Điều này đã góp phần thổi làn gió mới trong hoạt động dạy và học tại địa phương.
Thầy Lý Ngọc Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Cà Mau) cho biết: Từ đầu năm học đến nay, trường triển khai hơn 20 tiết học STEM ở các khối lớp. Để tiết học diễn ra thuận lợi, đạt chất lượng theo yêu cầu, trước đó trường tạo điều kiện tập huấn cho tất cả giáo viên về giáo dục STEM cấp tiểu học; chỉ đạo cho tổ chuyên môn xây dựng bài học STEM như một chuyên đề để nghiên cứu, báo cáo, thảo luận, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên đăng ký tham gia tiết dạy STEM. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được nhà trường trang bị đầy đủ, đảm bảo tiết học STEM.
“Hầu hết tiết học STEM tạo không khí vui tươi trong lớp học, hứng thú với học sinh do được thỏa sức sáng tạo, tự do suy nghĩ ý tưởng. Trong quá trình làm việc nhóm, các em hăng say đóng góp ý kiến, phối hợp, thể hiện tinh thần đồng đội, biết phân tích và lựa chọn ý tưởng hay để hình thành sản phẩm cho nhóm”, thầy Lý Ngọc Hiển nhận xét.
Cô Ngô Thị Mai - Trường Tiểu học Quang Trung cho biết thêm, so với các tiết học truyền thống, giờ học STEM cho hiệu quả học tập tốt hơn. Học sinh được tiếp thu kiến thức từ thực tiễn, chủ động thay vì thụ động trong quá trình học, lên ý tưởng, chuẩn bị vật dụng, tạo sản phẩm...; giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, gợi mở thực hiện bài học. “Giáo dục STEM là sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục tri thức với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, gồm kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, phản biện... giúp các em trau dồi ngôn ngữ, tự tin trước đám đông”, cô Mai nhận xét.
Đối với giáo dục STEM lớp đầu cấp tiểu học, cô Trần Diệu Linh - Trường Tiểu học Quang Trung cho hay ở khối lớp 1, việc triển khai có phần khó khăn hơn do các em vừa chuyển từ mẫu giáo lên. Tuy nhiên, sau khi được cô hướng dẫn, học sinh tỏ ra thích thú với tiết học STEM. “Đây là hình thức vừa học vừa chơi, tạo môi trường thân thiện, sát thực tế, giúp học sinh dễ hiểu, nắm vấn đề, tiếp thu kiến thức”, cô Linh chia sẻ.
Học STEM, em Lâm Hồ Trúc Quỳnh - học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Quang Trung được cùng các bạn làm mô hình đồng hồ chỉ giờ. Nhóm chọn làm đồng hồ hình vuông, Trúc Quỳnh thấy vui, thích tiết học này. Em đã biết xem giờ, phút trên đồng hồ sử dụng số La Mã. Tương tự, hơn 1 tháng sau khi làm quen với STEM, em Bùi Nguyễn Bảo Tiên - học sinh lớp 3C mong được học thêm tiết học thú vị. “Làm việc nhóm rất vui, em thích cùng các bạn tạo ra nhiều sản phẩm”, Bảo Tiên chia sẻ.
Không riêng ở TP Cà Mau, tại các huyện khó khăn việc triển khai giáo dục STEM cũng tạo được hiệu ứng tích cực. Ông Lê Xuân Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho hay: Năm học 2023 - 2024, huyện triển khai hoạt động STEM cho các trường tiểu học, mỗi trường tùy theo điều kiện thực tế tổ chức tiết học STEM phù hợp.
Nhiều trường đã hoàn thành các tiết học STEM theo yêu cầu đề ra. Theo đánh giá bước đầu, tiết học STEM tạo sinh khí học tập tốt. Giáo viên linh động, sáng tạo trong giảng dạy, học sinh thích thú và chủ động hơn trong học tập.
Học sinh thảo luận đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình trong tiết học STEM. Ảnh: TG |
Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai giáo dục STEM tại Cà Mau còn một số khó khăn. Theo ông Lê Xuân Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển, đối với huyện vùng sâu, xa như Ngọc Hiển thì khó khăn lớn nhất là còn nhiều điểm trường lẻ; điều kiện cơ sở vật chất các trường hạn chế, thiếu phòng Tin học, tiếng Anh, đường truyền mạng. Do đó, việc triển khai STEM không đạt hiệu quả cao so với điểm trường chính, học sinh chịu thiệt thòi hơn.
Tại TP Cà Mau, lớp học đông cũng ảnh hưởng đến triển khai các tiết dạy STEM. Điển hình tại Trường Tiểu học Quang Trung, mỗi lớp có gần 50 học sinh, khi học STEM phải phân chia thành nhiều nhóm.
“Chia nhiều nhóm mất thời gian hơn trong việc thuyết trình ý tưởng, trình bày sản phẩm và một số hoạt động khác, giáo viên khó có thể quan sát, hướng dẫn học sinh một cách toàn diện. Thông thường dạy tiết học STEM phải ghép ít nhất 2 tiết học truyền thống lại mới đủ thời gian”, thầy Phó Hiệu trưởng Lý Ngọc Hiển thông tin.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, do mới triển khai, điều kiện, cơ sở vật chất từng địa phương khác nhau, chắc chắn hoạt động giáo dục STEM còn những hạn chế, khó khăn. Sau khi có báo cáo từ phòng GD&ĐT các địa phương, sở sẽ có giải pháp khắc phục, để việc triển khai trong năm học 2024 - 2025 đạt chất lượng, hiệu quả hơn.
Theo đại diện Phòng GD&ÐT TP Cà Mau, năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên thực hiện mô hình giáo dục STEM bậc tiểu học. Phòng chọn 5 trường để triển khai đầy đủ nội dung. Ðối với các trường còn lại, tùy điều kiện thực tế mà thực hiện, học tập rút kinh nghiệm. Bước đầu cho thấy, 5 trường triển khai giáo dục STEM tốt. Nhiều trường tổ chức dạy các tiết học STEM vượt chỉ tiêu dự kiến; đa dạng trong lựa chọn mô hình học tập, sáng tạo phù hợp từng độ tuổi học sinh.
Tác giả bài viết: Quách Mến
Ý kiến bạn đọc