Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học

Thứ ba - 25/06/2024 00:43 162 0
GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Trí - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên góp ý cho Dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học

Quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là hai nội dung PGS.TS Nguyễn Trí - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (nay là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT) góp ý cho dự thảo Luật dành riêng cho đội ngũ này.

Sự đồng bộ rất quan trọng

- Ông nhận định thế nào về dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT công bố, xin ý kiến góp ý rộng rãi?

- Mấy chục năm chuyên làm công tác về nhà giáo, tôi rất vui vì cũng đến ngày Luật Nhà giáo hiện diện trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tôi đã đọc nhiều lần dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ và dự thảo Luật Nhà giáo. Tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã bỏ nhiều công phu soạn thảo hai văn bản này; không né tránh các vấn đề nóng trong lĩnh vực nhà giáo được dư luận xã hội quan tâm và bàn bạc nhiều như: Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, quản lý đội ngũ nhà giáo theo lãnh thổ hay theo ngành dọc, nhà giáo dạy liên trường…

- Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác về nhà giáo, nội dung nào ông muốn góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật?

- Để dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Tờ trình Chính phủ hoàn thiện hơn, đầu tiên tôi muốn góp ý để các cấp quản lý giáo dục cần chú ý đến đặc điểm “đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học” khi quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như lúc giao chỉ tiêu, tuyển dụng nhà giáo…, cho các cơ sở giáo dục. Đây cũng là điều cần quan tâm và làm nổi bật trong dự thảo Luật Nhà giáo vì tầm quan trọng của nó.

Đội ngũ nhà giáo dạy trong trường học đòi hỏi các nhà quản trị xã hội nói chung, nhà quản trị trường học nói riêng, không những phải quan tâm đến số lượng và chất lượng tổng thể đội ngũ, mà còn phải chú trọng đến đặc điểm số lượng, chất lượng của đội ngũ nhà giáo dạy từng môn học - tức là quan tâm đến sự “đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học” trong trường học, trên từng địa bàn. Đây là đặc điểm thể hiện rõ nhất trong hai ngành mang tính xã hội cao là y tế và giáo dục.

Sự đồng bộ của đội ngũ bác sĩ và nhà giáo là yêu cầu bắt buộc mọi bệnh viện và nhà trường phải tuân thủ. Không thể đòi hỏi bác sĩ chuyên ngành tim mạch sang làm công việc bác sĩ sản khoa… Cũng không thể yêu cầu nhà giáo dạy môn Toán sang dạy môn Lịch sử...

Nói cách khác, mọi nhà trường, dù ở cấp, bậc học nào, dù là trường công lập hay tư thục... đều phải tuân thủ đặc điểm “đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học”. Đặc điểm này thể hiện nguyên tắc cơ bản của nghề dạy học hiện đại, là nhà giáo chỉ hành nghề dạy học ở những lĩnh vực được đào tạo để có chuyên môn sâu.

Vì thế, các điều trong dự thảo Luật về quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo không được bỏ quên, ngược lại cần nhấn mạnh đặc điểm bảo đảm sự “đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học”.

PGS.TS Nguyễn Trí. Ảnh: NVCC

PGS.TS Nguyễn Trí. Ảnh: NVCC

Khắc phục tình trạng dạy trái môn

- Vậy cụ thể cần bổ sung yêu cầu “đồng bộ cơ cấu nhà giáo dạy các môn học” như thế nào trong dự thảo Luật Nhà giáo, theo ông?

- Theo tôi, hai dự thảo (dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Tờ trình Chính phủ về Luật Nhà giáo) cần bổ sung đặc điểm “đồng bộ về cơ cấu nhà giáo dạy các môn học” vào một số vị trí sau:

Thứ nhất, bổ sung và viết ý “phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt” khi xây dựng đội ngũ nhà giáo (trong mục 1 phần II của dự thảo Tờ trình) thành: “Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu nhà giáo dạy các môn học là trọng tâm, xuyên suốt”.

Thứ hai, cần bổ sung và viết lại ý: “đảm bảo định mức, số lượng nhà giáo để thực hiện chương trình, nhiệm vụ giáo dục” (khoản 3 Điều 6, dự thảo Luật Nhà giáo) thành: “đảm bảo định mức, số lượng và cơ cấu nhà giáo dạy các môn học để thực hiện chương trình, nhiệm vụ giáo dục”.

Thứ ba, Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáo có 7 từ ngữ được giải thích là: “Cán bộ quản lý giáo dục”, “người đứng đầu cơ sở giáo dục”, “cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”, “chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo”, “chức danh nhà giáo”, “chuẩn nhà giáo”, “đề án vị trí việc làm”. Cần bổ sung thêm từ ngữ thứ 8 cần giải thích trong Điều 5 là “đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học”.

Trong các năm qua, việc tuyển dụng nhà giáo ở nơi này, nơi kia chỉ chú ý tuyển cho đủ chỉ tiêu biên chế, đủ số lượng toàn đội ngũ mà chưa chú ý đầy đủ đến yêu cầu tuyển đủ nhà giáo dạy các môn học theo chương trình khiến không ít trường gặp khó khăn. Môn thì thừa, môn lại thiếu nhà giáo, gây ra tình trạng dở khóc dở cười đã xảy ra ở một vài trường học làm nhà giáo bị buộc phải dạy cả môn không được đào tạo.

Tôi đề nghị cần đưa khái niệm “Đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học” thành một trong 8 từ ngữ cần giải thích trong Điều 5 của dự thảo Luật Nhà giáo để toàn xã hội và nhất là các cấp quản lý hay quản trị đội ngũ nhà giáo hiểu, luôn ghi nhớ, quán triệt khi giải quyết các vấn đề về phát triển đội ngũ nhà giáo, xác định biên chế nhà giáo, hay khi xét tuyển nhà giáo.

Tôi thử đưa ra đây một cách giải thích cụm từ này để Ban soạn thảo tham khảo:

“Đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học”: Yêu cầu này đòi hỏi cấp quản trị phải bảo đảm mỗi trường học có đủ nhà giáo dạy tất cả môn học có trong chương trình quốc gia, không để xảy ra tình trạng nhà giáo phải dạy các môn học không được đào tạo chuyên môn sâu.

Yêu cầu này cũng đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục huyện, tỉnh và toàn quốc khi xây dựng quy hoạch và tính toán số lượng đội ngũ nhà giáo, ngay cả khi giao chỉ tiêu hay tuyển dụng nhà giáo… phải tuân thủ nguyên tắc đặt số lượng trong mối quan hệ chặt chẽ với bảo đảm đồng bộ cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học.

Giáo viên, học sinh Phenikaa School. Ảnh: NTCC

Giáo viên, học sinh Phenikaa School. Ảnh: NTCC

Giải thích rõ ràng hơn về chứng chỉ hành nghề

- Một nội dung mới được quan tâm trong dự thảo Luật Nhà giáo là chứng chỉ hành nghề. Ý kiến của ông về điểm mới này?

- Chứng chỉ hành nghề nhà giáo là loại văn bằng gần đây mới được các cơ quan quản lý nhà nước nêu ra, nhưng các giải thích chưa đầy đủ và chưa có sức thuyết phục.

Điều này khiến nhiều người trong xã hội và cộng đồng nhà giáo nêu các câu hỏi: “Từ lâu nay, cứ có bằng tốt nghiệp sư phạm là đi dạy học, làm nhà giáo; nay thêm chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có cần không? Có làm phiền hà thêm cho thầy cô không? Hai loại văn bằng đó khác nhau và cần thiết như thế nào? Chúng được cấp vào thời điểm nào trong quá trình hành nghề của một nhà giáo?”. Bốn câu hỏi trên đều cần lời giải thích. Đặc biệt câu hỏi thứ ba và thứ tư, không những cần giải thích mà phải luật hóa trong dự thảo Luật.

Sau đây là đề xuất của tôi về ý nghĩa và thời điểm cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo để các cơ quan chức năng tham khảo.

Nhớ lại thời chúng tôi mới ra trường cách đây hơn 60 năm và có lẽ bây giờ vẫn như thế, dù đã tốt nghiệp, có bằng sư phạm, vẫn phải trải qua thời gian tập sự (thử việc) 2 năm ở một trường học. Vượt qua kỳ nhận xét, đánh giá của tập thể sư phạm nơi tập sự mới được công nhận chính thức đủ tư cách nhà giáo. Dấu hiệu để phân biệt giáo viên tập sự và giáo viên chính thức có nhiều thứ, nhưng rõ nhất là lương. Chúng tôi hết hưởng lương tập sự và được hưởng lương nhà giáo bậc 1.

Nếu coi “chứng chỉ hành nghề nhà giáo” là văn bằng xác nhận tư cách một người chính thức trở thành nhà giáo thứ thiệt, được hưởng lương chính thức của nhà giáo, thì thời điểm thích hợp nhất để đánh giá, xét cấp chứng chỉ này là thời điểm kết thúc thời kỳ tập sự. Đây sẽ là văn bằng xác nhận những người có bằng sư phạm đã vượt qua và đạt kết quả sau thời gian tập sự. Từ thời điểm này trở đi, họ đủ tư cách hành nghề dạy học.

Cách làm này giống như cách làm bên ngành Luật: Người tốt nghiệp đại học Luật có bằng cử nhân Luật. Họ có thể đi làm nhiều việc cần bằng cử nhân Luật. Nhưng muốn trở thành luật sư thì phải học thêm một số kiến thức và thực tập một khoảng thời gian tại văn phòng luật sư. Sau khi vượt qua kỳ thi, họ được cấp chứng chỉ luật sư. Có chứng chỉ luật sư mới được hành nghề luật sư như: Vào làm hay mở văn phòng luật sư, thực hiện việc bào chữa tại tòa án…

Xem xét mối quan hệ giữa “bằng tốt nghiệp sư phạm” và “chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo” như phân tích trên thì mọi thắc mắc, mọi câu hỏi đặt ra đều được hóa giải. Hai loại văn bằng, chứng chỉ trên đều cần thiết, có giá trị riêng, không thể xóa bỏ loại nào.

Để luật hóa, có thể đưa nội dung này vào Điều 15, hay biên soạn thành một điều riêng trong mục 2 Chương III của dự thảo Luật Nhà giáo; đồng thời đưa thành một nội dung giải trình ở mục 2.6 phần IV trong Tờ trình. Hiện cả dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật Nhà giáo chưa có nội dung này.

Sau khi Luật Nhà giáo được ban hành và có hiệu lực, người muốn ứng tuyển làm nhà giáo chính thức tại một trường học phải xuất trình bằng tốt nghiệp sư phạm và chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Nếu chỉ có bằng tốt nghiệp sư phạm thì người đó chưa đủ điều kiện hành nghề dạy học và phải qua thời kỳ tập sự để lấy chứng chỉ hành nghề nhà giáo như luật quy định.

Các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong nhà trường và trường hợp khác có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được cấp hay bị thu hồi chứng chỉ theo quy định tại Điều 16, 17 Chương III của dự thảo Luật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sau hơn 2 năm triển khai, đến tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo và đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2024.

Dự thảo Luật Nhà giáo (bản đã công khai để xin ý kiến rộng rãi) gồm 9 chương, 71 điều. 5 chính sách được thông qua và thiết kế vào các chương trong dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập777
  • Hôm nay50,893
  • Tháng hiện tại329,023
  • Tổng lượt truy cập51,684,982
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944