Năm nay, hoạt động này được tổ chức với đa dạng chuyên đề, hình thức khác nhau.
Nhằm giúp sinh viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân, giúp sinh viên nhận thức những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, lan tỏa giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của nhà trường tới công chúng và xã hội, Trường Đại học Công Thương TPHCM tổ chức tuần sinh hoạt công dân - sinh viên năm học 2024 - 2025 từ 6/9 - 15/10. Theo kế hoạch của nhà trường, tuần sinh hoạt được triển khai nghiêm túc, hiệu quả thiết thực. Cuối khoá có thảo luận, viết thu hoạch và đánh giá kết quả cuối đợt học tập cho sinh viên.
Các chuyên đề được Trường Đại học Công Thương TPHCM xây dựng cho sinh viên năm nhất như tổng quan về nhà trường, hướng dẫn cài đặt bảo hiểm xã hội, giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên, định vị bản thân trong môi trường đại học. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại trung tâm thí nghiệm, các xưởng thực hành, thực tập theo ngành nghề đào tạo.
Với sinh viên năm hai, nhà trường đẩy mạnh các chuyên đề như văn hoá ứng xử và giao tiếp, khai thác thông tin và sử dụng mạng xã hội hiệu quả, kỹ năng viết báo cáo khoa học… Các chuyên đề về phòng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng chống tệ nạn ma tuý và mại dâm trong trường học, phổ biến pháp luật để phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh cho sinh viên năm ba và năm tư.
Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu khoá năm học 2024 - 2025 là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả rèn luyện và xét danh hiệu thi đua cho sinh viên trong năm học. Đối với sinh viên năm nhất, tuần sinh hoạt công dân diễn ra từ ngày 16/9 - 3/10.
Tân sinh viên có 7 ngày học tập online các chuyên đề học liệu đầu khóa và 7 ngày thi online kết thúc môn đối với mỗi đợt tổ chức lớp học. Ngoài ra, sinh viên còn có buổi gặp mặt trực tiếp tại trường học. Tân sinh viên được công nhận hoàn thành chương trình sinh hoạt đầu khóa khi tham gia buổi sinh hoạt trực tiếp, học trực tuyến đầy đủ chuyên đề và có kết quả đánh giá bài thi trực tuyến cuối khóa đạt từ 5 điểm trở lên (thang điểm 10).
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), có 2 chương trình riêng biệt nằm trong tuần lễ công dân cho sinh viên tham gia. ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Hỗ trợ người học nhà trường cho biết:
Tân sinh viên có một học phần sinh hoạt định hướng đầu khóa được tổ chức trong hai tháng với các nội dung như chuyên đề về khám phá môi trường mới - kiến tạo tương lai; khoa học xã hội và nhân văn phục vụ cộng đồng; năng lực thích ứng với môi trường học tập bậc đại học (kỹ năng định vị bản thân, thiết lập mục tiêu cá nhân); kỹ năng vượt qua áp lực, khủng hoảng trong học tập và sinh hoạt; kỹ năng học đại học hiệu quả và lập kế hoạch hoàn thành chương trình đại học; kỹ năng quản lý chi tiêu cá nhân - làm chủ cuộc sống tự lập, giáo dục vì sự phát triển bền vững…
Đối với sinh viên năm thứ ba và thứ tư, nhà trường đưa các chuyên đề như chinh phục nhà tuyển dụng, văn hóa doanh nghiệp và luật lao động nhằm giúp sinh viên hiểu và vận dụng được trong quá trình tìm kiếm việc làm, ứng xử nơi công sở sau khi tốt nghiệp. “Đây là dịp sinh viên được gặp gỡ, kết nối cùng nhau trước khi bước vào giai đoạn học tập; đồng thời để nhà trường chia sẻ và thấu hiểu sinh viên về những chủ đề thiết thực, hỗ trợ các em tự tin bước vào môi trường đại học”, ThS Trần Nam nói.
Không chỉ các trường đại học, ở khối cao đẳng, sinh viên cũng được tham gia các hoạt động ý nghĩa, chuyên đề bổ ích trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm. ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho hay, nhà trường xây dựng tuần lễ sinh hoạt công dân khác mọi năm, chú trọng hơn các chuyên đề về kỹ năng mềm như phương pháp học cao đẳng, kỹ năng giao tiếp, đàm phán trước đám đông, hành chính văn phòng, cách xây dựng một hồ sơ xin việc trong thời gian học tại trường...
“Các bạn được học thêm kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để biết cách chi tiêu trong thời gian học tại trường và phòng chống các công ty đa cấp chiêu dụ vào công ty”, ThS Nguyễn Đăng Lý chia sẻ.
TS Trần Thị Rồi - giảng viên khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM cho hay, tuần sinh hoạt công dân là hoạt động giúp sinh viên trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng làm quen với môi trường giáo dục đại học; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm quá trình học tập; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của nhà trường; từng bước thích nghi với môi trường mới, phấn đấu trở thành công dân tốt, góp phần cho sự phát triển của cộng đồng xã hội.
“Tuần sinh hoạt còn là dịp để nhà trường giới thiệu, trang bị cho tân sinh viên các thông tin như tổng quan về nhà trường, quy chế đào tạo, quy chế công tác sinh viên, quy tắc ứng xử, quyền và nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, lối sống; chế độ khen thưởng, kỷ luật,... để hiểu thêm về trường.
Bên cạnh đó, tuần sinh hoạt công dân giúp các em nắm bắt được hoạt động tư vấn hỗ trợ, học bổng và kỹ năng tìm kiếm việc làm, định hướng nghề nghiệp; công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục giới tính, các hoạt động cộng đồng, xã hội của Đoàn, hội”, TS Rồi chia sẻ.
Mặc dù sinh hoạt công dân đầu khóa không phải là môn học chính trong chương trình học của sinh viên, nhưng đây lại là hoạt động bắt buộc phải tham gia đầy đủ. Gửi lời khuyên cho các tân sinh viên, TS Trần Thị Rồi chia sẻ, các trường đại học có thể tổ chức lịch sinh hoạt công dân vào thời điểm khác nhau, vì vậy, các em cần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về thời gian tổ chức để tham dự.
“Tân sinh viên thường chưa quen với đường đi và bố trí các hội trường, phòng học của trường đại học. Trước buổi sinh hoạt đầu tiên, các em nên đến sớm để có thời gian tìm hiểu và vào hội trường đúng giờ quy định. Trong quá trình tham gia tuần sinh hoạt công dân, các em cần tập trung lắng nghe, nắm bắt đầy đủ thông tin được cung cấp. Nếu vấn đề nào chưa rõ có thể hỏi thầy cô hoặc người hướng dẫn”, TS Trần Thị Rồi nói.
“Em vừa tham dự tuần sinh hoạt công dân của trường. Dù chỉ học trong một buổi nhưng em biết thêm về quy tắc ứng xử của người nhân văn, những kiến thức và kinh nghiệm mà thầy cô đã truyền lại giúp em tự tin hơn trong việc học và khi chuẩn bị bước vào môi trường nghề nghiệp”, Nguyễn Diệu Tú (sinh viên năm 3, ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ.
Tác giả bài viết: Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc