Thực hiện Kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, tiếp tục thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tổ chức các lớp bồi dưỡng công tác quản lý việc thực hiện chế độ chính sách và các hoạt động đặc thù của trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và trường phổ thông có học sinh bán trú năm 2024.
Theo đó, lớp bồi dưỡng công tác quản lý việc thực hiện chế độ chính sách và các hoạt động đặc thù của trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú năm cho hơn 600 cán bộ quản lý, giáo viên, kế toán của 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, 95 phổ thông dân tộc bán trú và 100 trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Nội dung của lớp bồi dưỡng đã tập trung giải quyết những vấn đề nêu trên với các chuyên đề như công tác quản lý việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh tại các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú.
Hướng dẫn thực hiện việc thanh quyết toán chế độ chính sách, quản lý hệ thống hồ sơ sổ sách phục vụ công tác nấu ăn tập trung cho học sinh.
Công tác xã hội hóa, tổ chức các hoạt động câu lạc bộ và giáo dục đặc thù; một số yêu cầu về công tác quản lý sinh hoạt tổ chuyên môn đặc biệt là đối với trường có 1 giáo viên/1 môn học.
Tại lớp bồi dưỡng, học viên được trao đổi thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những khó khăn vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ, từ đó lan tỏa, phổ biến đến đồng nghiệp tại đơn vị, địa phương mình. Từ đó góp phần thúc đẩy chất lượng của công tác giáo dục tỉnh Lạng Sơn nói chung, công tác giáo dục đặc thù tại các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú nói riêng đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025 của tỉnh Lạng Sơn.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Thảo, Phó Hiệu Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn: “Buổi tập huấn là cơ hội để chúng tôi lắng nghe những chia sẻ cũng như tích luỹ thêm kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chế độ chính sách và các hoạt động đặc thù của trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đặc biệt hiện nay, năm học 2023-2024, tiếp tục thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025 cũng tạo thuận lợi để các trường đặc thù của chúng tôi thừa hưởng những chính sách, từ đó giúp học trò yên tâm học tập cũng như tạo điều kiện học tập tốt hơn”.
Bà Phan Mỹ Hạnh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phát biểu. |
Chia sẻ bên lề buổi tập huấn, bà Phan Mỹ Hạnh Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn của công tác kiểm tra tại các trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận những ưu điểm, những thành tích nổi bật của các nhà trường, nhất là những trường đóng trên địa bàn khó khăn, đã bằng sự nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo để đảm bảo việc dạy học và chăm sóc nuôi dưỡng học sinh.
Tuy nhiên còn có những hạn chế trong công tác quản lý về tổ chức, điều hành chuyên môn, sinh hoạt tổ chuyên môn cho học sinh nội trú, bán trú, công tác xã hội hóa giáo dục và cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại trường bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.
Do đó qua buổi tập huấn, chúng tôi cũng muốn lắng nghe những chia sẻ để từ đó cùng tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cũng như nâng cao chất lượng cho học sinh”.
Tác giả bài viết: Đức Duy
Ý kiến bạn đọc