Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập” (Thông tư 20).
Một trong những điểm nhấn của Thông tư 20 là quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên. Điều 3 của Thông tư này hướng dẫn: Vùng 1 gồm các xã khu vực II, III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
Vùng 2 gồm các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vùng 3 là các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.
Bên cạnh đó, Thông tư 20 cũng quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Thực tế, câu chuyện về tính định mức giáo viên được luận bàn từ lâu. Xuất phát từ thực tiễn khách quan, việc tính định mức giáo viên cần được xem xét, nghiên cứu và tính toán lại nhằm tháo gỡ bất cập cho các địa phương cũng như cơ sở giáo dục.
Chẳng hạn, theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Thông tư 16), trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp; trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp.
Cách tính định mức giáo viên như trên không cần biết sĩ số học sinh mỗi lớp nhiều hay ít. Vô hình trung dẫn đến thực trạng, có nơi sĩ số 60 học sinh/lớp cũng giống như nơi có 15 em/lớp.
Nay bất cập trên được tháo gỡ, bởi kể từ ngày l6/12/2023, Thông tư 16 hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 20. Thông tư 20 quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên, điều chỉnh định mức giáo viên/sĩ số học sinh. Quy định này sẽ xóa được những khó khăn, vướng mắc nêu trên; đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên.
Có thể nói, việc điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh hướng tới phù hợp với điều kiện từng vùng, miền là cần thiết. Qua đó, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố giao biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục, đồng thời từng bước khắc phục bất cập về tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.
Lẽ tất nhiên, định mức giáo viên được xác định theo nguyên tắc đảm bảo đủ số lượng người làm việc để thực hiện công tác giảng dạy cho tất cả môn học và hoạt động giáo dục. Thông tư 20 quy định, cơ sở giáo dục phổ thông công lập bố trí số lượng viên chức giáo viên thấp hơn định mức tối đa.
Đây là quy định “mở” và linh hoạt, giúp các địa phương cũng như cơ sở giáo dục có căn cứ xác định số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, đảm bảo đủ số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc