Câu chuyện học trò tấn công thầy cô ngay lớp học gây bão dư luận gợi ta suy nghĩ về ranh giới của nghề dạy chữ, rèn người.
Chuyện nghề dạy học người khen, chê đâu phải bây giờ mới có. Người hiểu giáo dục sẽ thấy toàn diện, cảm thông, bênh vực; người chưa hiểu thì ngược lại. Thầy, cô giáo cũng là con người với các nhu cầu và đương nhiên, không thể không sai lầm. Ranh giới giữa thiện lương, trong sáng và lỗi lầm đôi khi chỉ là sợi tóc vô hình. Những ranh giới được và không được làm của nghề dạy học đã quy định trong các văn bản pháp luật và ngành Giáo dục.
Nghề dạy học cũng chịu áp lực như nhiều nghề khác, nhưng thêm nhiều ranh giới khắt khe hơn. Thầy cô phải như khuôn thước, chuẩn mực từ tác phong, lời nói, xử sự, cách sống, quan hệ xã hội, làm ăn kinh tế đến trình độ tay nghề, chuyên môn và mang trái tim vị tha, nhiệt huyết yêu thương. Thầy cô không thể nói và làm những điều mà với người khác là có thể. Thời kinh tế thị trường, công nghệ số, có ranh giới tự mất đi, nghề dạy học hòa nhập với quy luật cung cầu và tự do hơn.
Không ít nhà giáo từng đêm day dứt, nếu bỏ nghề sẽ làm gì, nhưng theo nghề thì nghèo và áp lực. Nghề dạy người mang đặc thù riêng. Đối tượng là con người - học trò đủ lứa tuổi, giới tính, hoàn cảnh sống, nhu cầu và tâm sinh lý đang phát triển trong xã hội biến động. Những yêu cầu và nhu cầu, cá tính của học trò phổ thông “trẻ người, non dạ” tạo nhiều ranh giới vô hình của nghề dạy học.
Điều kiện trường lớp, hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý học sinh từ nhỏ đã tiếp xúc thiếu an toàn với mạng xã hội dễ nảy sinh cảm xúc lệch lạc. Nhu cầu học và yêu cầu của xếp thứ hạng, môn chính, môn phụ sinh ra xu hướng học môn này bỏ môn kia. Ranh giới nguy hiểm, thái độ hình thành trong việc nhà trường và học sinh đối xử với giáo viên dạy môn không cho điểm.
Thực tế, thầy cô phải bỏ, khổ vì nghề ít hơn thầy cô yêu, đam mê và hạnh phúc với nghề. Gần 40 năm dạy học, tôi ngẫm ra, thầy cô thạo việc, biết tự học để hoàn thiện tay nghề và phẩm hạnh thường sẽ biết nên làm gì trước những ranh giới sư phạm. Sự lúng túng hoặc thiếu sót trong chuyên môn và ứng xử chủ yếu vì thầy cô do dự, phân tâm, luôn lo sợ kiểu thầy giáo Bê-li-côp (nhân vật trong truyện “Người trong bao” - Sê-Khôp).
Ảnh minh họa ITN. |
Phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm là những tiêu chuẩn bắt buộc, thầy cô phải luôn trau dồi và hoàn thiện, giữ gìn và được luật pháp bảo hộ.
Những hiểu biết và kỹ năng được học, trải nghiệm, kinh nghiệm trong hội nghị công tác chủ nhiệm thường niên không phải cẩm nang nhiệm màu. Thầy cô kiêm nhiệm khó lường hết các tình huống để ứng phó, giải quyết. Nhà sư phạm vững tay nghề sẽ nhanh nhận biết ranh giới sự việc và thẩm quyền của mình, tìm cách giải quyết vụ việc hoặc trì hoãn và kết thúc êm đẹp. Một lời nhận lỗi, cử chỉ thân thiện, hay hẹn trả lời sau sẽ làm học trò cá biệt giảm đi ức chế và gây hấn.
Làm chủ cảm xúc vì thế trở thành yêu cầu tiên quyết trong ứng xử sư phạm. Học sinh và phụ huynh đều có cảm xúc, hiểu biết và cần được tôn trọng. Nhờ năng lực kiểm soát và làm chủ cảm xúc, các kỹ năng giao tiếp sư phạm, nhà giáo sẽ ghi nhận sự việc và xin lỗi tạo không gian bình thường để hai bên cùng lắng nghe, thấu hiểu.
Vượt qua ranh giới chủ quan, thầy cô đúng hết: “Tôi làm thế cũng là muốn trò - con của ông bà tốt hơn, giỏi hơn”. Những nhắc nhở, yêu cầu học trò, phụ huynh với tư cách người có trách nhiệm hoặc vội vàng, khi bức xúc hoặc cứng nhắc mời đến trường sẽ rất ít hiệu quả.
Người thầy làm chủ cảm xúc thường ôn hòa, bao dung, tế nhị nhưng nghiêm khắc với trò. Sự việc nào giáo viên chủ nhiệm cũng báo phụ huynh rất dễ làm tổn thương học sinh và gia đình. Sự việc vài em hay cả lớp ở Sơn Dương, Tuyên Quang cho ta hiểu việc kiềm chế cảm xúc quan trọng thế nào. Gặp gỡ riêng học sinh vẫn tốt hơn báo cáo và đề nghị.
Ranh giới thầy - quyền uy và trò, cha mẹ và con không còn khi trò đã vượt qua ranh giới, không còn biết sợ. Tâm lý trẻ vị thành niên dễ nổi loạn, kích động và hành động theo bản năng nếu bố mẹ hoặc thầy cô không làm chủ cảm xúc sẽ bùng thành chuyện lớn.
Tôi nghiệm ra, thầy cô nên chọn cách làm bạn, cư xử như người bạn thay vì sắm vai người thầy, bố mẹ dạy bảo các em. Chừng nào trò tin yêu và dám chia sẻ với thầy cô chuyện riêng tư hay gia đình là thầy cô thành công. Giáo án giáo dục học sinh cá biệt ai cũng biết, nhưng tôi nghĩ, để thay đổi suy nghĩ của trò cá biệt bằng cuộc gặp riêng, bằng đồng cảm và đồng tình vẫn tốt nhất.
Việc yêu cầu, thực hiện thế nào không giá trị bằng giúp trò hiểu việc nên làm. “Cô tưởng em thích học lắm ạ?” - trò hỏi lại khi bị cô giáo nhắc nhở, khiến chúng ta nghĩ về mục tiêu của mỗi nhà trường. Chuyên chú vào dạy chữ có còn trong tư duy của mỗi trường nữa chăng?
Chương trình GDPT 2018 đã mở đường cho tài năng và đam mê, tạo cơ hội học trò tự do lựa chọn. Chúng ta hy vọng những ranh giới thang bậc, xếp hạng, môn chính môn phụ, quyền uy của thầy cô… không còn, để môi trường giáo dục thực sự thân thiện, nhân ái, để thầy cô mãi là người bạn lớn, gần gũi, yêu thương của tất cả học trò.
Giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện, đã chuyển sang dạy người trước rồi dạy chữ. Hướng tới xây dựng ngôi trường, thầy cô, học sinh hạnh phúc để thầy cô trở về đúng với vị trí, lương tâm và trách nhiệm của người kỹ sư tâm hồn. Bằng tài năng và tâm huyết, không chỉ làm mới bài học, cải tiến phương pháp giáo dục, trau dồi chuyên môn và đạo đức sư phạm, thầy cô quan tâm hơn nữa đến bài học làm người, giúp học trò thành người tử tế trong cuộc sống.
Tâm thế không thoải mái, lo nghĩ việc trường, nhà, đời hoặc vướng rắc rối nào đó làm việc dạy học khó khăn thêm. Những tình huống sư phạm khi trong người bất an thành ra to tát, phức tạp. Những điều không muốn vẫn xảy ra và nếu không được thầy cô và cấp trên xử lý đúng cách sẽ làm rắc rối nhỏ thành khủng hoảng nghiêm trọng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lự
Ý kiến bạn đọc