Sơ kết, tổng kết năm học làm sao để tránh lối mòn?

Thứ năm - 18/01/2024 19:47 98 0
Sau kết thúc một học kỳ, năm học, các nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh. Đây là hoạt động “đến hẹn lại lên”, do đó, nhiều đơn vị triển khai theo công thức, lối mòn, kém hiệu quả. Đổi mới hoạt động này là cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả, đặc biệt tăng cường gắn kết nhà trường - gia...
Sơ kết, tổng kết năm học làm sao để tránh lối mòn?

Sau kết thúc một học kỳ, năm học, các nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh. Đây là hoạt động “đến hẹn lại lên”, do đó, nhiều đơn vị triển khai theo công thức, lối mòn, kém hiệu quả. Đổi mới hoạt động này là cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả, đặc biệt tăng cường gắn kết nhà trường - gia đình trong công tác giáo dục.

Vai trò quan trọng

Tổ chức buổi họp phụ huynh, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học không chỉ là cơ hội để thông tin các hoạt động, kết quả thầy trò nhà trường đã làm được, mà còn xây dựng mối quan hệ tích cực giữa trường, phụ huynh. Tại buổi họp, lãnh đạo nhà trường, giáo viên thường trình bày tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; chia sẻ chương trình, hoạt động, dự án sắp tới và trả lời câu hỏi từ phụ huynh…

Theo thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), tổ chức sơ kết học kỳ/tổng kết năm học, họp phụ huynh cuối kỳ/năm là hoạt động quan trọng. Đây là “cơ hội vàng” để tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh; cơ hội để nhà trường truyền thông về các hoạt động giáo dục.

Đây cũng là dịp phụ huynh thấy sự cố gắng của thầy trò trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, những việc đã, đang và sẽ làm, để yên tâm, có niềm tin khi cho con học tập tại trường. Ngoài ra, qua dịp này, học sinh thấy được sự cố gắng hoặc tồn tại của bản thân được nhà trường ghi nhận và phải khắc phục.

Tại Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (TP Thuận An, Bình Dương), hoạt động sơ/tổng kết, họp phụ huynh học sinh được chú trọng và tổ chức nghiêm túc. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàng Trang cho hay: Báo cáo sơ/tổng kết được chuẩn bị chu đáo, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của hoạt động để từ đó phát huy điều đã làm được và rút kinh nghiệm, vấn đề còn hạn chế. Các báo cáo này được gửi đến hội đồng sư phạm nhà trường và cha mẹ học sinh.

Cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động sơ/tổng kết học kỳ, năm học, thầy Nguyễn Văn Chanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, đây là dịp đánh giá lại kết quả hoạt động giáo dục của nhà trường, công đoàn, lớp và từng học sinh; đồng thời triển khai nhiệm vụ chủ yếu trong học kỳ, năm học tiếp theo. Trước khi sơ kết học kỳ I, nhà trường đã gửi dự thảo báo cáo sơ kết tới cán bộ, giáo viên ít nhất 5 ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động sơ kết/tổng kết học kỳ/năm học, họp phụ huynh tại nhiều cơ sở giáo dục chưa hiệu quả. Một số cán bộ quản lý, giáo viên thừa nhận các cuộc họp theo lối mòn, công thức khiến buổi họp trở nên nhàm chán, ít hấp dẫn, phụ huynh ngại đi họp; thậm chí có ý kiến cho rằng họp phụ huynh chủ yếu để thông qua các khoản đóng góp.

Một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn Hà Nội nhận định, một số trường tập trung nhiều vào minh chứng kết quả học tập mà ít chú trọng giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về quá trình học của con em; đưa các số liệu, bảng điểm thiếu sự giải thích và tư vấn về cách cải thiện. Một số buổi họp/sơ kết/tổng kết thiếu tương tác giữa ban giám hiệu và phụ huynh, giáo viên và phụ huynh, phụ huynh với nhau...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần hướng về người học

Để cải thiện thực trạng này, cô Hoàng Quý Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nhà trường đã áp dụng một số giải pháp để đổi mới, tạo sự thú vị trong quá trình họp phụ huynh/sơ kết/tổng kết, như: Sử dụng công nghệ, tận dụng màn hình LED; không chỉ báo cáo kết quả đạt được của thầy và trò, mà còn chú trọng trao đổi, tương tác.

Với giáo viên, thay vì đọc báo cáo, thầy cô công phu xây dựng các video tổng kết; sắp xếp lại không gian lớp học giống như buổi tọa đàm; cho học sinh tham gia báo cáo, nêu cảm nhận, bày tỏ mong muốn với phụ huynh...

“Chúng tôi chú trọng việc lắng nghe và đáp ứng theo phản hồi từ cả giáo viên, phụ huynh để cải thiện chất lượng các hoạt động giáo dục. Hiệu quả đạt được rất tích cực. Nhiều phụ huynh phản hồi, ghi nhận, cảm ơn nhà trường và luôn đồng hành, ủng hộ các phong trào. Thấy rõ nhất là học sinh ngoan, ý thức, học tập tiến bộ hơn. Các em tự tin, mạnh dạn, dám tham gia các cuộc thi lớn, cấp quốc gia, quốc tế; thể hiện bản thân”, cô Hương bày tỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường Tiểu học Bình Hòa 2, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang cho biết, trong buổi lễ tổng kết năm học, nhà trường không đọc văn bản dài dòng mà trình bày ngắn gọn nội dung trọng tâm, còn lại gửi báo cáo bằng văn bản. Thời gian dành nhiều hơn cho hoạt động hướng tới học sinh như văn nghệ, phát biểu cảm nghĩ của học sinh, cha mẹ học sinh, tuyên dương khen thưởng, trao quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Cho rằng, các trường cần có tư duy tổ chức sơ/tổng kết học kỳ, năm học và họp phụ huynh bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, tránh khuôn mẫu, nhàm chán, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu nhà trường.

Trường THPT Tân Sơn nhiều năm qua chú trọng tổ chức các nội dung sơ/tổng kết và họp phụ huynh học sinh. Nhà trường mong muốn qua hoạt động này tạo niềm tin, động lực cho phụ huynh, học sinh phấn đấu trong kỳ II, từ đó hoàn thành nhiệm vụ năm học đạt kết quả cao nhất.

“Thực tế nhiều năm qua, khi nhà trường tổ chức họp, số phụ huynh vắng rất ít. Sau mỗi lần họp, nhà trường đều nhận được nhiều phản hồi tích cực. Khi tổ chức sơ kết, tổng kết họp phụ huynh, trường luôn xây dựng các nội dung có hoạt động của học sinh, thầy, cô giáo và tổ chức tập trung với quy mô toàn trường. Có thể lồng các hoạt động văn thể, tri ân của học sinh và tổ chức tạo không khí trang trọng, thân thiện, tích cực, ý nghĩa và ấn tượng”, thầy Hùng chia sẻ.

Nhiều sở GD&ĐT đã có hướng dẫn sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Theo đó, yêu cầu tổ chức sơ kết ngắn gọn, trang trọng. Mục đích nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả học kỳ I theo các mục tiêu, nhiệm vụ năm học; chỉ ra việc đã làm được, những điểm mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học; những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ năm học trong học kỳ II.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập823
  • Hôm nay55,861
  • Tháng hiện tại333,991
  • Tổng lượt truy cập51,689,950
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944