Quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn về an ninh và sức khỏe

Thứ bảy - 01/08/2020 06:24 216 0
GD&TĐ - Dù trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương vẫn thể hiện tâm thế sẵn sàng, quyết tâm tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn về an ninh và sức khỏe

Tinh thần này được thể hiện trong hội nghị trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với 63 Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại địa phương diễn ra chiều ngày 31/7 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Công an.

Sẵn sàng cho kỳ thi

Tham gia hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đầy đủ 65 thành viên Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của thành phố, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Năm nay, Hà Nội có trên 79 nghìn thí sinh (TS) đăng ký dự thi với 143 điểm thi. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng. Về chuyên môn, Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện theo đúng quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian tới, theo ông Ngô Văn Quý, địa phương tiếp tục kiểm tra cơ sở vật chất, phòng thi, điểm thi, nhân sự coi thi và các nội dung khác theo phân công của Ban Chỉ đạo thi thành phố; đồng thời bổ sung thêm các điều kiện phòng chống dịch… để kỳ thi được tổ chức tốt nhất.

Nhấn mạnh công tác phòng chống dịch là quan trọng, bảo đảm an toàn cho TS, cán bộ làm công tác thi là trên hết, ông Ngô Văn Quý kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương thực hiện. Như việc các điểm thi, phòng thi cần có sát khuẩn, HS đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách trong phòng thi; phương án phân loại TS, tổ chức điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 ra sao; HS bị bệnh không đến thi được thì xét tốt nghiệp như thế nào… cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tương tự Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã lên phương án, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới. Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố thành lập 115 điểm thi với trên 3.000 phòng thi; tại các điểm thi đều có phòng thi dự phòng. "Chúng tôi tiến hành khảo sát nhanh để bảo đảm khu vực quanh điểm thi có dự phòng là 1 trường THCS, để khi TS diện F1 quá lớn, có thể sẵn sàng tổ chức điểm thi riêng, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn. Các thành viên tham gia in sao đề thi đều được test trước khi cách ly" – ông Dương Anh Đức thông tin.

Ông Dương Anh Đức bày tỏ băn khoăn việc tập trung quá đông giáo viên khi chấm thi. Như TP Hồ Chí Minh, đội ngũ tham gia chấm thi khoảng 600 người, phạm vào quy định phòng chống dịch bệnh; mong Bộ GD&ĐT có chỉ đạo để việc chấm thi diễn ra an toàn.

Chia sẻ của ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020, họp và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. 100% quận huyện trên địa bàn cũng thành lập Ban Chỉ đạo thi và các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể. Với trên 18.000 TS đăng ký dự thi, Hải Phòng thành lập 41 điểm thi và 14 điểm thi dự phòng. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng; việc kiểm tra, rà soát về cơ sở vật chất, đội ngũ được thực hiện.

"Chúng tôi tiến hành khử khuẩn toàn bộ trường lớp, thành phố phát khẩu trang cho tất cả HS; thực hiện đo nhiệt độ, cách ly ngay tại nhà các trường hợp đi về từ Đà Nẵng… Nói chung, tất cả cấp ủy, chính quyền đều vào cuộc, cam kết tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế, công bằng, công tâm" – ông Lê Khắc Nam cho hay.

Quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn về an ninh và sức khỏe - Ảnh minh hoạ 2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với 63 Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của địa phương. Ảnh: Thế Đại

Theo sát tình hình dịch bệnh để có phương án phù hợp

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: Với ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cả hệ thống chính trị của thành phố đang dồn tâm sức vào việc phòng chống dịch; một số khu vực trên địa bàn đã bị phong tỏa. Hiện Đà Nẵng đã có giáo viên, HS nghi nhiễm Covid-19, hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Tới thời điểm này đã có 80 ca dương tính, ở hầu hết địa bàn trên thành phố.

"Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thi, nhưng tâm lý HS, phụ huynh rất hoang mang trước dịch bệnh" – cho biết điều này, ông Chinh kiến nghị Bộ xem xét, báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với TS tại thành phố Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp THPT đối với TS. Nếu TS có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, bảo đảm quyền lợi tối đa cho TS.

Sát Đà Nẵng, Quảng Nam đã và đang tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; hiện chưa có cán bộ, giáo viên, HS nào nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị 3 phương án: Địa phương tiếp tục chủ động rà soát các công việc, theo sát diễn biến dịch bệnh đến ngày 6 - 7/8, nếu dịch không bùng phát sẽ tổ chức thi bình thường, kèm theo đó là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trường hợp dịch bệnh chưa ổn, Quảng Nam đề xuất lùi lịch thi lại 1 tháng, sử dụng đề thi dự phòng của Bộ GD&ĐT. Nếu diễn biến phức tạp, xin được xét đặc cách tốt nghiệp cho TS Quảng Nam như đề nghị của Đà Nẵng.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương thời gian tới cần tiếp tục rà soát để làm tốt công việc còn lại của kỳ thi. Riêng địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, bình tĩnh, sát sao, bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế để có sự tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi. Các địa phương khác cũng vậy, bám sát tình hình để chuẩn bị kỳ thi theo lịch trình đã đề ra.

Quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn về an ninh và sức khỏe - Ảnh minh hoạ 3
Đại diện Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Tiếp tục rà soát, làm tốt các công việc còn lại

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã lường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, do đó, sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chuẩn bị của địa phương là hết sức chủ động. Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, theo Thứ trưởng đã và đang được thực hiện theo đúng kế hoạch, với lực lượng, phương tiện và tiến hành tập huấn đầy đủ. Trong điều kiện dịch bệnh, công tác thanh tra, kiểm tra, dù có điều chỉnh về cơ cấu, phương thức, nhưng cũng phải bảo đảm tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không có khoảng trống, điểm mờ, để kỳ thi diễn ra trung thực, khách quan, an toàn, hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh đã chỉ đạo sát sao, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.

Qua thực tế kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và nghe báo cáo của các địa phương, Bộ GD&ĐT đánh giá công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được thực hiện rất chu đáo. "Cho đến nay, cơ bản việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất" – nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát sẽ phát sinh nhiều việc, đặc biệt về tăng cường phòng dịch để bảo đảm kỳ thi thực sự an toàn, không chỉ an toàn về an ninh mà an toàn cả về sức khỏe. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ. Do vậy, tại thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi và kế hoạch tổ chức kỳ thi, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo.

Còn gần 10 ngày nữa kỳ thi sẽ diễn ra, Bộ trưởng yêu cầu phải bám sát từng giờ diễn biến của dịch bệnh. Thời gian tới, tiếp tục rà soát để làm tốt các công việc còn lại của kỳ thi. "Với quyết tâm cao của lãnh đạo, Ban Chỉ đạo thi các địa phương, sự đồng lòng của HS, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, công bằng và an toàn sức khỏe" – Bộ trưởng nhận định.

Mở tất cả cửa phòng thi

Trao đổi tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng: Ban Chỉ đạo thi các địa phương phải làm nghiêm túc việc phân loại TS theo nhóm. Để rà soát phân loại, cần phải huy động lực lượng y tế vào cuộc để thực hiện. TS bình thường cũng phải yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách trong phòng thi. Các phòng thi, điểm thi phải khử khuẩn… Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc không bật điều hòa trong phòng thi, chỉ bật quạt, mở tất cả các cửa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập801
  • Hôm nay30,598
  • Tháng hiện tại308,728
  • Tổng lượt truy cập51,664,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944