Theo đó, Quy chế này quy định về quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: nội dung, ngôn ngữ ghi trong văn bằng, chứng chỉ; in phôi và quản lý văn bằng, chứng chỉ; cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.
Quy chế này áp dụng đối với các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học; trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; trường trung cấp có đào tạo giáo viên (sau đây gọi là trường trung cấp), trường cao đẳng có đào tạo giáo viên (sau đây gọi là trường cao đẳng), đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục đại học); cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Thông tư cũng rõ nguyên tắc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ bao gồm: Văn bằng, chứng chỉ được quản lý thống nhất, thực hiện phân cấp quản lý cho các sở giáo dục và đào tạo, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
Bản chính văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thu hồi văn bằng, chứng chỉ đã cấp và cấp lại. Trường hợp mẫu văn bằng, chứng chỉ đã thay đổi, cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học.
Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.