Sơn La: Hạnh phúc khi “trường là nhà”

Thứ sáu - 11/03/2022 22:09 260 0
GD&TĐ - “Chúng tôi luôn nghĩ: Ngôi trường chỉ có thể hạnh phúc khi nó thực sự trở thành ngôi nhà, còn đồng nghiệp phải là anh em ruột thịt”, cô Phùng Thị Hiền chia sẻ.
Sơn La: Hạnh phúc khi “trường là nhà”

Trường là nhà...

Một chiều giữa tháng 3, tôi có dịp đến xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Hôm nay, Chiềng Ban đang “vươn mình” đổi mới. Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn, dưới sức vóc của con người, những vạt đồi hoang hôm nào nay đã trở thành “vựa” cà phê trù phú. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, vì thế mà công tác giáo dục cũng được quan tâm đúng mức.

Giữa bạt ngàn cà phê xanh ngút tầm mắt vẫn văng vẳng lời bài hát “Trường chúng cháu là trường mầm non” của đám trẻ vọng về:

“...Ai hỏi cháu có trường nào vui thế
Có bạn đông mà sao lớp sạch ghê.
Khi về nhà là lại nhớ trường hơn
Trường của cháu đây là trường mầm non...

Cô Phùng Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Mầm non Chiềng Ban hồ hởi dẫn mấy cô giáo ra cổng trường đón khách. Vừa đi, cô Hiền vừa giới thiệu từng hạng mục từ cổng đến sân trường và kể: “Với quyết tâm xây dựng trường học hạnh phúc, thời gian qua, tập thể sư phạm nhà trường đã quyết tâm chung tay xây dựng. Chúng tôi luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Trong ngôi nhà đó, cô là mẹ và các cháu là con. Tình cảm, trách nhiệm của mỗi giáo viên đều dành trọn cho trò. Họ coi các cháu như chính con mình vậy”.

“Một ngày có 24 giờ đồng hồ thì các cháu ở trường một nửa. Vậy, chúng tôi luôn nghĩ: Ngôi trường chỉ có thể hạnh phúc khi nó thực sự trở thành ngôi nhà chung, còn đồng nghiệp phải là anh em ruột thịt”, cô Hiền nói thêm.

Xác định “ngôi nhà thứ hai” có níu được chân trẻ hay không thì mỗi nhà giáo phải thể hiện rõ vai trò “làm mẹ”. Bởi thế, tập thể sư phạm nhà trường vẫn hàng ngày “vun xới” cho ngôi nhà đó. Từng khóm hoa đến sân chơi, bãi tập họ đều bày biện khoa học, bắt mắt để tạo hứng thú mỗi khi trẻ đến trường.

Miệng kể, chân đi, cô Hiền đưa chúng tôi tham quan tất cả các hạng mục trong khuôn viên rộng rãi của trường. Nơi bố trí xích đu, chỗ thì sắp xếp nàng Bạch Tuyết xinh xắn, đứng bao quanh là 7 chú lùn và những vòm cây khiến cho tôi có cảm giác như đang lạc vào vườn cổ tích. Đó là sân chơi để trẻ khám phá, song cũng gắn liền với mỗi bài học trải nghiệm cho trẻ mỗi ngày.

“Đối với trẻ mầm non thì lớp học phải đẹp, phải bắt mắt. Các con vật hay đồ chơi phải ngộ nghĩnh thì các con mới thích đến lớp. Trước mỗi đầu năm học, chúng tôi đều tranh thủ làm đồ chơi mới, thay đổi cách bày biện để trang trí góc học tập sao cho cuốn hút để khi tựu trường các con phải thích. Để làm được điều này thì tôi thường lên các trang mạng học hỏi cách làm của đồng nghiệp, trường bạn. Như vậy, lớp học luôn có sự đổi mới khiến trẻ yêu thích hơn, muốn đến trường nhiều hơn”, cô Bùi Thị Trang, giáo viên nhà trường chia sẻ.

“Giáo viên phải luôn sáng tạo trong bày biện, bố trí đồ dùng, đồ chơi, tạo cho trẻ cảm thấy hứng thú. Với chúng tôi, tiêu chí an toàn phải đặt lên hàng đầu. An toàn ở đây được hiểu không đơn giản chỉ là không có thương tích, mà còn bởi môi trường giáo dục. Muốn vậy, ngoài cơ sở vật chất thì giáo viên cũng phải dành tình cảm, tình yêu thương chân thành cho trẻ. Giáo dục trẻ những lời hay, ý đẹp, biết lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ”, cô Hiền tiếp lời.

Sơn La: Hạnh phúc khi “trường là nhà” - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

...đồng nghiệp là "ruột thịt"

Theo quan điểm của cô Hiền, khi đã xác định trường như ngôi nhà thì đồng nghiệp phải coi nhau như những người bạn, thậm chí là ruột thịt. Quan điểm trên được thông suốt nên tập thể nhà trường luôn dành nhiều sự quan tâm cho người bên cạnh. Họ luôn tạo không khi vui tươi, thoải mái khi làm việc.

Bởi thế, ở đây có 3 tiêu chí toàn trường đặt ra, và tất cả đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện, đó là: “An toàn – Yêu thương – Tôn trọng”. Cô cũng như trò đều phải hướng tới môi trường giáo dục an toàn. Ở đó có sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Cô Hiền chia sẻ thêm: “Đơn cử như với một số giáo viên mới vào nghề, các cô chưa có nhiều kinh nghiệm thì chúng tôi bố trí một người có chuyên môn vững dạy kèm. Quá trình làm việc, hai người sẽ bổ trợ cho nhau. Người mới sẽ học hỏi được kỹ năng sư phạm của người đi trước.

Trong những giờ thao giảng, Ban giám hiệu dự và góp ý thẳng thắn trên tinh thần xây dựng chứ không áp đặt chủ quan. Đồng thời thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng lắng nghe để tiếp thu, điều chỉnh khi cần thiết. Với tinh thần đó, mọi người đều cảm nhận được sự chân thành của nhau để tự khắc phục, sửa chữa và từng bước tiến bộ”, cô Hiền cho biết.

Trong công việc đã vậy, ngoài đời tư, họ cũng sẵn sàng sẻ chia những lúc đồng nghiệp gặp khó.

“Với những trường hợp đặc biệt như một số cô chồng công tác xa, đơn thân chăm sóc con nhỏ thì nhà trường cũng có những “ưu ái” nhất định. Ví dụ như việc tạo điều kiện cho họ có thời gian tối đa cho gia đình mỗi khi cha ốm, mẹ đau hoặc con trở bệnh. Bất kể là ai, mỗi khi có việc buồn, vui thì chúng tôi cũng đều có mặt để động viên, chia sẻ kịp thời chứ không nề hà và không phân biệt. Mọi người đều được đối xử bình đẳng”, cô Hiền bộc bạch.

Công tác ở ngôi trường này ngót nghét gần chục năm, cô Trang là người thấu hiểu tình cảm mà đồng nghiệp ở đây dành cho nhau.

“Với chúng tôi thì ai cũng đều có những giai đoạn thực sự vất vả. Đó là khi con ốm, mẹ đau hay như bố mẹ già yếu trở bệnh phải điều trị dài ngày... Những lúc đó thì nhà trường sẽ tạo điều kiện cho đi muộn và về sớm hơn chừng 30 phút để chăm lo gia đình, người thân. Công việc thì vẫn phải đảm đương, song đồng nghiệp mình lại sẵn sàng chia sẻ. Họ một mình gánh vác công việc của cả hai. Trong số chúng tôi có rất nhiều người xa quê nên họ đều đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ. Cá nhân tôi cũng vậy!”, cô Trang nói.

“Như bản thân tôi đây! Năm trước có giai đoạn tôi là F2. Khi ấy ở đây có muốn thuê trọ cũng không có chỗ mà thuê. Nếu có thì phải đi xa, đắt đỏ, tốn kém. Ở nhà cách ly thì sợ ảnh hưởng đến người thân và người xung quanh. Thế rồi Ban Giám hiệu đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất ở trường để chúng tôi theo dõi sức khỏe. Lúc đó các cháu cũng nghỉ học. Khi ở trường, ngày nào cũng nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ động nghiệp động viên tinh thần để yên tâm theo dõi. Với chúng tôi, đó thực sự là niềm vui và hạnh phúc!”, cô Trang vui vẻ nói.

Tác giả bài viết: Mai Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập660
  • Hôm nay45,240
  • Tháng hiện tại323,370
  • Tổng lượt truy cập51,679,329
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944