đông dân cư, do thiếu trường lớp nên trẻ dưới 5 tuổi phải nhường chỗ cho trẻ diện phổ cập. Cùng đó, cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ cũng là vấn đề đáng bàn.

Thiếu giáo viên khắp nơi

Thiếu giáo viên mầm non là bài toán khó của ngành Giáo dục các tỉnh thành nhiều năm qua. Tại Tiền Giang, toàn tỉnh có 170 trường mầm non công lập, 1.507 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo, cần có 3.384 giáo viên. Tuy nhiên, hiện tỉnh có 2.389 giáo viên, thiếu 995 giáo viên so với quy định. Do thiếu giáo viên nên mỗi người phải làm việc gấp 2 - 3 lần, đồng thời nhiều nơi không bổ nhiệm được cán bộ quản lý vì sẽ làm tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn. Mỗi lớp chỉ có một giáo viên phụ trách, nên khi nghỉ thai sản, ban giám hiệu phải xuống đứng lớp thay.

Hướng tới phổ biến mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc cần thống kê chính xác số liệu trẻ trong tuổi, cũng như số trẻ chuyển đến và đi.

Các số liệu khác cũng cần được thống kê chính xác như: Tỷ lệ trẻ đến trường, lớp; 2 buổi/ngày; tình hình đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; người theo dõi công tác phổ cập giáo dục; quy mô trường lớp, phòng học; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị...

Mặc dù Tiền Giang tổ chức nhiều đợt tuyển dụng/năm nhưng giáo viên mầm non vẫn thiếu. Tình trạng này có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu nguồn tuyển, vị trí trường tuyển xa, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ phòng học, nhà công vụ. Nhiều sinh viên ra trường có tư tưởng ngại khó dẫn đến mất cân đối trong nguồn tuyển.

Qua thống kê của Sở GD&ĐT, tỉnh Tiền Giang có 10 xã địa bàn nông thôn đi lại khó khăn, nhiều năm liền không tuyển được giáo viên mầm non. Đó là các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè); Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy); Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân (huyện Tân Phước).

Tình trạng trên diễn ra tương tự tại tỉnh Kiên Giang. Ba năm qua, ngành Giáo dục tỉnh này gặp nhiều khó khăn trong khắc phục vấn đề thiếu giáo viên. Năm học 2023 - 2024, tỉnh cần bổ sung 1.578 biên chế nhưng còn 1.198 biên chế chưa được tuyển dụng.

Trong 1.578 biên chế cần bổ sung, cấp học mầm non là 482 người. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ dẫn đến việc bố trí định mức giáo viên/lớp, tỷ lệ bình quân học sinh/lớp chưa phù hợp, không đảm bảo theo quy định. Định mức mầm non là 2,2 giáo viên/lớp, hiện tỷ lệ này của tỉnh chỉ đạt 1,62 giáo viên/lớp.

Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A (huyện Châu Thành, Kiên Giang) đang thiếu 2 giáo viên. Cô Nguyễn Thị Nhớ Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm qua, một số cô phải phụ trách lớp có nhiều trẻ hơn so với quy định nhưng trường không thể tách lớp bởi thiếu nhân sự. Có 5 lớp sĩ số lên đến 47 trẻ nên 2 cô giáo chăm sóc rất vất vả. Nhà trường mong được bổ sung giáo viên hoặc có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên khi sĩ số/lớp vượt quy định.

Cô, trò Trường Mẫu giáo Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) trong giờ học trải nghiệm. Ảnh: Q. Ngữ

Cô, trò Trường Mẫu giáo Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) trong giờ học trải nghiệm. Ảnh: Q. Ngữ

Trẻ trong giờ ăn tại Trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Trẻ trong giờ ăn tại Trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Cơ sở vật chất không theo kịp

Điều 23 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Quan trọng là vậy nhưng cấp học này còn nhiều hạn chế, trong đó, việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục mầm non chưa bảo đảm.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, còn hơn 40% trẻ em từ 3 - 4 tuổi, chủ yếu vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiếp cận giáo dục mầm non. Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 - 4 tuổi), gặp một số khó khăn do địa bàn trải rộng, nhiều điểm trường lẻ số trẻ ít nên khó bố trí giáo viên đứng lớp. Mặt khác, định biên giáo viên/lớp chưa đảm bảo; cơ sở vật chất thiết bị dạy học thiếu.

Đơn cử, tại Kiên Giang, tốc độ đô thị hóa ở một số địa phương kéo theo dân số tăng nhanh nhưng đầu tư cơ sở vật chất chưa theo kịp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Theo ông Huỳnh Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, tỉnh đối mặt với một số vướng mắc như công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp.

Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở khu đô thị, công nghiệp; đất cho xây dựng trường học, nhất là ở thị trấn, thành phố chưa đủ. Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non cùng với thiếu biên chế kéo dài liên tục nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng chỉ đảm bảo tỷ lệ 1 giáo viên/lớp dạy học 2 buổi/ngày…

Bình Dương - một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh, do đó việc xây dựng hệ thống trường lớp mầm non đáp ứng con em công nhân các khu công nghiệp là thách thức với ngành Giáo dục.

Báo cáo đầu năm học 2023 - 2024 của Sở GD&ĐT Bình Dương cho thấy, toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở giáo dục mầm non ở khu, cụm công nghiệp; trong đó 119 trường công lập, 323 trường tư thục, 579 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục với trên 13.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, riêng giáo viên hơn 7.000 người. Các cơ sở giáo dục cơ bản bảo đảm về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa bởi không có thu nhập để chi trả lương giáo viên và tiền mặt bằng...

Ngoài ra, tỉnh cũng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng (gần 3.000 người), tập trung chủ yếu là giáo viên mầm non tư thục. Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Trẻ trong giờ chơi tại Trường Mầm non Sơn Ca (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Trẻ trong giờ chơi tại Trường Mầm non Sơn Ca (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Rào cản từ nhận thức

Bên cạnh những khó khăn chung về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác phổ cập giáo dục mầm non còn nhiều bất cập bởi nhận thức của không ít phụ huynh chưa đúng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn còn quan niệm rằng, việc học mẫu giáo không quan trọng. Trẻ đến 6 tuổi là có thể vào học lớp 1 bình thường.

Làm nghề nông với trang trại chăn nuôi, vườn rau tại nhà, vợ chồng chị Đào Thị Hoa (39 tuổi, ngụ huyện Chư Păh, Gia Lai) không cho con trai 4 tuổi học mẫu giáo với lý do: Có thể tự trông và dạy con tại nhà. Chị Hoa cho biết, trước đây từng cho con đi nhà trẻ, song do nhút nhát, hay khóc nhè nên việc tới trường lớp khá vất vả.

“Ở nhà ba mẹ tự dạy con học chữ, học đếm, đằng nào vào lớp 1 cũng được cô dạy bảo từ đầu. Chúng tôi cũng có nhiều thời gian để làm việc nhà và tiết kiệm được một khoản chi phí cho con đi học”, chị Hoa bày tỏ. Người mẹ này còn chia sẻ, một số người bạn của chị cũng ngại cho con đi học mầm non bởi đưa đón 2 buổi mỗi ngày, ảnh hưởng đến công việc.

Theo báo cáo năm 2023, tỉnh Gia Lai có 265 trường mầm non (223 trường công lập, 7 trường dân lập, 35 trường tư thục, 221 nhóm độc lập tư thục) với 943 điểm trường lẻ. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vùng khó khăn ra lớp là 4,9%; huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 88,7%. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở các vùng khó khăn hiện khá thấp, điều kiện dạy và học nhiều thiếu thốn.

Ngay tại TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, dù cơ bản phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi nhưng việc đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở độ tuổi này còn khó khăn, nhất là khu vực ngoại thành do tâm lý phụ huynh chưa muốn con ra lớp.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (kinh doanh tự do tại Quận 12, TPHCM) do e ngại, lo lắng trẻ trong độ tuổi nhà trẻ còn nhỏ nên không cho đi học. “Tôi thuê người giúp việc, vừa giúp việc nhà, vừa trông con. Buổi tối, tôi tranh thủ dạy con học. Dù biết không đi học mẫu giáo nhiều thiệt thòi nhưng tôi nghĩ điều đó không đáng kể”, chị Dung cho hay.

Ở địa bàn xa xôi, khó khăn nhất ở TPHCM, cô Huỳnh Thúy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ) cũng chia sẻ những khó khăn trong phổ cập mầm non. Cô Ngân cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của ngành, chính quyền, đoàn thể, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư tốt hơn.

Tuy nhiên điều đáng nói vẫn là công tác vận động ra lớp, phổ cập mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi gặp nhiều gian nan bởi đời sống người dân khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào đánh bắt thủy hải sản và làm muối. Chính vì thế, trẻ không đủ điều kiện đi học dù đã có chính sách hỗ trợ học sinh xã đảo (miễn học phí, hỗ trợ 160 nghìn đồng ăn trưa/tháng).

“Tâm lý của người dân chưa muốn cho trẻ đến trường do phần lớn có người trông giữ và nhà xa trường. Mặt khác, một số ít phụ huynh quan niệm lạc hậu, cho rằng 3 - 4 tuổi trẻ vào trường chỉ chơi, không học gì nên đợi 5 tuổi mới cho đi học, cuối năm lấy giấy chứng nhận phổ cập trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Nhà trường và địa phương liên tục vận động với nhiều hình thức, nhưng tỷ lệ trẻ 3 - 4 tuổi đến trường chưa cao”, cô Ngân nói.

Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, từng bước tháo gỡ khó khăn thiếu giáo viên mầm non. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác hướng nghiệp cho khối học sinh 12 có nguyện vọng theo học ngành giáo viên mầm non để bổ sung cho đội ngũ giáo viên thiếu hụt.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục cần có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên vì sự phát triển của cơ sở. Hai năm qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh giao Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đào tạo 178 giáo viên mầm non; đồng thời tiếp tục đào tạo theo nhu cầu.

Tác giả bài viết: Quốc Ngữ - Cẩm Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1048 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay1,809
  • Tháng hiện tại43,942
  • Tổng lượt truy cập49,749,707
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944