Ngoài hướng đến tính chuyên nghiệp, cách tổ chức này còn giảm tải khối lượng công việc để nhà trường tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Hơn một năm nay, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hợp đồng với công ty để nấu ăn cho học sinh đăng ký bán trú tại trường. Khu vực bếp ăn được công ty đầu tư cải tạo lại, hệ thống bếp xây dựng đúng quy trình về các khâu chế biến thức ăn, bảo quản… Cấp dưỡng mang bảo hộ lao động theo quy định suốt thời gian làm việc. Khu vực bếp ăn có theo dõi qua camera từ phía công ty, những người không phận sự không được vào.
Cô Võ Thư Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên nhận xét: Với mô hình này, ưu điểm dễ nhận thấy là tính chuyên nghiệp trong tổ chức bữa ăn. “Công ty có chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn theo khẩu phần ăn của từng độ tuổi, thành thạo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban giám hiệu nhà trường bớt được phần nào áp lực, tập trung thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Hiền nói.
Trường Tiểu học Phan Phu Tiên đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý bán trú, nhân viên y tế giám sát từ khâu nhập nguyên liệu đến kiểm định nguyên liệu (test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, formol, ure, hàn the…); quá trình chế biến và chia khẩu phần… Những hình ảnh của các khâu từ tiếp phẩm đến chế biến, phân chia khẩu phần ăn… đều được phía công ty gửi vào nhóm của Ban chỉ đạo bán trú nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh để theo dõi và giám sát.
Anh Nguyễn Minh Trường - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Phan Phu Tiên cho biết: “Dù doanh nghiệp tham gia tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học nhưng phụ huynh vẫn được quyền tham gia kiểm tra, giám sát hằng ngày, thậm chí đột xuất. Sự canh tranh ngày càng cao buộc các doanh nghiệp tự đổi mới, hướng đến chuyên nghiệp hơn. Nhà trường, phụ huynh giám sát chặt để mang đến bữa ăn tốt nhất cho học sinh”.
Dù công tác bán trú vẫn do nhà trường tự tổ chức, nhưng đầu năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã thay đổi đơn vị cung ứng thực phẩm sau khi họp lấy ý kiến cha mẹ học sinh nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn.
“Điểm mới so với trước đây là doanh nghiệp cử một người quản trị trực tiếp bếp ăn (theo dõi từ khâu sơ chế, nấu và chia khẩu phần cho học sinh). Do đó, quy trình từ nhà bếp đến nhà ăn được giám sát chặt chẽ. Trước đây, thức ăn được bộ phận quản sinh chia tại lớp học nhưng giờ chia trước tại khu vực bếp, sẽ đảm bảo hơn việc cân đối định lượng, dinh dưỡng”, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường so sánh.
Bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Phan Phu Tiên do doanh nghiệp vận hành. Ảnh: TG |
Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: “Đơn vị cung ứng thực phẩm cho bếp ăn bán trú của nhà trường có thông báo giá cả thực phẩm ngoài thị trường bắt đầu tăng nhẹ, khoảng 10%. Tuy nhiên, trong hợp đồng được ký từ đầu năm học nên giá thực phẩm nhập vào không thay đổi”.
Thường đối với trường học ở miền núi, mùa mưa và tháng giáp Tết Nguyên đán thì giá rau, củ sẽ cao hơn do mưa bão kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao. Các loại thực phẩm khác như cá, thịt gà… cũng tăng nhẹ. “Thế nhưng, nhà trường và công ty cung ứng thực phẩm đã ngồi lại để tính toán mức giá bình ổn trong cả năm học để hạn chế thấp nhất sự điều chỉnh. Trong trường hợp giá cả thị trường cao bất thường, khoảng 40 – 50% thì điều chỉnh giá cung ứng. Nhưng trường hợp này chưa xảy ra lần nào”, thầy Ngọc thông tin.
Kinh nghiệm của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng là chọn đơn vị cung ứng thực phẩm có hồ sơ năng lực đủ lớn để không bị tác động nhiều bởi giá cả thị trường.
Đây cũng là kinh nghiệm của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi). Nhà trường có gần 170 học sinh ở nội trú đến chiều thứ 6 mới về gia đình. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Khoa, hợp đồng ký với nhà cung ứng từ đầu năm học và ký trọn 9 tháng. Giá cả cũng thỏa thuận trước, trong đó có tính toán sự tăng – giảm của giá cả thị trường vào thời điểm như mưa bão kéo dài, tăng giá, dịp Tết… Chỉ trong trường hợp giá cả lên - xuống quá bất thường thì mới tính đến việc thương thảo lại hợp đồng.
Để đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho học sinh, bữa ăn nào trong khẩu phần cũng có món cá, giáo viên và nhân viên cấp dưỡng của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng phải động viên các em ăn hết suất. “Nhiều em không có thói quen ăn cá và không thích ăn. Thịt thì các em chỉ ăn phần nạc. Chính vì vậy, giáo viên phụ trách lớp phải chú ý đến thói quen ăn uống của học sinh để có hình thức động viên phù hợp, giúp các em đủ chất dinh dưỡng và phát triển thể chất”, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Tương tự, tại nhiều điểm trường lẻ, từ sự kết nối của nhiều giáo viên với các nhà hảo tâm vẫn tổ chức một số bữa ăn trong tuần để cải thiện dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên, theo các thầy cô, giá cả tăng không đáng kể nên không ảnh hưởng nhiều đến khẩu phần ăn của học sinh.
Theo tính toán của thầy Bùi Quang Ngọc, giá cả thực phẩm tăng sau khi Chính phủ tăng lương cơ sở không ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi.
“Theo quy định, mức hỗ trợ tiền ăn của học sinh bằng 40% mức lương cơ sở nên mỗi tháng, các em được tăng từ 580.000 đồng lên 720.000 đồng. Số tiền này đủ bù cho việc thực phẩm tăng giá. Thậm chí, năm học này, học sinh nhà trường còn được tăng khẩu phần ăn. Theo đó, có thêm món đậu phụng và muối mè trong mỗi bữa ăn theo sở thích của các em”, thầy Ngọc phân tích.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc