Thay vào đó là sinh viên đến từ Ấn Độ. Sự chuyển dịch này có tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực giáo dục đại học Mỹ nói chung và lĩnh vực nghiên cứu STEM nói riêng.
Có ý kiến cho rằng giới trẻ tài năng Trung Quốc muốn đổ xô đến Mỹ, đến mức các cơ quan lập pháp Mỹ phải tìm cách hạn chế số lượng sinh viên quốc tế đến từ quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này. Tuy nhiên, các học giả tại Viện Brookings cảnh báo điều ngược lại.
Trục xoay đang đổi chiều. Dữ liệu từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho thấy, tính đến tháng 9/2023, hơn 320 nghìn sinh viên Ấn Độ đang theo học tại Mỹ, so với khoảng 254 nghìn người từ Trung Quốc.
Chỉ trong 10 năm qua, khoảng 1,8 triệu sinh viên Ấn Độ đã theo học tại các cơ sở Mỹ. Tính riêng năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rớt khỏi vị trí số một từ năm 2008.
Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế “không Covid” từ đầu năm 2023, số lượng sinh viên nước này du học Mỹ đã tăng trở lại nhưng mức tăng trưởng này chưa thể đại diện cho nhóm tài năng hàng đầu Trung Quốc.
Nhiều người chọn du học chỉ vì không muốn tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) nổi tiếng khốc liệt. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh mới hiện nay là đối với nhóm sinh viên tinh anh, những người có thể trúng tuyển các trường đại học hàng đầu trong nước, họ còn muốn du học Mỹ như tầng lớp tài năng nhiều năm về trước hay không?
Theo bà Yingyi Ma, chuyên gia nghiên cứu giáo dục tại Viện Brookings, chất lượng thay vì số lượng là điều quan trọng nhất. Mỹ đang ngày càng đánh mất trái tim của những người giỏi và thông minh nhất Trung Quốc bởi họ có cơ hội theo học các trường hàng đầu trong nước nếu muốn.
Điều này đi ngược lại với tư tưởng rằng Trung Quốc bị chảy máu chất xám vì những tài năng hàng đầu cả nước nóng lòng muốn rời khỏi quê hương. Đây là một trong những tư duy phổ biến trước dịch Covid-19 bởi nước này có số lượng sinh viên đông nhất không chỉ tại Mỹ, mà còn ở nhiều quốc gia du học khác như Australia, Canada...
Báo cáo gần đây của Đại học Thanh Hoa, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Trung Quốc đã chứng minh điều đó. Trong vài năm qua, số sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa chọn du học Mỹ đã giảm mạnh, từ 11% vào năm 2018 xuống còn 3% vào năm 2021.
Nhiều người cho rằng sự suy giảm này là do đại dịch Covid-19, nhưng đáng lưu ý, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa học tập tại Vương quốc Anh lại không hề giảm. Thậm chí, số người chọn du học Singapore còn tăng lên. Trong báo cáo gần đây nhất vào năm 2022, chỉ có 7% sinh viên đại học và cử nhân mới tốt nghiệp tại Thanh Hoa chọn du học. Tỷ lệ người chọn Mỹ chưa được thống kê.
Chuyến đi đến Trung Quốc của bà Ma vào mùa Hè 2023 tiếp tục khẳng định xu hướng giới trẻ tài năng Trung Quốc không còn coi Mỹ là lựa chọn hấp dẫn nhất. Trong cuộc trò chuyện với các giảng viên, sinh viên Đại học Thanh Hoa về việc có cân nhắc học tập tại Mỹ hay không, bà nhận thấy họ bày tỏ sự cân nhắc, thận trọng. Thay vì chọn Mỹ, nhiều người muốn cạnh tranh để theo đuổi chương trình sau đại học tại Thanh Hoa hoặc các trường hàng đầu khác tại Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh.
Trở về từ chuyến thăm Trung Quốc, bà Ma cho biết tư duy của người trẻ tài năng Trung Quốc đã thay đổi đáng kể so với cuối những năm 1980 hay 1990. Bà lấy ví dụ, khi Shi Yigong, cựu Phó Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa tốt nghiệp năm 1989, hơn 70% bạn bè cùng khóa của ông tại Thanh Hoa chọn du học Mỹ.
Tại Đại học Bắc Kinh, ngôi trường được so sánh với Thanh Hoa, hay các trường đại học hàng đầu Trung Quốc khác số lượng sinh viên du học Mỹ giảm mạnh cũng được ghi nhận.
Sinh viên Trung Quốc tìm hiểu về đại học Mỹ tại hội chợ du học. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến sinh viên Trung Quốc giảm niềm đam mê dành cho “xứ cờ hoa”.
Ước tính, hơn 1.400 nhà khoa học Trung Quốc đã rời các trường đại học hoặc công ty Mỹ và quay trở lại Trung Quốc vào năm 2021. 4/10 nhà khoa học gốc Hoa tại các trường đại học ưu tú Mỹ đang cân nhắc việc rời đi. Điều này còn giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng chảy máu chất xám - vấn đề lâu dài mà chính phủ nước này phải loay hoay tìm cách giải quyết.
Một lý do khác khiến sinh viên tài năng Trung Quốc chọn ở lại quê hương vì sự phát triển vượt bậc của các trường đại học trong nước. Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng tiến sĩ ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tốt nghiệp từ giữa những năm 2000. Năm 2022, lần đầu tiên nước này vượt Mỹ và vươn lên dẫn đầu thế giới về số lượng nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu.
Nhiều giảng viên gốc Hoa nổi tiếng thế giới trở lại quê hương làm việc cũng góp phần nâng cao sức hút của các trường đại học trong nước. Đơn cử, năm 2022, GS Khâu Thành Đồng, nhà toán học người Mỹ gốc Hoa, người Trung Quốc đầu tiên giành Huy chương Fields, đã rời bỏ vị trí Giáo sư Toán học tại Đại học Harvard để về công tác tại Đại học Thanh Hoa. Ông muốn xây dựng nền toán học mạnh mẽ hơn nữa tại Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng xu hướng giới trẻ tài năng Trung Quốc không du học Mỹ không đồng nghĩa người di cư Trung Quốc không còn hứng thú với Mỹ. Đơn cử, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng hơn so với 10 năm trước, nhiều người Trung Quốc nhập cư Mỹ không giấy phép thông qua biên giới Mỹ - Mexico.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào con số người nhập cư thì chưa đủ. Giới tri thức Mỹ cần nhận ra rằng dù ngày càng nhiều người Trung Quốc nhập cư thì những người tài năng và thông minh nhất không đến mà đang rời đi.
Vấn đề trên sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực khoa học công nghệ bởi một thực tế là việc giáo dục và đổi mới khoa học công nghệ của Mỹ đang phụ thuộc tương đối lớn vào tài năng nước ngoài, trong đó phần lớn là tài năng Trung Quốc.
Số lượng sinh viên Trung Quốc giảm tại Mỹ có nguy cơ làm suy yếu hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và đổi mới của các trường đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trên thực tế, giáo dục đại học Mỹ đã phụ thuộc vào sinh viên quốc tế trong các lĩnh vực STEM bởi sinh viên trong nước không muốn học STEM.
Báo cáo của Pew Research chỉ ra phần lớn người Mỹ có bằng đại học cho rằng thanh niên Mỹ không học STEM vì những lĩnh vực này quá khó. Trong khi đó, số lượng hồ sơ đăng ký học STEM tại Mỹ từ Trung Quốc lại sụt giảm nghiêm trọng, cản trở năng suất nghiên cứu của các phòng thí nghiệm Mỹ. Hơn nữa, xu hướng này cũng ảnh hưởng đến giáo dục đại học vì sinh viên thường đảm nhận vai trò trợ giảng và nghiên cứu khoa học.
Số lượng sinh viên Ấn Độ du học Mỹ đã 'soán ngôi' Trung Quốc trong năm 2023. |
Khi Mỹ mất đi số lượng đáng kể tài năng Trung Quốc, họ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào sinh viên Ấn Độ và các quốc gia khác để duy trì vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc phòng và công nghiệp công nghệ cao.
GS Teboho Moja - Đại học New York nhìn nhận: “Sinh viên Ấn Độ chắc chắn đang lấp đầy khoảng trống mà sinh viên Trung Quốc để lại. Họ không chỉ học cử nhân, mà còn theo đuổi chương trình cao học để giành những vị trí hàng đầu trong ngành công nghệ và các công việc liên quan đến lĩnh vực STEM. Xu hướng này phổ biến ở Mỹ và nhiều quốc gia khác”.
Dù sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc có điểm tương đồng như đạo đức làm việc nhưng vẫn có nhiều khác biệt. Một quan điểm phổ biến cho rằng người Ấn Độ phù hợp với vai trò lãnh đạo còn người Trung Quốc lại giỏi giải quyết vấn đề. Hay khác biệt về phong tục, lối sống, văn hóa... Điều này có thể khiến các chuyên gia công nghệ phải thay đổi cách làm việc và làm quen với một trường văn hóa mới đến từ sinh viên Ấn Độ.
Giáo dục STEM tại Mỹ chịu ảnh hưởng khi sinh viên Trung Quốc giảm. |
Tuy nhiên, bà Moja cảnh báo Ấn Độ không nên trở thành một “Trung Quốc thứ hai” tại Mỹ, nghĩa là Mỹ không nên phụ thuộc tuyển dụng sinh viên quốc tế từ Ấn Độ. Các cơ sở giáo dục Mỹ cần thu hút số lượng sinh viên quốc tế đa dạng và Ấn Độ chỉ nên là một trong những quốc gia đó.
Đơn cử, tại khu vực Nam Á và châu Phi, nhiều người trẻ rất tài năng nhưng thiếu đi cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng. Do đó, Mỹ cũng cần tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho số lượng sinh viên ngày càng tăng từ các quốc gia Nam bán cầu.
Nhìn chung, liệu Mỹ có vĩnh viễn mất đi sức hút trong mắt tài năng Trung Quốc hay không vẫn chưa thể khẳng định chính xác. Nhưng việc thu hút nhóm này trở lại Mỹ là điều cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Wang Haoran, CEO công ty khoa học sinh học Newland, Mỹ, đánh giá: Mỹ là quốc gia hòa nhập và đa văn hóa, được hình thành từ nguồn trí tuệ từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, nước này vẫn sẽ thu hút những tài năng mong muốn phát triển đến từ toàn cầu.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh
Ý kiến bạn đọc