Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, một trong những kết quả nổi bật của cấp học mầm non là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Theo đó, phòng GD&ĐT đã triển khai quét mã QR Code truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng dẫn cách chế biến món ăn; tuyên truyền đến phụ huynh học sinh các nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hiện, 100% trường công lập và 50% các trường ngoài công lập quản lý các hoạt động trên các phần mềm. Phần mềm đánh giá cán bộ công chức, viên chức được các trường thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng tiến độ đánh giá hàng tháng trên hệ thống. Kiểm tra trên tài khoản của Hiệu trưởng đã cập nhật đầy đủ kế hoạch tháng, lịch tuần.
90,9% nhà trường thực hiện hiệu quả cổng thông tin điện tử của trường; fanpage… để tuyên truyền các hoạt động tới phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai kế hoạch ngày hội công nghệ thông tin và STEM năm 2024.
Cũng trong học kỳ qua, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã thực hiện biệt phái giáo viên các trường học công lập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các trường trong quận.
Theo đó, mỗi trường lựa chọn, cử 1 giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn, thuộc diện quy hoạch lãnh đạo quản lý, giáo viên dạy giỏi cấp quận và thành phố trong các năm học 2020 - 2021; 2021 - 2022; 2022 – 2023.
Sau 5 tháng thực hiện biệt phái, các giáo viên nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, tích cực tham gia các hoạt động phong trào và chuyên môn. Một số đồng chí đã được phân công làm điểm các chuyên đề các cấp, lên tiết kiến tập, thi giáo viên giỏi đạt kết quả cao.
Bà Trần Thị Hương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ nhấn mạnh, thời gian tới, các trường mầm non cần tiếp tục thực hiện tốt chủ đề năm học “Trường mầm non xanh - An toàn - Hạnh phúc”; xây dựng hiệu quả mô hình “Mỗi cơ sở giáo dục mầm non là một không gian sáng tạo”.
Bà Trần Thị Hương đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường, lớp; trong đó có công tác an toàn an ninh trường học, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển chương trình giáo dục nhà trường, đổi mới hình thức, phương pháp các hoạt động học qua chơi và trải nghiệm. Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục các nhà trường.
Nhân dịp này, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đề xuất cấp trên quan tâm về chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên. Có chính sách phụ cấp đặc thù nhân viên y tế, nuôi dưỡng đảm bảo đời sống để các đồng chí yên tâm công tác.
Hiện, toàn quận Tây Hồ có 22 trường mầm non; trong đó có 10 trường công lập và 12 trường ngoài công lập (tăng 1 trường ngoài công lập), 65 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ( tăng 3 cơ sở).
Tổng số trẻ mầm non trên địa bàn quận là hơn 8.700 trẻ; trong đó trẻ nhà trẻ ra lớp là 924 em đạt tỷ lệ 64,8%; trẻ mẫu giáo ra lớp trên 6.400 em đạt tỷ lệ 87,6% ; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp là hơn 2.300 đạt tỷ lệ 100%. 100% nhóm lớp mầm non được học 2 buổi /ngày và ăn bán trú.
Tổng số Cán bộ, giáo viên, nhân viên là 1.380 người; trong đó có 46 cán bộ quản lý, hơn 1.000 giáo viên. 807 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đạt tỷ lệ 79,5%.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc